30/04/2018 - 11:04

Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2018)

Sức sống mới trên quê hương anh hùng 

Những ngày cuối tháng tư, chúng tôi trở lại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền và cảm nhận vùng đất anh dũng, quật cường, bị bom cày đạn xới  trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang “thay da, đổi thịt”  từng ngày.  43 năm sau Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhơn Nghĩa đã ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực phấn đấu, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Anh hùng trong kháng chiến

Nhắc đến lịch sử, truyền thống của đảng bộ, nhân dân xã trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân xã Nhơn Nghĩa bày tỏ niềm tự hào về những thế hệ cán bộ, đảng viên, quân, dân đã góp công sức, xương máu làm rạng danh quê hương anh hùng. Theo đồng chí Lê Văn Khôi, Bí thư Đảng ủy xã, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Nhơn Nghĩa là “bàn đạp” để lực lượng cách mạng tập kết quân, từ đó theo rạch Sung, rạch Bà Hiệp, rạch Mũi vượt sông Cần Thơ tiến công vào TP Cần Thơ. Vì thế, trên địa bàn xã, địch đóng 17 đồn bót, chúng thường xuyên lùng sục để bắt bớ lực lượng cách mạng, càn quét người dân. Bom, đạn đưa đi bắn phá những nơi khác còn dư thừa, chúng cũng đưa về trút xuống địa bàn xã, nhằm tách dân rời xa cách mạng. Tuy nhiên, với lòng yêu nước, một lòng theo Đảng, nhiều người dân yêu nước vẫn bất chấp gian khổ, hy sinh, quyết tâm bám đất, bám làng để che chở lực lượng cách mạng và anh dũng chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.

Được sự hỗ trợ của địa phương, ông Lê Quang Lương, ấp Nhơn Thành,  trồng cam xoàn và đu đủ, mỗi năm lời gần 150 triệu đồng.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ông Nguyễn Văn Huyền, người dân ấp Nhơn Thành còn nhớ như in những kỷ niệm thời trai trẻ. Đưa tay chỉ về những vườn cây trái sum suê trong ấp, ông nhớ lại, trong chiến tranh, nơi này địch đóng đồn Vàm Bào, đồn Ba Xoài, chúng lùng sục, bắn phá thường xuyên. Ông và đồng đội trong lực lượng du kích xã quyết tâm tiêu diệt các đồn này để bảo vệ dân và lực lượng cách mạng. Ông kể: “Một buổi sáng tháng 6-1972, tôi cùng 3 du kích bí mật núp ở bụi rậm, khi 4 tên trong đồn Vàm Bào bơi xuồng đi bắt cá cách đồn khoảng 100m, tôi cùng đồng đội nổ súng tiêu diệt 1 đồn trưởng và 2 lính, thu 1 khẩu súng, 3 quả lựu đạn, 11 băng đạn. Trong trận phục kích đồn Vàm Bào vào tháng 2-1973, tôi cùng 3 du kích phục kích, đợi khi 7 tên trong đồn đi tuần, tôi và các đồng đội dùng mìn định hướng, 2 quả mìn và nổ súng tiêu diệt 5 tên, làm bị thương 2 tên, thu 30 băng đạn và 10 quả lựu đạn. Tháng 10-1973, tôi cùng 2 du kích quyết định đánh đồn Ba Xoài. Khi bí mật bò vào sát đồn, thấy 3 tên trong đồn bước ra ngoài, chúng tôi nổ súng tiêu diệt tên trưởng đồn thu được 1 khẩu súng, 4 quả lựu đạn và 6 băng đạn...”.

Theo ông Huỳnh Văn Khôn, người dân ấp Nhơn Thành, trong nhiều trận đánh với quân thù, ông tâm đắc nhất là trận đánh đồn Lò Đường. Hôm đó, ngày 19-4-1972, ông cùng lực lượng du kích xã và lực lượng địa phương quân cùng nội tuyến đánh đồn. Trong trận chiến đấu ác liệt ấy, lực lượng của ta đã tiêu diệt 15 tên, bắt 7 tên, giải tán liên toán phòng vệ dân sự, thu 42 khẩu súng, 2 máy truyền tin…

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân xã Nhơn Nghĩa còn bao bọc che chở hơn 80 lượt đơn vị là lực lượng cách mạng của ta đứng vững trên địa bàn. Ở tuổi 87, sức khỏe yếu, nhưng bà Nguyễn Thị Mỹ vẫn còn nhớ rõ và kể rành mạch những năm tháng bà tham gia nuôi chứa lực lượng cách mạng. Bà Mỹ kể: “Hồi đó, mỗi đợt bộ đội hành quân về đây, tôi nuôi chứa từ 10-20 người. Đêm đêm, các chú trải bản đồ, nghiên cứu, bàn vị trí tiến công vào TP Cần Thơ, trải chiếu nằm dưới nền nhà để nghỉ. Thương các chú bộ đội, khi quá gấp gáp, cột nhà tôi cũng dỡ để chẻ củi nấu cơm, bầy vịt mấy chục con tôi làm thịt cho bộ đội bồi bổ sức khỏe...”.

Lần giở cuốn lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng xã Nhơn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Khôi, cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước quân và dân xã Nhơn Nghĩa đã phối hợp với các lực lượng cách mạng chiến đấu 1.250 tên địch, thu 2.213 súng các loại, bắn chìm 4 tàu địch, bắn rơi 3 máy bay, bức rút và bức hàng 11 lượt đồn bót. Du kích xã độc lập tác chiến 242 trận, tiêu diệt hơn 1.000 tên địch, thu 393 súng các loại, bức rút và bức hàng 8 lượt đồn bót… Quân và dân trong xã cũng phải gánh chịu nhiều hy sinh, mất mát. Hiện nay, xã có 43 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 236 gia đình thờ cúng liệt sĩ, 41 thương binh, 11 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày… Năm 1996 Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho nhân dân và lực lượng vũ trang xã Nhơn Nghĩa.

Đổi mới trên quê hương anh hùng

Tháng tư lịch sử, đi giữa những cánh đồng lúa đang “thì con gái”, những vườn cây ăn trái xanh rì, chúng tôi cảm nhận được không khí thật mát mẻ. Tại trung tâm xã nằm ven sông Cần Thơ nhộn nhịp người xe qua lại, chợ Vàm Xáng và các khu du lịch Giàn Gừa, Lung Cột cầu, Óc eo, Lung Chàm có nhiều người dân mua bán, khách du lịch tham quan… Đây chính là bức tranh sinh động về sự phát triển của quê hương Nhơn Nghĩa anh hùng sau 43 năm giải phóng. Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Khôi tham gia công tác tại xã từ những năm đầu giải phóng, anh hiểu rõ nhất sự phát triển của quê hương. Anh kể, sau giải phóng, Nhơn Nghĩa hoang tàn đổ nát; điện, đường, trường, trạm chỉ là con số không; hầu hết gia đình rơi vào cảnh nghèo đói...

Ông Nguyễn Văn Huyền, người dân ấp Nhơn Thành (thứ 2 bên trái sang) kể cho cán bộ, đảng viên trong xã về những trận đánh đồn địch được ghi trong lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng xã.

 Không ngừng vượt khó, chú trọng phát huy các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đảng bộ xã lãnh đạo đưa các mặt kinh tế- xã hội của Nhơn Nghĩa không ngừng phát triển. Trong đó, xã tập trung lãnh đạo các ngành, đoàn thể hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng giúp nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu. Đến nay, Nhơn Nghĩa đã phát triển được 1.062ha vườn cam sành, cam xoàn, chanh không hạt, bưởi da xanh, vú sữa lò rèn, nhãn ido và 695ha hoa màu. Trong xã có hàng chục hộ làm vườn có mức thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ghé tham quan mô hình sản xuất của gia đình ông Lê Quang Lương, ở ấp Nhơn Thành, ông phấn khởi cho biết: “Được xã hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật, tôi cải tạo ruộng trồng  5 công đu đủ, 5 công cam mật. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí gia đình lời hơn 150 triệu đồng”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Năm, ở ấp Thị Tứ Vàm Xáng, cũng cải tạo 4 công vườn tạp, trồng nhãn ido xen với hạnh, mỗi năm vườn cây cho huê lợi gần 200 triệu đồng”.

Ngày nay, Nhơn Nghĩa không còn cảnh đường sá lầy lội, thay vào đó là đường bê tông trải nhựa, mặt đường rộng 3-4m; trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Dọc các tuyến đường chính từ xã xuống ấp, nhiều gia đình mở các dịch vụ bán tạp hóa, cà phê, ăn uống, sửa chữa xe máy, hàn… Theo Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Khôi, bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, mỗi năm, số cơ sở thương mại- dịch vụ trong xã tăng từ 5-7%. Đến nay, toàn xã có 935 cơ sở  kinh doanh, dịch vụ, 7 điểm du lịch, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Khi kinh tế phát triển, nhân dân đã chung sức, chung lòng đóng góp mỗi năm trên 5 tỉ đồng cùng nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng. Những năm qua, bình quân mỗi năm xã giảm được trên 1% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm tăng thêm từ 2-3 triệu đồng. Hiện nay, xã chỉ còn 3,25% hộ nghèo, 4,61% hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm. Năm 2006, xã được công nhân đạt danh hiệu xã văn hóa, năm 2016 được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới.

 43 năm sau ngày giải phóng, bộ mặt xã Nhơn Nghĩa anh hùng đã có nhiều đổi mới, phát triển mạnh mẽ; đời sống người dân ngày càng no ấm, hạnh phúc. Ông Nguyễn Thanh Sơn, đảng viên ấp Nhơn Thành, bộc bạch: “Nhớ về những tháng năm kháng chiến, chúng tôi càng tự hào trước những đổi thay kỳ diệu của quê hương, càng phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng, đoàn kết, góp sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp”.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết