16/02/2008 - 21:26

Sức xuân của những đoàn cải lương ĐBSCL

“Đến hẹn lại lên”, Tết đến là các đoàn cải lương ĐBSCL lên đường lưu diễn. Xuân Mậu Tý 2008, các đoàn nghệ thuật cải lương mạnh của vùng sông nước là Văn công Đồng Tháp, Hương Tràm Cà Mau, Tây Đô Cần Thơ đã lên đường mang theo sự khởi sắc, trẻ trung, năng động và niềm khát khao đưa sân khấu trở lại thời hoàng kim...

Vở diễn “Đêm khuya về với mẹ” của Văn công Đồng Tháp.

Đoàn cải lương Văn công Đồng Tháp bắt đầu chuyến lưu diễn
từ ngày 24 tháng Chạp, qua các huyện Lấp Vò, Tam Nông và vùng Đồng Tháp Mười. Đoàn được Công ty Domesco Đồng Tháp tài trợ để biểu diễn miễn phí phục vụ nhân dân ở vùng sâu vùng xa. Dù biểu diễn doanh thu hay phục vụ, mỗi suất diễn của Văn công Đồng Tháp thu hút hàng ngàn khán giả. Danh tiếng của Văn công Đồng Tháp được củng cố qua những thành tích đáng nể: năm 2007 đoàn “rinh” về hai chiếc huy chương vàng giải Trần Hữu Trang và giải A của Liên hoan Tài năng trẻ sân khấu cải lương toàn quốc. Văn công Đồng Tháp cũng là đoàn dựng vở mới nhiều nhất vùng ĐBSCL với 5 vở ra mắt khán giả trong một năm: “Hương cau xa xứ”, “Bông sen trắng”, “Chiến trường không tiếng súng”, “Đêm khuya về với mẹ” và “Một cây làm chẳng nên non”. Kịch mục phong phú cùng dàn nghệ sĩ đã khẳng định chỗ đứng trong lòng công chúng như NSƯT Trọng Vương, Hải Yến, Ngọc Tuyền, Vũ Hoài Sơn, Lê Nam và sự tươi trẻ của dàn nghệ sĩ mới như Lý Ngân, Nhi Khoa, Thái Hùng, Xuân Trúc... giúp Văn công Đồng Tháp giữ vững danh tiếng và luôn đem đến sự mới mẻ, hấp dẫn khán giả trong những chuyến lưu diễn đầu Xuân Mậu Tý 2008. Ông Đinh Minh Mẫn, Trưởng đoàn Văn công Đồng Tháp cho biết: “Ngoài những thành công về nghệ thuật, đoàn đã mở ra hướng phát triển mới là kết hợp cùng các ngành như Công đoàn, Giáo dục Đào tạo, Quân đội... biểu diễn phục vụ công nhân, học sinh, bộ đội với giá vé chỉ từ 1.000 đến 2.000 đồng/người, thu hút khoảng 5-7 ngàn khán giả mỗi suất diễn. Cách làm này đã đưa sân khấu đến với đông đảo khán giả mộ điệu, khơi gợi tình yêu nghệ thuật truyền thống trong lòng nhiều khán giả trẻ. Đó là thành công lớn nhất của chúng tôi trong mùa xuân”.

Vở “Nàng Xê-đa” của Đoàn Hương Tràm Cà Mau.

Nhiều năm qua, Hương Tràm Cà Mau là đoàn cải lương duy nhất ở ĐBSCL biểu diễn theo hình thức “bán dàn” với doanh thu vài chục triệu đồng, do hầu hết các suất diễn của đoàn luôn thu hút hàng ngàn khán giả. Đợt lưu diễn Xuân Mậu Tý năm nay, đoàn mang theo vở diễn hấp dẫn đã đi vào lòng công chúng nhiều năm qua là “Nàng Xê-đa”, với sân khấu và phục trang được đầu tư hoành tráng, dàn diễn viên ngôi sao như Hoàng Nhất, Lịch Sử, Hoa Phượng... NSƯT Minh Đương, Trưởng đoàn Hương Tràm Cà Mau, cho biết: “Để nghệ thuật cải lương vẫn có chỗ đứng giữa thời buổi bùng nổ các phương tiện giải trí như hiện nay, đoàn đầu tư mạnh về hình thức, đào tạo nên những ngôi sao đủ sức bảo chứng doanh thu”. Định hướng của Hương Tràm Cà Mau đã đem đến kết quả bước đầu. Đào kép chánh của đoàn như Hoàng Nhất, Hoa Phượng hiện có chỗ đứng trên sân khấu TP Hồ Chí Minh và bắt đầu được mời lưu diễn phục vụ kiều bào ở Mỹ, Úc. Ngay khi Hoàng Nhất, Hoa Phượng tạo được danh tiếng, thì Hương Tràm Cà Mau đào tạo tiếp thế hệ kế cận, đó là Trúc Ly, Lương Thị Bé Nhủ...

Vở “Người nhà quê” Đoàn cải lương Tây Đô.

Năm nay, đoàn Tây Đô cũng đón nhận nhiều niềm vui, khi lưu diễn mùa xuân với lực lượng diễn viên trẻ có nền tảng ca diễn vững vàng và đam mê với nghề như Ngọc Nhung, Hoàng Khanh, Diễm Kiều, Hồng Gấm... Đoàn cải lương Tây Đô lưu diễn với “chiếc áo” mới: là đơn vị trực thuộc Nhà hát Tây Đô. Kịch bản được chọn lưu diễn Tết Mậu Tý của đoàn là vở “Người nhà quê” - vừa ra mắt tại rạp Hậu Giang và được đông đảo khán giả đánh giá cao. Vở diễn “Người nhà quê” thể hiện khuynh hướng mới: “Sắp tới đoàn sẽ dàn dựng những vở cải lương ngắn có độ dài từ 1 tiếng rưỡi trở xuống, đề cập đến những bất cập nảy sinh trong xã hội dưới nhiều góc độ khác nhau, vừa mang tính chính luận vừa hài hước, dễ đi vào lòng người. Đoàn cũng sẽ kết hợp cùng các đài phát thanh, truyền hình giới thiệu vở mới, nhằm quảng bá rộng rãi hoạt động, vừa giúp các nghệ sĩ trẻ tạo dựng chỗ đứng trong lòng khán giả” - ông Lê Văn Chải, Giám đốc Nhà hát Tây Đô cho biết.

Mùa xuân ở các đoàn nghệ thuật cải lương ĐBSCL đang dâng tràn sức sống mới...

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết