24/04/2017 - 17:24

Sự trở lại chưa ấn tượng

"Người ven đô" là vở tuồng có đề tài lịch sử cách mạng kinh điển của sân khấu cải lương cách đây hơn nửa thế kỷ. Trong chương trình "Hòa điệu đất Chín Rồng" ngày 22-4 vừa qua, VTV Cần Thơ đã dựng lại vở này qua diễn xuất của các nghệ sĩ đến từ Cà Mau, Bạc Liêu. Tuy nhiên, sự trở lại của "Người ven đô" chưa thật ấn tượng.

"Người ven đô" nói về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của bà con 18 thôn Vườn Trầu, Hóc Môn, Bà Điểm, giai đoạn khoảng năm 1960. Tiêu biểu là ông Tám Khỏe và ông Bảy Đờn cùng những nhân vật như Nghĩa, Công, Sáu Hộ... Điều ghi nhận là nỗ lực của VTV Cần Thơ cùng các nghệ sĩ đã làm sống lại một kịch bản hay. Nhất là sự góp mặt của NSƯT Minh Hoàng (vai Tám Khỏe) và NSƯT Minh Chiến (vai Bảy Đờn)- hai chàng kép chánh của Đoàn Cải lương Hương Tràm, tỉnh Minh Hải năm xưa; sau trở thành lãnh đạo hai đoàn cải lương nổi bật ở miền Tây là Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu) và Hương Tràm (tỉnh Cà Mau). Lâu lắm rồi, khán giả miền Tây mới được xem hai nghệ sĩ gạo cội này diễn trên sân khấu.

NSƯT Minh Hoàng (vai Tám Khỏe, ảnh trái) và NSƯT Minh Chiến (vai Bảy Đờn). Ảnh: Kiệt Trần

Nhưng công bằng mà nói, "Người ven đô" bản dựng truyền hình 2017 chưa toát lên được cái thần của vở diễn. Một phần do thời lượng từ gần 3 giờ của vở cũ cắt còn 90 phút; nhưng phần lớn do cách dàn dựng và diễn xuất của nghệ sĩ. Xem "Người ven đô", khán giả trông chờ đoạn ông Tám Khỏe khi nghe con cháu mình kêu la thảm thiết khi bị nhốt vào chuồng cho chó phanh thây đã buộc miệng nói theo yêu cầu của bọn tay sai: "Tôi là Tám Khỏe, xin tuyên bố ly khai với Việt Cộng". Ông bụm miệng mình không kịp, nói xong phát điên dại. Vai diễn này từng được NSND Ba Vân và NSND Út Trà Ôn diễn rất thành công. Nói về đoạn điên của Tám Khỏe do NSND Ba Vân thể hiện, NSƯT Phương Quang cho rằng, nỗi đau nhàu xé tâm can của ông Tám Khỏe là nỗi đau của những người mất nước, mất đi cuộc sống tự do yên bình. Cái điên của ông Tám Khỏe rằng điên thì thật là điên mà lại tỉnh, lại đau và làm ray rứt người xem.

Vậy mà bản dựng mới đoạn này (và cả nhiều đoạn khác), nghệ sĩ diễn qua loa, chưa lột tả tính cách nhân vật. Bản dựng mới mang nhiều "tính kịch", ít ca diễn và rất ít bài ca nên người xem chưa cảm được sự mùi mẫn, lay động. Nhiều nghệ sĩ chưa thể hiện sự ca trong diễn, ca còn "đuối" hơi và vấp váp trong lời thoại. Nhất là nhiều đoạn chuyển cảnh, tình tiết chưa hợp lý, gượng gạo.

Dù sao, nỗ lực của nhà đài và anh em nghệ sĩ là đáng trân trọng trong việc làm sống lại vở tuồng xưa. Được biết, chương trình "Hòa điệu đất Chín Rồng" số tháng 5 là vở "Trà hoa nữ"- cũng là một kịch bản cũ rất hay. Người mộ điệu kỳ vọng sẽ tìm lại được ký ức thời vàng son một thuở của sân khấu cải lương.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết