18/08/2017 - 09:02

Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Sức lan tỏa từ những mô hình hay 

Những năm qua, Công an TP Cần Thơ luôn quan tâm, xây dựng và thực hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực an ninh trật tự (ANTT). Đến nay, thành phố đã có nhiều mô hình hay, cách làm mới, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Qua đó, góp phần giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; đồng thời tích cực tham gia cùng lực lượng Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn ANTT trên địa bàn.

Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ trao Giấy khen của Giám đốc Công an thành phố cho các cá nhân đạt thành tích tốt trong phong trào TDBVANTQ ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ trao Giấy khen của Giám đốc Công an thành phố cho các cá nhân đạt thành tích tốt trong phong trào TDBVANTQ ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

Giúp người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Chị V.T.M.T (ở xã Trường Long, huyện Phong Điền) từng bị phạt 5 năm tù về tội “Vận chuyển hàng cấm”. Năm 2015, chị mãn hạn tù, trở về địa phương sinh sống. Đến nay, chị đã vững tin tái hòa nhập cộng đồng. Chị T. bộc bạch: “Tôi luôn cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình. Khi ra tù tôi thấy mặc cảm vì quá khứ lỗi lầm của mình. Cũng nhờ chính quyền địa phương thường xuyên gặp gỡ, động viên cũng như giáo dục, giúp đỡ về vật chất và tinh thần nên tôi dần xóa đi mặc cảm, tự tin tái hòa nhập”.

Thấu hiểu những khó khăn của người chấp hành xong án phạt tù, trở về tái hòa nhập cộng đồng, năm 2016, Công an xã Trường Long tham mưu Đảng ủy, UBND xã xây dựng, thực hiện mô hình “Vì ngày mai tươi sáng”. Chính quyền địa phương đã giới thiệu 3 trường hợp được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng số tiền 57 triệu đồng. Ông Lê Quốc Đạt, Trưởng Công an xã Trường Long, cho biết: “Đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, UBND xã chỉ đạo lực lượng Công an trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn đến UBND xã trình diện, làm thủ tục đăng ký lại hộ khẩu thường trú; yêu cầu ký cam kết chấp hành tốt các quy định của Tòa án về hình phạt bổ sung và các quy định của địa phương, không tái phạm tội. Đối với các trường hợp không đến trình báo, Công an xã tiến hành xác minh làm rõ nguyên nhân, triệu tập đến UBND xã để nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu xuất trình giấy tờ và làm các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Công an xã cũng thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng trường hợp để tham mưu UBND xã có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi ổn định cuộc sống”.

Sau 1 năm thực hiện, mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực. Ông Đỗ Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Trường Long, cho biết: “Mô hình này được sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến ấp. Từ đó, đã tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, cũng như trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn”.

Nâng cao nhận thức của người dân

Thời gian qua, huyện Thới Lai tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch liên tịch với các ban, ngành, đoàn thể huyện và phát động mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng ngừa tội phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Theo Đại tá Nguyễn Dân Nam, Trưởng Công an huyện Thới Lai, đến nay, huyện Thới Lai đang quản lý 18 mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực ANTT. Trong đó, mô hình “Tin báo tố giác tội phạm qua đường dây nóng” đã phát huy tốt hiệu quả, ngăn chặn được các vụ vi phạm pháp luật, góp phần kiềm chế, kéo giảm tình hình tội phạm xảy ra trên địa bàn. Ông Đoàn Văn Năm, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: “Qua tuyên truyền, người dân dần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đồng thời tích cực tham gia cùng lực lượng Công an đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn ANTT trên địa bàn. Khi thấy những chuyện “chướng tai, gai mắt” về ANTT  người dân trình báo với công an, để ngăn chặn, xử lý kịp thời, hạn chế những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra”.

Qua thực hiện mô hình, huyện đã tiếp nhập 227 tin báo từ người dân cung cấp, phục vụ xác minh làm rõ, bắt xử lý 219 đối tượng... Đồng thời, người dân đã tự nguyện hiến đất xây dựng các chốt gác ANTT, đóng góp trên 100 triệu đồng để xây dựng cổng rào, làm bảng tin... Trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, trong đó có 26 cá nhân được các cấp khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm và tham gia xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”...

Hiện nay, toàn thành phố có 1.550 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó, có 72 mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực ANTT, do lực lượng Công an các cấp làm nòng cốt phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân thực hiện. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực ANTT đã phát huy hiệu quả tích, được người dân đồng tình ủng hộ. Tiêu biểu như mô hình 3 không “Không tội phạm, không ma túy, không mại dâm’’; mô hình “Xứ đạo, họ đạo 3 không”; mô hình “Cổng rào ANTT’’; mô hình “Phòng, chống tội phạm bằng hệ thống Camera an ninh”; mô hình “Toàn dân tham gia tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội qua đường dây nóng”; mô hình “Móc khóa tố giác tội phạm”… Theo Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, các mô hình hoạt động hiệu quả, tín hiệu vui, thu hút được đông đảo người dân tham gia, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Hiển Dương

Chia sẻ bài viết