29/05/2011 - 21:29

Sức sống trên quần đảo Trường Sa

Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phong trào thi đua tăng gia sản xuất trên các đảo luôn được cán bộ, chiến sĩ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đặc biệt quan tâm. Hiện nay, trên nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa, hoạt động chăn nuôi, trồng trọt diễn ra rất sôi nổi. Bởi quân dân nơi đây đều ý thức được tầm quan trọng của 2 chữ “tự túc” khi sống trong môi trường khắc nghiệt và xa cách với đất liền.

Sau những giờ học tập, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ các đảo đều dành thời gian chăm sóc vườn rau của mình. Trong ảnh: Chiến sĩ Lê Đình Hiếu (đảo Song Tử Tây) đang nhổ cỏ cho vườn rau muống. 

Đặt chân lên đảo Song Tử Tây, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ. Nhiều người gọi đùa Song Tử Tây là “đất liền giữa biển khơi” và sự thật càng được minh chứng qua sự phát triển của đàn bò hơn chục con. Đại úy Phạm Quang Trường, Trợ lý Hậu cần đảo Song Tử Tây, cho biết: “Đảo chúng tôi có 11 con bò, mỗi năm cho ra đời 5 con bê. Vì vậy hàng năm, vào những dịp lễ, Tết đều có thịt bò để cải thiện...”. Thức ăn cho bò ngoài cỏ tươi còn có cám, cơm nguội, canh cặn... Nhiều khách đất liền ra thăm đảo không khỏi ngạc nhiên, thích thú khi thấy cảnh đàn bò chúi mũi nhai ngon lành chỗ cơm sót lại sau bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ. “Đàn bò của chúng tôi là đàn bò duy nhất ở quần đảo Trường Sa và có lẽ đây cũng là đàn bò duy nhất của cả nước có thể sống được nhờ ăn... bìa cạc tông” - Anh Trường vui vẻ cho biết thêm. Theo đại úy Trường, đảo của anh còn có đàn heo hơn 20 con và đàn gia cầm gần 500 con. Đây là thành quả bao năm gầy dựng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo. Anh Trường nói: “Việc phát triển chăn nuôi không chỉ nhằm để cải thiện bữa ăn mà chúng tôi muốn khẳng định: giữa phong ba, bão tố, chúng tôi vẫn trụ vững được với đôi bàn tay của mình...”.

Quân dân các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn còn cải thiện đời sống bằng cách nuôi gà, vịt, heo, chó. Điển hình như đảo Trường Sa Lớn ngoài đàn heo gần 40 con, đàn gia cầm 300 con, còn có đàn chó gần 100 con. Đại úy Trần Thanh Phương, Trợ lý Hậu cần đảo Trường Sa Lớn cho biết: “Bên cạnh nuôi chó để bổ sung nguồn thực phẩm, chúng tôi còn có một đội chó nghiệp vụ được huấn luyện bài bản nhằm bảo đảm công tác, tuần tra canh gác đảo”. Nếu như Song Tử Tây là nơi duy nhất ở trên quần đảo nuôi được đàn bò, đảo Trường Sa Lớn có đàn chó đông đúc thì trên đảo Sinh Tồn lại là nơi nuôi gia cầm nhiều nhất. Nhà nào trên đảo cũng có một chuồng nuôi gia cầm phía sau. Hiện nay, ước tính đàn gà vịt của đảo Sinh Tồn có khoảng 700 con và liên tục được bổ sung sau mỗi chuyến tàu từ đất liền ra đảo. Chị Ngô Thị Kim Úy, người dân trên đảo Sinh Tồn, cho biết: “Giống gà vịt chủ yếu đem từ đất liền ra. Gia đình nào cũng nuôi vài con để giỗ, Tết cúng ông bà và vơi bớt nỗi nhớ đất liền...”. Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên đảo Sinh Tồn phấn khởi nói: “Bộ phận hậu cần đảo chúng tôi luôn đảm bảo đủ mọi chế độ, tiêu chuẩn cho bộ đội cũng như việc hỗ trợ nhân dân tăng gia sản xuất. Ba tháng đầu năm 2011, giá trị tăng gia sản xuất của chúng tôi tính theo đầu người đạt hơn 150 ngàn/người/tháng. Dù điều kiện trên đảo không được thuận lợi như các nơi khác nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đẩy mạnh công tác chăn nuôi và trồng trọt nhằm đảm bảo sức chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ”.

Khắc nghiệt như đảo Cô Lin vậy mà cán bộ nơi đây vẫn nuôi được heo, chó. “Ở đây không cần chuồng trại gì hết, cứ việc thả rong cho chúng chạy quanh đảo. Thức ăn thì có cơm thừa của cán bộ.”-Thượng úy Hoàng Thanh Sơn-Đảo trưởng Cô Lin vừa nói vừa chỉ tay về chú heo và chú chó đang đùa nhau sát mé biển. Dù tận dụng lượng thức ăn thừa, nhưng vật nuôi trên đảo Cô Lin đều béo tốt. Thượng úy Sơn tâm sự: “Giữa trời biển mênh mông, được nghe tiếng heo kêu, chó sủa, chúng tôi cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ đất liền...”.

Nhờ các đơn vị đều tổ chức trồng trọt nên trong bữa ăn của các cán bộ, chiến sĩ đều có rau xanh. Để rau phát triển tốt, quân dân các đảo dùng màn che chắn xung quanh nhằm không cho gió mang hơi muối xâm hại. Trên các đảo chìm, rau được trồng trong chậu để có thể di chuyển khi sóng to gió lớn và luôn được che chắn cẩn thận. “Chăm rau như chăm con mọn”- đó là câu mà nhiều cán bộ, chiến sĩ thường nói đùa. Do nguồn nước ngọt hạn chế nên việc chăm sóc rau cũng cực kỳ công phu, tiết kiệm. Tại các đảo như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây có giếng nước lợ nên đỡ vất vả trong việc tiết kiệm nước để tưới rau. Tuy nhiên, ở các đảo hiếm nước ngọt thì chủ yếu sử dụng lượng nước mưa tích trữ được. Ở nhiều đảo, cán bộ, chiến sĩ phải giữ nước tắm rửa mỗi ngày để tưới rau. Sau một ngày học tập, lao động, cán bộ, chiến sĩ lại dành thời gian chăm sóc vườn rau, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn mỗi ngày. Khẩu hiệu “Nước là máu. Rau là thuốc” được viết lên khắp bể nước, chậu rau như khẳng định sự quan trọng của hai nguồn sống này.

Thấu hiểu nhu cầu về rau xanh của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở các đảo, đoàn công tác nào ra Trường Sa cũng mang tặng các loại hạt giống. Nhờ được quan tâm như thế nên bữa cơm nào của quân dân nơi đây cũng có rau xanh, một điều hiếm hoi so với mấy chục năm trước. Theo báo cáo của các đảo, trong năm qua, đảo Trường Sa Lớn trồng được hơn 22 tấn rau xanh các loại, đảo Song Tử Tây 17 tấn, Sinh Tồn 8 tấn, đảo Cô Lin gần 1 tấn... Thành tích ấy thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo khi sống trong điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt. Trung tá Trịnh Xuân Tô, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, tự hào nói: “ Đã qua rồi cái thời lính đảo chúng tôi thèm cọng rau xanh đến ngủ cũng nằm mơ. Tuy không thể so sánh với đất liền, nhưng chúng tôi có thể tự hào vì đã gieo mầm sự sống xanh tươi trên các đảo khô cằn và có rau xanh trong bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ hàng ngày”.

Với những đàn bò, đàn heo, những vườn rau non, xanh mơn mởn... đang ngày càng phát triển trên các đảo, các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang tiếp tục khẳng định bản lĩnh, tinh thần vượt khó vươn lên, quyết tâm bám trụ, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: PHẠM VĂN TRUNG

Chia sẻ bài viết