29/12/2017 - 12:10

Sức sống của tranh kiếng 

Huyện Chợ Mới (An Giang) có làng tranh kiếng nổi tiếng với bề dày trăm năm, tập trung ở 3 xã Long Điền B, Long Giang, Long Kiến. Gọi là làng nghề nhưng hiện nay chỉ còn hơn chục hộ còn gắn bó với nghiệp vẽ tranh. Tuy số người làm giảm đi nhưng số lượng tranh kiếng phục vụ thị trường tăng lên không ngừng, nhất là trong những ngày giáp Tết. Để tranh kiếng có thể sống cùng thời đại là nỗ lực rất lớn của các nghệ nhân tâm huyết.

Ở vùng nông thôn, hầu như gia đình nào cũng treo tranh kiếng, phổ biến nhất là tranh thờ tín ngưỡng, kế đến là tranh trang trí phòng khách và tranh treo cửa buồng. Những câu chuyện dân gian Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lưu Bình - Dương Lễ,  Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Nàng út ống tre… vẫn được khách hàng ưa chuộng, bởi ý nghĩa giáo dục sâu sắc, tôn vinh đức tính quý trọng tình bằng hữu, sống hiếu thảo, bênh vực chính nghĩa của người Việt.

Thể loại tranh trang trí phòng khách ngày càng phong phú, không chỉ duy trì những khuôn mẫu truyền thống, nay còn bổ sung thêm tranh vẽ phong cảnh đất nước, thắng cảnh An Giang, tranh bộ chữ “Phước - Lộc - Thọ” theo phong cách mới. Đặc biệt, tranh thờ là loại tranh to nhất, trang trí đa dạng, màu sắc hài hòa, là loại tranh không thể thiếu trong mỗi gia đình, nhắc nhở cháu con về cội nguồn.

Treo tranh trong nhà đã trở thành nét văn hóa của người Nam Bộ hơn trăm năm qua, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và mỹ thuật. Bản thân bức tranh cũng hội đủ giá trị chân - thiện - mỹ khi chứa trong nó là cái đẹp, ý nghĩa, cái tâm và tài hoa của các nghệ nhân.

Mấy chục năm trước, vẽ tranh kiếng là nghề giúp hàng chục hộ có của ăn, của để, duy trì đến nay, có nhiều cơ sở do đời thứ 3 nối nghiệp. Nhà nhà làm tranh kiếng vẫn không đủ bán, vì làm ra 1 sản phẩm không hề đơn giản, người lành nghề vẽ 1 ngày giỏi lắm chỉ 10 bức tranh, còn làm từ đầu đến khi hoàn thiện phải mất 1 tuần.

Tranh làm ra lâu, giá thành cao, trong khi đời sống phát triển, thị trường ngày càng có nhiều loại tranh đáp ứng tiêu chí rẻ và đẹp, khiến những người giữ nghề không khỏi trăn trở. Không chấp nhận quy luật bị mai một, bằng phương pháp kéo lụa mới, tranh kiếng đã khắc phục được những khó khăn để tiếp tục vươn ra thị trường.

Hơn 30 năm giữ lại nghề của ông bà, ông Nguyễn Thanh Hòa đúc kết kinh nghiệm từ những ngày làm công cho cơ sở in lụa để áp dụng kỹ thuật in từ lụa qua kiếng. Tranh kiếng bằng phương pháp kéo lụa ra đời cho màu đều, sản phẩm làm ra nhanh hơn, đẹp hơn.

“Ngày trước, nhà nhà làm tranh kiếng, người người làm tranh kiếng nhưng số lượng chỉ nhỏ lẻ, không được nhiều, nguồn nguyên liệu khan hiếm. Còn bây giờ, tuy chỉ còn hơn chục hộ duy trì nhưng sản phẩm làm ra tăng lên rất nhiều, 1 ngày có thể kéo lụa hơn trăm bức tranh, nhờ vậy thị trường tiêu thụ được mở rộng” - ông Hòa cho biết.

Bên cạnh cải tiến kỹ thuật sản xuất tranh, nguyên liệu tranh kiếng cũng được lựa chọn để tăng giá trị cho sản phẩm: kính mỏng hơn, trong hơn cho màu vẽ sắc nét; ngoài khung gỗ còn có khung nhôm giá thành rẻ, bền và chắc chắn, khắc chữ trên khung theo yêu cầu. Tranh kiếng được nâng lên về chất lượng, thời gian sử dụng kéo dài đến vài chục năm. Đi đôi với số lượng, mẫu mã tranh cũng được các cơ sở nghiên cứu đa dạng hơn theo thị hiếu khách hàng.

Đối với tranh thờ, nghệ nhân vẫn tuân thủ quy tắc lấy màu đỏ làm chủ đạo, chỉ giảm lại các chi tiết để hài hòa hơn, phối màu đẹp hơn, giữ lại nét đẹp trong cách thể hiện căn bản do người xưa truyền dạy. Được duy trì bởi nhu cầu ổn định của thị trường nhờ “công nghệ hóa” nhưng ở làng tranh kiếng ngày nay vẫn còn nhiều người cần mẫn bên những bức tranh thủ công.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Mọn lý giải: “Nghề này khác với nghề vẽ của họa sĩ, người ta vẽ xuôi còn thợ ở đây phải vẽ ngược, chi tiết nào sau cùng thì phải vẽ trước. Cái hay của nghề phải có người giữ lại cho con cháu biết”. Nhờ tâm huyết đó mà sự tài hoa của nghệ nhân, nét uốn lượn mềm dẻo trên đôi tay làm nên giá trị tinh thần trong mỗi bức tranh vẫn được nhiều người biết đến.

Bên bờ sông Hậu, làng nghề tranh kiếng vẫn thở cùng nhịp sống hiện đại. Những bức tranh mang hồn quê vẫn được ưa chuộng, được chọn mua mỗi dịp sửa sang đón năm mới hay mừng tân gia. Niềm vui của người làm tranh kiếng không đơn thuần xem đây là nghề nuôi sống, mà họ còn hạnh phúc khi giá trị của cha ông để lại được phát triển nối dài.

Theo Báo An Giang

Chia sẻ bài viết