05/11/2008 - 08:08

Suy nghĩ về chiến lược con người trong giai đoạn mới

* NGUYỄN THỊ BÌNH
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam

Phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ xã hội, hay nói cách khác, mục tiêu của chúng ta không chỉ về kinh tế, mà còn về mặt xã hội, tức là phải xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, để hướng tới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phát triển về xã hội ở đây, không chỉ là chăm lo đời sống vật chất mà còn phải chăm lo đến vấn đề văn hóa, dân trí và đạo đức xã hội của con người. Trong lĩnh vực này, những năm qua chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ.

Sau khi cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được hoàn thành, nhân dân ta đứng trước tình cảnh vô cùng khó khăn: đất nước bị tàn phá, nền tài chính quốc gia hầu như không có gì đáng kể, cuộc sống của nhân dân vô cùng thiếu thốn, lương thực cũng phải mua và nhờ sự viện trợ từ bên ngoài. Đứng trước những khó khăn đó, Đảng nêu ra nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, nhưng mãi đến những năm 90, sau khi có đường lối đổi mới, nhiệm vụ trung tâm này mới bắt đầu thu được kết quả. Thu nhập bình quân đầu người từ 200 USD năm 1995 tăng lên 700 USD năm 2006. Và theo kế hoạch, Việt Nam sẽ phải phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người lên 1.000 USD vào năm 2010 để vượt ngưỡng cửa của một nước nghèo theo tiêu chí của Liên Hiệp Quốc.

Hơn hai mươi năm nỗ lực vượt bậc để thay đổi bộ mặt của đất nước, để có những kết cấu hạ tầng khá hơn, một số công trình quốc gia khang trang hơn, và điều đáng phấn khởi nhất là chúng ta không chỉ bảo đảm lương thực cho dân, mà còn xuất khẩu được một khối lượng lương thực đáng kể.

 Học viên lớp trung cấp điều dưỡng tăng cường tiếng Anh Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ trong giờ thảo luận nhóm. Ảnh: BÍCH  NGỌC

Nhưng mọi người đều biết Việt Nam còn phải tăng trưởng kinh tế nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa mới có thể đạt được mục tiêu “trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cỡ trung bình” vào khoảng năm 2020 và không tụt hậu so với các nước trong khu vực. Phải làm gì để phát triển nhanh chóng và bền vững? Mục tiêu của chúng ta không chỉ về kinh tế, mà còn về mặt xã hội, tức là phải xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, để hướng tới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và xét đến cùng, đây là mục đích cuối cùng của chúng ta.

Những năm gần đây, trong nhiều nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước đều đặt vấn đề: trong khi tập trung vào phát triển kinh tế, phải coi trọng các vấn đề xã hội, các vấn đề liên quan trực tiếp đến con người. Phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ xã hội. Nhưng trên thực tế quan điểm quan trọng này chưa được quán triệt đầy đủ.

Không thể phủ nhận những thành tích về mặt xã hội mà chúng ta đã giành được: sự nghiệp giáo dục và y tế đã được quan tâm hơn, đặc biệt chương trình quốc gia xóa đói, giảm nghèo, chính sách đối với người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chiến tranh, trẻ em... đã thu được những kết quả nhất định, góp phần giữ vững ổn định chính trị đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng phát triển về xã hội không chỉ là chăm lo đời sống vật chất mà còn phải chăm lo đến vấn đề văn hóa, dân trí và đạo đức xã hội của con người.

Nhìn vào thực trạng xã hội của đất nước, có nhiều vấn đề phải suy nghĩ.

Trong những năm qua, chúng ta không chỉ có “được”, mà còn có “mất”; có cả những khuyết điểm, yếu kém trong quá trình phát triển đi lên, nghĩa là không phải chỉ là những khiếm khuyết “tạm thời”, “không cơ bản” và sẽ tự mất đi. Nếu suy nghĩ một cách giản đơn như vậy, e rằng sẽ có những khuyết điểm “cơ bản” ngày càng trầm trọng, trở thành những cản trở cho sự phát triển, thậm chí làm lệch hướng đi của chúng ta.

Trong kinh tế, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ về tăng trưởng “cao”, về thu hút đầu tư “nhiều”, chúng ta còn những yếu kém chậm được khắc phục, như chất lượng tăng trưởng còn khá thấp với năng suất lao động, hiệu quả kinh tế kém... Nhiều sự buông lỏng, thất bại trong các chủ trương về sản xuất, kinh doanh, trong quản lý làm cho sức cạnh tranh của chúng ta thua kém các nước khác. Đằng sau các vấn đề kinh tế, chính là vấn đề xã hội, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều cán bộ và người lao động của chúng ta yếu kém không những về trình độ nghề nghiệp, chuyên môn, mà cả thái độ, trách nhiệm trong lao động, thiếu ý thức kỷ luật, lãng phí, tham ô...

Trong đời sống văn hóa xã hội, nhiều vấn đề về chất lượng con người càng bộc lộ rõ. Mặc dù chúng ta ra sức đấu tranh, ngăn chặn nhưng các tệ nạn xã hội, như tham nhũng, nạn ma túy, cờ bạc, rượu chè... vẫn tiếp tục phát triển. Điều đau lòng là hiện tượng ngày càng trẻ hóa trong tội phạm, xu hướng chạy theo đồng tiền ngày càng mạnh, làm băng hoại nhiều nếp sống tốt đẹp của nhân dân, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ gia đình và xã hội. Mặc dù chính quyền đã tập trung nhiều công sức nhưng vẫn chưa tạo ra được nếp sống văn minh, ý thức cộng đồng, coi trọng trật tự, pháp luật trong xã hội ta như mong muốn.

Chúng ta không quên những ảnh hưởng nặng nề của hơn một nghìn năm phong kiến Bắc thuộc, gần một trăm năm chế độ thực dân và 30 năm chiến tranh ác liệt với bao nhiêu sự “xáo trộn”, nhưng chúng ta cũng tự hào dân tộc Việt Nam có truyền thống hết sức tốt đẹp không những về tinh thần yêu nước bất khuất, mà cả về trí tuệ và tính nhân văn cao. Trước tình hình hiện nay, nhiều người giải thích các hiện tượng tiêu cực xã hội nói trên là do chính sách mở cửa của chúng ta, cùng với gió “lành” đã có không ít gió “độc” tràn từ ngoài vào. Nhiều người cho rằng, đó là hậu quả của việc áp dụng kinh tế thị trường... Những nguyên nhân nêu ra đây đều đúng, nhưng một câu hỏi khác cần được đặt ra là: Tại sao ở nhiều nước khác cũng có quan hệ hợp tác với nước ngoài rất rộng rãi, họ cũng đi theo kinh tế thị trường... nhưng xã hội của họ không có những cái “đảo lộn” như của ta? Gần đây các hoạt động về văn hóa ở nước ta sôi nổi hơn trước, nhưng người ta chưa thấy ý nghĩa nhân văn, tác dụng hướng dẫn hay giáo dục của những hoạt động này. Các cơ quan, đoàn thể trong các cuộc vận động của mình, cũng chưa thấy rõ mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục đạo đức xã hội cho nhân dân, trong lúc bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta vừa có thời cơ, vừa có không ít nguy cơ. Chúng ta cũng đang chứng kiến trước bước ngoặt của tình hình, trước nhiều vấn đề mới, phức tạp, có một số ít người mất phương hướng, bi quan, mất lòng tin, hoặc chỉ biết thu mình, lo cho cá nhân, ích kỷ. Rõ ràng, chúng ta đang đứng trước không những vấn đề về đường lối kinh tế, chính trị trong giai đoạn mới, mà còn nhiều vấn đề về văn hóa, tư tưởng, về chất lượng con người cần phải làm rõ.

Đã đến lúc Đảng và Nhà nước phải xem xét một cách toàn diện các vấn đề văn hóa, xã hội, vấn đề về tư tưởng, đạo đức con người để có một chiến lược quan trọng về con người, đáp ứng yêu cầu to lớn, bức xúc của tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Các nhà khoa học xã hội cần tập trung để trả lời câu hỏi: Hệ thống giá trị đạo đức của con người Việt Nam thế kỷ XXI là gì? Bác Hồ đã nói “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Vậy trước mắt để thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, chúng ta cần những con người như thế nào?

Đây là một vấn đề không hề đơn giản. Vấn đề đạo đức xã hội thuộc phạm trù xã hội, nó không hoàn toàn cố định và phụ thuộc nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, nhưng dù sao chúng ta cũng cần một hệ thống những giá trị cơ bản mà cả xã hội cần hướng theo, để chúng ta cùng nhau đoàn kết đấu tranh cho một mục tiêu chung của đất nước.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, làm chuyển biến một nền kinh tế có thể chỉ cần 5 năm, 10 năm, nhưng để biến đổi một xã hội có khi phải cần cả một thế hệ. Vì cái gì liên quan đến con người, liên quan đến nếp sống, nếp suy nghĩ, tâm lý, tình cảm phải dầy công xây dựng mới nên. Phải chăng trong ba cuộc cách mạng, cuộc cách mạng về văn hóa, tư tưởng là cuộc cách mạng khó khăn nhất, nhưng sẽ quyết định thắng lợi của các cuộc cách mạng về chính trị, kinh tế và khoa học, kỹ thuật...? Bài học chính trị cổ điển này dường như vẫn giữ nguyên giá trị của nó, nếu không nói là trong toàn cầu hóa mọi thứ đều đan xen nhau khá phức tạp, giữa cái sai, cái đúng, giữa cái tiến bộ, cái lạc hậu, thậm chí phản động, thì điều đó càng có ý nghĩa quan trọng hơn.

Một trong những công việc quan trọng cần làm ngay là sớm chấn hưng nền giáo dục quốc dân Việt Nam, để chúng ta sớm có những thế hệ trẻ được giáo dục, bồi dưỡng tốt về các mặt, kiến thức văn hóa, khoa học công nghệ, rèn luyện thể chất và nhất là được trang bị về ý chí, bản lĩnh để phục vụ thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước. Nhiều nhà khoa học đang có những kiến nghị mạnh mẽ về cuộc cách mạng giáo dục cơ bản và toàn diện. Mong rằng, những kiến nghị đúng đắn đó sớm được xem xét và quyết định thực hiện.

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết