21/01/2008 - 09:15

Kỷ niệm 40 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Suy nghĩ về chiến thắng trong Tết Mậu Thân 1968 (kỳ 1)

Tại cuộc Hội thảo khoa học “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” tại TP Huế, do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức, Đại tướng LÊ ĐỨC ANH, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền, có bài tham luận. Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài tham luận này.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra cách đây tròn 40 năm. Độ lùi 40 năm càng cho chúng ta hôm nay nhận thức sâu hơn, toàn diện hơn về vai trò, vị trí của sự kiện trọng đại này. Thật vậy, chiến thắng Tết Mậu Thân 1968 có tầm vóc lịch sử lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Với tầm nhìn xa trông rộng, từ lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã nhận thấy rằng: Đương đầu với kẻ thù có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự lớn hơn ta gấp nhiều lần, chúng ta phải biết thắng từng bước cho đúng và đánh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Ngay từ năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Mưu đồ chiến lược này là bằng sức mạnh quân sự Mỹ cùng với quân ngụy mở các cuộc tiến công lớn “tìm diệt” (sau đó là “tìm diệt và bình định”) chủ lực của ta ở miền Nam; dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam, cô lập và đè bẹp cách mạng miền Nam.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (tháng 12-1965), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích chiến lược mới của Mỹ và khẳng định sức mạnh của Mỹ không phải là vô hạn. Chúng lại có những chỗ yếu “chí tử”, nhất là về chính trị, tinh thần bắt nguồn từ hành động chiến tranh xâm lược phi nghĩa, tàn bạo. Ta có thể hạn chế những chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của Mỹ để đánh thắng chúng.

Trên cơ sở đánh giá đúng cả mặt mạnh và mặt yếu của địch, thế và lực của ta, Đảng ta chỉ rõ: Cần tiếp tục giữ vững và phát huy thế chiến lược tiến công, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, trong đó đấu tranh quân sự có tác dụng quyết định trực tiếp, để đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta tiếp tục tiến lên.

Tư tưởng chỉ đạo nói trên trở thành ý chí, hành động cách mạng của quân và dân cả nước. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, trong đó có cuộc hành quân Junction City ở phía bắc tỉnh Tây Ninh - cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam; làm thất bại các bước leo thang chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ trên miền Bắc.

Bị thất bại liên tiếp, nhưng Westmoreland - Tổng chỉ huy quân Mỹ ở nam Việt Nam, còn đề nghị tăng 256.756 quân, chuẩn bị kế hoạch mở cuộc phản công lần thứ ba với quy mô lớn hơn.

Tuy chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi, nhưng chưa làm chuyển biến cơ bản cục diện chiến tranh. Một vấn đề lớn đặt ra là ta cần có một đòn chiến lược có ý nghĩa quyết định để tạo ra cục diện mới - một bước ngoặt của cách mạng miền Nam.

Những cố gắng chiến tranh của Mỹ đã ở mức cao, nhưng không xoay chuyển được tình thế. Trong nước, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Phong trào nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh của nhà cầm quyền Mỹ tiến hành ở Việt Nam càng cao (tháng 10-1967, tại Washington, các cuộc biểu tình của nhân dân Mỹ chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam có tới 50.000 người)(1) và sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến của ta ngày càng rộng lớn. Mỹ ở thế bất lợi cả về quân sự và chính trị.

Bám sát và phân tích động thái chiến trường, tình hình nước Mỹ và thế giới, Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1967) dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược. Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược”(2). Từ đó, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định:” ...

Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta tiến lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”(3). Bộ Chính trị cho rằng cần phải tập trung toàn bộ sức mạnh của chiến tranh cách mạng miền Nam, đánh địch bằng cả tiến công quân sự và tiến công chính trị.

Đây là “nhiệm vụ trọng đại và cấp bách”, nhằm giáng cho địch một đòn thật mạnh, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, tạo ra sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta, “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định”(4). Hướng tiến công chiến lược chủ yếu là các thành phố, trung tâm đầu não của Mỹ - ngụy trên toàn miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân.

Căn cứ vào chủ trương trên, ta triển khai nhiều biện pháp tổ chức thực hiện: Xây dựng quyết tâm, tạo sự nhất trí cao giữa Trung ương và chiến trường cả về tư tưởng lẫn hành động; tiến hành nghi binh bằng quân sự, tiến hành mọi công tác chuẩn bị theo một kế hoạch chặt chẽ, nghiêm ngặt, giữ bí mật ý định chiến lược của ta.

Nhớ lại đầu năm 1967, Trung ương Cục đánh giá cũng trúng và chỉ đạo mùa mưa này chuẩn bị thật tốt để mùa khô tới giành thắng lợi lớn hơn. Bộ chỉ huy Miền tăng cường và phát triển lực lượng biệt động, lấy người tại chỗ ngay trong nội thành. Trung ương Cục giao cho anh Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định, lo xây dựng, củng cố các lực lượng biệt động thành và tăng cường các đồng chí cán bộ đầu ngành vào chỉ đạo các lực lượng chính trị trong nội thành. Đồng thời, Trung ương Cục chỉ đạo Bộ chỉ huy Miền và các quân khu phối hợp với các Tỉnh ủy, Thành ủy làm tốt công tác chuẩn bị.

Tháng 10-1967, anh Nguyễn Văn Linh và anh Trần Văn Trà ra Trung ương họp. Sang tháng 11, hai anh trở vào phổ biến việc Bộ Chính trị quyết định tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Để chuẩn bị cho tổng công kích, trên điều anh Hoàng Văn Thái vào làm Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền.

Trước khi nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tuy đã có bước chuẩn bị các hướng rồi, nhưng còn nhiều việc phải làm, thời gian lại quá gấp. Hơn nữa, ý của trên đánh thế nào không được phổ biến kỹ, mọi người chỉ hiểu là: “đánh vào đô thị”. Chúng tôi thảo luận: Phải nghiên cứu tìm ra cách đánh táo bạo cho đòn tiến công, có ý nghĩa chiến lược, dự kiến các tình huống và các phương án cụ thể. Trong quá trình xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược, Bộ chỉ huy Miền chú trọng việc theo dõi, đánh giá khả năng hành động của bộ đội ta khi đánh vào thành phố và khả năng nổi dậy của quần chúng, cũng như khả năng binh biến trong ngụy quân, ngụy quyền...

Mặc dù thời gian chuẩn bị gấp, nhưng ta đã vận chuyển được một khối lượng lớn vũ khí và phương tiện chiến đấu, giấu trong nhà dân gần các mục tiêu dự định tiến công. Nhưng, không phải đến lúc nhận lệnh ta mới chuẩn bị. Mà trước đó, những gì lo được, ta đã tính toán chuẩn bị. Từ năm 1965, ta đã xây dựng các hầm chứa vũ khí và hầm bí mật trong nội thành.

Tính đến cuối năm 1967, ta đã thiết lập được 19 “lõm căn cứ” chính trị ngay sát những mục tiêu trọng yếu của địch, bao gồm: 325 gia đình cơ sở, 400 điểm ém quân, 12 kho vũ khí, thiết lập đường dây liên lạc và chuyển vũ khí vào gần các mục tiêu tiến công, sẵn sàng đón và đáp ứng thời cơ chiến lược.

Đây là thắng lợi lớn của phương châm đánh địch trên ba vùng chiến lược, là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng ta hạ quyết tâm đưa chiến tranh vào đô thị, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trong dịp Tết Mậu Thân 1968.

Cho đến nay, đã hơn một phần ba thế kỷ, nhiều nhà nghiên cứu quân sự trong nước và ngoài nước, kể cả bộ máy chiến tranh của Mỹ, vẫn cố tìm hiểu, bằng cách gì mà ta triển khai trên diện rộng toàn miền Nam, bằng cách gì mà ta đồng loạt nổ súng tiến công ở tất cả các đô thị, tỉnh lỵ mà ta vẫn giữ được tuyệt đối bí mật? Tôi nhớ, gần sát “thời điểm Tổng tiến công”, Bộ Chính trị và đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn mới triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 14; họp xong, về ngay để triển khai nhiệm vụ. Đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục, gọi riêng từng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lên giao nhiệm vụ. Mỗi tỉnh chỉ một người biết rõ “Giờ G, ngày N” - thời điểm nổ súng đồng loạt tiến công địch.

Điều này, nói lên sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh, sáng tạo của Đảng ta; sự thống nhất của ý chí, sự nghiêm minh của kỷ luật chiến trường đã quyện trong ý thức tự giác, lòng trung thành và phẩm chất mẫu mực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Ngay sự thống nhất ý chí, hành động của quân và dân ta lúc đó đã tạo sức mạnh tiến công đối với quân thù. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo nên chiến thắng trong Tết Mậu Thân 1968.

Quần chúng đã tham gia tích cực vào cuộc chuẩn bị cho đợt tổng tiến công này và sau khi nổ súng đã tham gia đông đảo bằng nhiều hình thức trên nhiều lĩnh vực. Nhân dân trinh sát, nắm tình hình, dẫn đường, che giấu cán bộ và tích cực tham gia chiến đấu, tiếp tế cơm nước cho bộ đội, nuôi dưỡng thương binh rồi đưa về căn cứ an toàn. Nhiều người, có trường hợp cả gia đình bị địch bắt, khủng bố, tù đày... vẫn một lòng hướng về cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.

Do xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân - thế trận lòng dân, nên chúng ta đã làm tốt công tác chuẩn bị, giữ được bí mật cho đến giờ nổ súng và chúng ta mới có thể tiến công địch theo kiểu Mậu Thân 1968.

(Xem tiếp)

--------------------

(1) Dẫn theo G.Pim-lốt trong cuốn “Việt Nam - những trận đánh quyết định”. Trung tâm Thông tin Khoa học - Công nghệ - Môi trường - Bộ Quốc phòng, xb năm 1997, tr 124.
(2). Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12-1967.
(3, 4). Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12-1967.

Chia sẻ bài viết