05/11/2018 - 07:16

Sức lan tỏa từ một mô hình dân vận khéo 

Chi bộ ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng và thực hiện khá thành công mô hình dân vận khéo “Tổ tương thân tương ái”. Qua đó, góp phần chăm lo tốt cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời đẩy nhanh, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.


Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh trao giấy cảm tạ cho các mạnh thường quân hỗ trợ cho Tổ tương thân tương ái - ấp Vĩnh Thọ. Ảnh: MINH ĐỨC

Tổ tương thân tương ái được thành lập từ tháng 7 - 2015.  Mục tiêu của Tổ là vận động sức dân để chăm lo cho dân với phương châm “Dân nghèo thì phải làm sao cho hết nghèo. Dân thoát nghèo thì phải làm sao cho dân khá hơn”. Anh Trần Văn Cang, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ tương thân tương ái, cho biết: “Khi vận động thực hiện mô hình, cán bộ, đảng viên và bà con địa phương rất hoan nghênh, bởi thông qua mô hình này sẽ giúp địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Lúc mới thành lập, Tổ chỉ có 17 thành viên. Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của Tổ đã thu hút nhiều người tham gia. Hiện nay, Tổ có 50 thành viên”.

Từng thành viên Tổ tương thân tương ái xác định, muốn vận động sức dân để chăm lo cho dân thì từng thành viên phải là những người gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp để chăm lo cho dân. Mỗi tháng, các thành viên trích từ nguồn thu nhập của mình đóng góp từ 50.000 đồng - 100.000 đồng, hay vài ba lon gạo, tùy khả năng của mỗi người. Số tiền này, ngoài việc trích ra mua gạo, thực phẩm thiết yếu để hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, Tổ còn dùng để giúp vốn cho các hộ nghèo làm ăn, phát triển kinh tế.

Cựu Chiến binh Võ Văn Thoi tuổi đã gần 60, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, không có ruộng đất sản xuất, thu nhập chủ yếu từ làm làm mướn và hưởng phụ cấp của Nhà nước, nhưng hằng tháng ông đều trích ra 50.000 đồng để giúp đỡ bà con. Ông chia sẻ: “Học theo gương Bác nên việc nào giúp ích cho xã hội thì tôi sẽ làm. Bà con còn gặp nhiều khó khăn, mình lá rách ít thì đùm lá rách nhiều”. Còn chị Lê Thị Cẩm Nhỏ hằng ngày đẩy xe đi bán rau, củ, quả; mỗi tháng chị đều dành 100.000 đồng để hỗ trợ bà con. Chị Cẩm Nhỏ tâm sự: “Chứng kiến những cảnh đời khó khăn, bệnh tật, tôi cứ trăn trở hoài. Cuộc sống mình dù vất vả, nhưng vẫn đủ ăn nên phải biết nhường cơm sẻ áo. Nghĩ vậy, tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người”.

 Từ nguồn quỹ ít ỏi vài triệu đồng mỗi tháng, Tổ trích ra 2/3 số tiền đóng góp để hỗ trợ vốn cho hộ nghèo theo hình thức cho vay không tính lãi. Khi đời sống của các hộ này khá hơn thì trả lại tiền vốn để Tổ giúp hộ khác. Cứ như thế, mỗi tháng, Tổ hỗ trợ vốn cho 1 hộ nghèo. Từ những nguồn vốn nghĩa tình như thế, không ít hộ thoát nghèo. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Giao. Trước đây, gia đình ông Giao từng rơi vào cảnh túng quẫn khi 3 trong 4 thành viên của gia đình bị bệnh; gia đình lại không có ruộng đất sản xuất. Tổ tương thân tương ái đã hỗ trợ gia đình ông Giao một số vốn để làm ăn. Vợ ông bán khô, còn ông ngoài việc đi làm mướn thì mượn những bờ đê ruộng của hàng xóm để trồng đu đủ, sả, đậu bắp… Cần cù, chịu khó làm lụng, chưa đầy 1 năm, gia đình ông Giao đã vượt qua cảnh túng quẫn. Chẳng những vươn lên thoát nghèo, ông Giao còn trở thành thành viên tích cực của Tổ tương thân tương ái. Mỗi tháng, ông đóng góp 50.000 đồng với mong muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Từ khi thành lập đến nay, Tổ Tương thân tương ái đã vận động trên 726 triệu đồng; hỗ trợ vốn và trợ cấp gạo thường xuyên cho 30 hộ; hỗ trợ 15 trường hợp ốm đau đột xuất; trao 520 phần quà; vận động cất được 4 căn nhà và sửa chữa 3 căn. Qua đó, đã có 26 hộ thoát nghèo và 4 hộ chuẩn bị thoát nghèo trong năm 2018. Ngoài ra, Tổ còn vận động thực hiện được 12 công trình giao thông nông thôn với số tiền trên 700 triệu đồng. Ông Nguyễn Chí Tâm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Bình, cho biết: “Tổ tương thân tương ái đã thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.”

MINH ĐỨC

Chia sẻ bài viết