19/09/2009 - 19:56

Sự thật

* Truyện ngắn của Nhật Hồng

Bà Năm Phương cảm thấy những tháng gần đây trong cái nhà này có cái gì đó khác thường, mà rõ hơn là sự khác thường nơi ông Phương. Bà nhói đau thầm lặng: “Già sanh tật! Già mắc dịch! Đàn ông phải vậy hay sao?”. Bà ấm ứ trong lòng nhìn qua dãy nhà trọ, dừng con mắt ở phòng số mười một. Con nhỏ có nước da bánh mật, đôi mắt đen ươn ướt, vóc dáng cân đối tròn trịa, đặc biệt có những bước đi dịu dàng. Bà không ghen với dáng vóc đó mà bà ghét cái thói con gái quyến rủ cả ông già. Còn nhỏ không lo ăn học lại sớm dở thói lẳng lơ. Con này còn quá trẻ mà ngậm mật gấu dám trêu trọi với bà này hả? Con đâu biết bàn tay của bà đã từng ném lựu đạn, bắn AK, lau máu người trong cơn hấp hối. Bà Năm Phương với lấy xâu chìa khóa ấn những bước đi nặng nề qua phòng số mười một.

Cánh cửa vừa bật ra, bà Năm Phương hơi dịu cơn giận vì trong phòng đồ đạc quá ngăn nắp, thứ tự. Chồng tập vở, cái ghế ngồi, đèn đọc sách, cái mền cái gối, cả đến đôi dép dưới sàn cũng nằm ngay ngắn không so le một chút. Bà Phương lần đến tủ quần áo, quần áo đơn giản nhưng rất thích hợp và trang nhã. Bà rảo mắt xuống góc: một cái bếp gas nhỏ, chén, tô, đĩa bên cạnh thùng mì gói. Không có gì đặc biệt cho lắm, còn bên trong những chiếc rương và túi xách kia,... lòng tự trọng không cho phép lục lạo, đúng hơn là chưa đến lúc phải...

Bà Năm Phương vừa khép cửa, chợt thấy cái kính lão ở trên thành giường. Bà men trở vô, đến gần cầm cái kính lão lật qua, lật lại xem. “Đúng rồi! Cái soi của cha già mắc dịch đây mà! Cái soi ở đây, người đã đến đây! Ông Phương ơi còn gì để nói! Mê mẩn đến cả bỏ quên con mắt lại mà không hay. Trâu già khoái cỏ non. Phen này ông rơi mặt nạ rồi!”.

Bà Năm Phương nuốt cơn giận cầm cái kính, khép cửa phòng đi về nằm vật vã. “Giờ này có ổng ở nhà thì biết. Đợi ổng năm ngày nữa đi du lịch về, lâu quá! Phải làm gì bây giờ!” -“Chỉ còn cách đợi con nhỏ đó về cho ra lẽ một phen”.

 

Loan đi học về. Cô mở cổng dắt xe qua cửa nhà của chủ nhà trọ, quẹo theo hành lang về phòng như mọi khi. Nhưng lần này vừa về tới Loan cảm thấy cái gì đó, đôi mắt của bà chủ như có lửa. Vào phòng, vừa thay quần áo, chưa kịp rửa mặt, có tiếng gõ cửa, bà chủ bước vào. Loan gật đầu chào:

- Con mời dì Năm ngồi, để con rót nước uống.

Bà Năm Phương ngăn lại, giọng nghe chua như giấm:

- Cám ơn! Khỏi uống! Đi học bằng xe đạp cực quá ha! Sắm chiếc tay ga đi học cho bảnh.

- Con làm gì có tiền mà mơ thứ đó dì Năm.

- Người đẹp như vầy mà mơ gì không có!...

Loan đang sửa lại chồng tập vở, nghe câu nói nên ngước lên nhìn bà Năm rồi cúi xuống soạn tiếp chồng tập:

- Con chưa bao giờ nghĩ đến những điều ấy!

Cử chỉ vô tư và đôi mắt vui trong sáng của Loan làm ý nghĩ của bà Phương chùn lại không dám hồ đồ. Nhưng trong đầu bà chợt nảy ra quyết định: đuổi phắt nó đi là xong chuyện!

Bà Phương nói:

- Loan à! Dì báo cho con biết, trong ba ngày con tìm chỗ khác mà ở, trả lại phòng cho dì.

Loan sững sờ nhìn bà Phương:

- Ủa! Dì nói sao kỳ vậy?

Bà Phương:

- Khi con đến ở dì đã nói: Phòng có đứa cháu dặn, thấy con kiếm chỗ ở không được nên Dì cho ở tạm, nay nó đến, dì lấy lại chớ sao?

- Ở tạm à? Dù không có làm hợp đồng đi nữa nhưng dì cũng biết tụi con là sinh viên ở đi học có tính cách ổn định, chớ nay dời mai đổi làm sao học được.

- Dì xin lỗi con điều đó, nhưng chuyện này dì đã quyết định rồi! Biết giữa lúc này chạy đi kiếm chỗ ở cũng khó khăn, dì không lấy tiền tháng này để cho con làm lộ phí.

Cơn tức giận bừng lên. Nhưng Loan dằn xuống, nói với bà Phương:

- Đang đi học như vầy phải chạy đi kiếm chỗ ăn ở sẽ ảnh hưởng đến việc học hành của con. Nhưng nếu dì nói vậy, ngày mai con trả phòng lại cho dì.

***

Ông Phương vừa đặt va ly xuống bộ xa lông trên tay xách đùm theo những trái cây đặc sản ở Đà Lạt, điểm trên môi một nụ cười tươi với bà Phương sau những ngày đi xa. Bỗng nụ cười của ông Phương vụn bể khi chạm phải khuôn mặt lạnh lùng của bà Phương kèm theo tiếng dằn cái ly uống nước xuống bàn. Ông Phương linh cảm sắp có chuyện gì đây nên dè dặt:

- Ủa, tôi mới về bà làm cái thái độ gì lạ vậy?

- Lạ hả? Ai lạ? Tui hay ông? Già mà không nên nết, “trâu già ham cỏ non”.

Bà Phương xổ ra một hơi những ấm ức mấy ngày nay, ông Phương con mắt nhìn bà Phương:

- Bà ăn trúng cái gì vậy?

Ông Phương quay lưng đi vô phòng đóng sầm cửa lại. Bà Phương mở cửa phòng theo vào. Vừa vô phòng bà hất hàm hỏi ông Phương:

- Cái soi gọng vàng của ông đâu rồi!

- Mất đâu không biết!

- Giả bộ hả? Cái này có phải của ông không? Bà Phương đưa cái kính của ông Phương ra...

Ông Phương nhìn cái kính của mình, mừng ra mặt.

- Bà lượm ở đâu vậy?

- Ở đầu nằm con bồ nhí của ông đó!

- Bồ nhí nào?!!

- Chính con quỷ cái ông đem về ở trọ đó! – Bà Phương nói như quát!

- ... Nào là nồi chén, ca mèn, khăn lớn nhỏ cả đến dép. Ông cũng mua sắm cho nó, quá chu đáo! Già kinh nghiệm mà! Chưa hết, biết đâu còn những thứ mà nó không khai vô đây, mang theo làm kỷ niệm, như tiền, vàng,... Kể cả con nhỏ này cũng “khí phách” lắm, tui chỉ quần nó một trận mà nó bỏ đi còn gởi cho ông những thứ này để chọc tức tui – Bà Phương tặc lưỡi...

- Bà giết người ta rồi.. và giết tôi! - Ông Phương đưa hai tay lên trời lắc đầu...

Ông Phương buồn bã kể:

- Bà có biết Chín Xuyến không?

- Chín Xuyến nào?

- Chín Xuyến ở Bắc Long Mỹ năm một chín bảy ba đó!

Mặt của bà Phương hơi giãn ra:

- Chuyện đó tôi biết, nó băng bó vết thương cho ông đưa xuống hầm, một tay nó chữa trị, chăm sóc cả tuần lễ rồi đưa ông về đơn vị. Mà Chín Xuyến có dính dáng gì đến đến “con bồ nhí” của ông đâu?

- Loan là con của cô ấy. Đứa con gái vừa sinh ra năm tháng thì mặt trận Bắc Long Mỹ mở, ta quần thảo với bảy mươi lăm tiểu đoàn của giặc. Chín Xuyến hy sinh. Ba hôm sau Hai Thân chồng của Chín Xuyến cũng hy sinh. Cô ấy là con của Chín Xuyến và Hai Thân.

- Trời! Sao ông không nói sớm cho tôi biết?

- Chưa kịp nói thì bà đã... quậy rồi!

Bà Năm Phương trầm giọng tha thiết:

- Kể ra tôi còn nợ hai người ấy một mạng người. Hôm tui tạt qua thăm ông rồi về dọc đường bị biệt kích may gặp trung đội của Hai Thân và Chín Xuyến trợ giúp. Nếu không cái mạng này chưa chắc còn giữ được. Nay vợ chồng mình nuôi con cô ấy cả đời chưa đền bù được. Mà ông nhận ra con Loan hồi nào vậy?

- Một bữa nọ, tôi ngồi ở trong sân. Có đứa con gái hỏi tìm nhà trọ ở học. Thấy nó tôi chợt giật mình vì giống một người quá, như có một mối thâm tình nào ở tiềm thức nên gọi nó vô nói với bà cho ở.

- Ông nhắc ra, tôi mới thấy nó giống Chín Xuyến thiệt. Mà tại sao giờ này tôi mới nhớ ra, cái đầu tôi dạo này lú quá.

- Thấy bà bận rộn với công việc nên tôi chưa kịp cho bà hay. Tôi mua cho cháu nó những thứ lặt vặt để tiện dùng hàng ngày. Ban đầu nó không chịu nhận, tui nài nỉ: “Cháu nhận đi những thứ này không có gì quá đáng lắm đâu. Coi bác như ruột thịt của ba má cháu để bác yên lòng khi nhớ về người quá cố”. Nó miễn cưỡng nhận. Nó siêng năng học hành, tui tới lui cho nó chút ít tiền mua tập sách. Sự việc vừa qua bà đã đánh sập chút tình cảm mà tôi cố gầy dựng, nó ra đi ôm lòng oán hận bà và coi thường tôi.

Bà Phương ngồi phịch xuống bộ xa lông hối hận:

- Tôi hồ đồ quá! Bất cứ giá nào mình cũng phải tìm cho được cháu Loan nghe ông!

***

Sau nhiều ngày đi tìm kiếm, ông bà Phương lần đến bệnh viện người ta chỉ:

“Đó! Người đàn bà ngồi ủ rũ ở hành lang là người thân bệnh nhân Loan đó!”.

Ông bà Phương bước đến. Người đàn bà trên sáu mươi tuổi, mặt có vẻ khắc khổ, hai con mắt chỏm lơ mất ngủ...

- Chào chị! Chị có phải là người thân của cô Loan không? Người đàn bà nhìn nhìn ông bà Phương một lúc:

- Phải! Có chuyện gì không anh chị?

- Tôi là bạn của ba má cháu Loan! Nghe cháu bị nạn nên tìm đến thăm.

Người đàn bà phều phào nói nghèn nghẹn ở trong cổ:

- Tội nghiệp cho con Loan. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tôi đem về nuôi dưỡng, cho ăn học. Con nhỏ học chăm chỉ lắm. Trước đây, nó ở chỗ nhà trọ an ninh trật tự tốt, bị bà chủ nhà ghen tương gì đó đuổi con nhỏ đi ở chỗ khác. Chỗ ở mới vắng vẻ,... Đêm đó, nó đi học về, bị bọn chúng hành hung giựt xe. Con nhỏ bị nặng lắm, giờ còn ở phòng cấp cứu!

“ Trời ơi!” - Tiếng kêu phát ra từ bờ môi của bà Phương làm cho cả đám người nuôi bệnh đang ngồi bên kia hành lang chưng hửng trố mắt dòm qua. Bà vội vàng kéo tay ông Phương chạy băng qua phòng cấp cứu.

Cô y tá ngăn lại:

- Bệnh nhân còn yếu lắm, chỉ vô thăm được một người. Trước hai cặp mắt cầu khẩn, cô y tá làm lơ cho vợ chồng ông Phương bước vô.

Ra khỏi phòng cấp cứu, ông Phương kè bà Phương đến ngồi sát bên người đàn bà. Nước mắt của bà Phương lăn dài xuống má nói:

- Tui...tui... khổ lắm khi thấy Loan lâm vào cảnh như thế này. Mà chị là sao với Loan vậy? – Bà Phương hỏi.

- Tui là dì ruột của nó – Người đàn bà nói.

Ông Phương chực thảng thốt:

- Có phải Mười Nhung không? Anh là Năm Phương nè!

Không dằn được sự xúc động, Mười Nhung quay lại ôm cánh tay của ông Phương:

- Trời! Trái đất tròn thiệt mà...

Nước mắt của người đàn bà bỗng rớt dài gò má khô khốc. Bà Mười Nhung phều phào nhìn trân trân vào mặt ông Năm Phương:

- Anh còn sống tới bây giờ sao? Chị Chín xuôi khiến cho anh gặp lại con rồi!

- Cái gì? Cô vừa nói cái gì? – Đến lượt ông Năm Phương thảng thốt.

- Con Loan là con gái của anh đó! – Bà Mười Nhung trả lời.

***

...Anh còn nhớ cái đêm chị Chín em đưa anh về đơn vị không? Lúc ấy tiểu đoàn của anh đóng từ Phụng Hiệp qua Trà Lồng ra Búng Tàu. Ba em nói: “Ngày đêm bom đạn dày đặc, người ra đi không biết còn hay mất”. Ba kêu em làm con gà trống, một phần kho mặn, một phần nấu canh chua đãi anh chiều hôm đó. Đêm đưa anh đi, chị Chín về rồi hơn một tháng sau chị Chín biết mình đã có... với anh. Cùng một lúc nghe tin anh hy sinh ở Ngã Bảy. Đường đi bom đạn bịt kín, ai mà kiểm chứng được. Ông già không hay biết chuyện gì nên hứa gả chị cho Hai Thân. Đêm ấy chị khóc sưng vù con mắt, phân vân: một chờ anh – biết đâu mà chờ... hay là vâng lời theo ba cho vui lòng. Còn đến sáng chưa biết! Nên nghe lời ba chị ưng anh Hai Thân.

Sau này anh Hai Thân hy sinh, nhưng lòng em cứ phân vân nhớ về anh, về chị Chín. Sau một thời gian chị Chín hy sinh, em cũng nghĩ thương anh Hai Thân và chị Chín.

- Anh nghĩ cũng tự trách mình, lúc ấy tình cảm đến quá bất ngờ, bất ngờ hơn nữa khi nghe Chín Xuyến và Hai Thân tuyên bố với nhau, chưa kịp buồn thì từ Nam Long Mỹ nghe tin ở Bắc Long Mỹ cô cậu ấy đều hy sinh, kế đến ba cũng qua đời. Anh chỉ biết dồn những tình cảm và nỗi đau xuống tận đáy lòng, vì phía trước còn đầy vẫy những nhiệm vụ nặng nề chỉ được thắng không được thua.

Ông Phương quay sang bà Phương nói lập bập:

- Bà đã nghe hết đầu đuôi câu chuyện đời tôi rồi đó! Thôi bà đi về nhà đem quần áo, tiền bạc cho tui ở trực nuôi con Loan với dì Mười.

Bà Phương như chết đứng, đôi mắt xa xăm nhìn dãy hành lang rộng xa hút. Lâu lắm, bà mới nói khẽ:

- Hay ông cũng về tắm rửa rồi thu xếp việc nhà, tui cùng đến với ông tiếp dì Mười....

Cùng ông Phương ra cổng bệnh viện, bà Phương chùn bước, níu tay nói với ông Phương: “Biết ăn nói sao khi con Loan tỉnh lại đây ông?”.

Chia sẻ bài viết