14/07/2018 - 07:46

Sự nghiệp chính trị thăng trầm của cựu thủ tướng Pakistan 

Một tuần sau khi bị tuyên án vắng mặt, cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và con gái Maryam Nawaz trở về nước hôm 13-7 trong bối cảnh an ninh ở thành phố Lahore được thắt chặt, đánh dấu chuyến hồi hương thứ ba đầy sóng gió của ông trong 11 năm qua.

Ông Sharif (giữa) họp báo tại Luân Đôn trước khi hồi hương.
Ông Sharif (giữa) họp báo tại Luân Đôn trước khi hồi hương.

Tuần rồi, nhân vật 68 tuổi này nhận bản án 10 năm tù từ tòa án chống tham nhũng sau khi không giải thích được bằng cách nào gia đình ông sở hữu nhiều căn hộ hạng sang ở Thủ đô Luân Đôn (Anh). Những tiết lộ của Hồ sơ Panama hồi năm 2016 cho thấy gia đình Sharif làm chủ các căn hộ này thông qua một số công ty bình phong. Dù vậy, hai cha con ông đã phủ nhận các cáo buộc.

Phán quyết trên được đưa ra gần đúng một năm sau khi Tòa án Tối cao Pakistan phế truất Sharif do ông không khai báo thu nhập từ một công ty ở Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE). Cách đây 3 tháng, Tòa án Tối cao còn ra một phán quyết khác cấm ông tham gia chính trị suốt đời. Dù em trai Shahbaz hiện là chủ tịch Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) do Sharif sáng lập, nhưng vị cựu thủ tướng mới là người nắm quyền thực sự.

Ông Sharif giữ chức thủ tướng Pakistan lần đầu vào năm 1990. Đến 1993, ông bị tổng thống nước này bãi nhiệm. Dù được Tòa án Tối cao phục chức, nhưng sau đó phải từ bỏ ghế lãnh đạo do sức ép, đồng thời PML-N cũng thất cử trước đảng đối lập Nhân dân Pakistan của bà Benazir Bhutto, con gái cựu Thủ tướng Zulfiquar Bhutto. 4 năm sau, Sharif lần thứ hai được bầu làm thủ tướng. Tuy vậy vào năm 1999, chính quyền của ông bị lật đổ bởi cuộc đảo chính quân sự không đổ máu do Tướng Pervez Musharraf dẫn đầu. Sau đảo chính, cựu thủ tướng bị truy tố về tội tham nhũng và lãnh án tù chung thân vì trước đó đã ra lệnh cấm máy bay chở ông Musharraf hạ cánh xuống Thủ đô Islamabad.

Không chấp nhận bản án, ông Sharif sang Anh sống lưu vong. Đến tháng 9-2007, ông thực hiện chuyến hồi hương đầu tiên. Dù vậy, cựu thủ tướng thậm chí không được phép rời khỏi phi trường ở Pakistan. Vụ trục xuất này khiến dân chúng trút giận lên ông Musharraf. Trong 4 tiếng có mặt trên đất Pakistan, hàng chục cảnh sát đặc nhiệm đã bao vây chiếc máy bay vốn đưa ông Sharif trở về từ Luân Đôn. Còn giới chức thì ngăn chặn các nỗ lực tiếp cận sân bay của những người ủng hộ bằng cách phong tỏa nhiều tuyến đường, phá sóng điện thoại di động và bắt giữ hàng trăm người. Cuối cùng, ông Sharif phải lên máy bay hướng sang Saudi Arabia sống lưu vong.

Sharif về nước lần thứ hai chỉ hai tháng sau đó với sự hậu thuẫn của Saudi Arabia, nhưng mãi đến năm 2013 ông mới đắc cử thủ tướng lần thứ ba.

Hôm qua, Sharif tiếp tục thực hiện một cuộc trở về nữa, nhưng liệu lần này có mang lại cho ông chiếc ghế thủ tướng lần thứ tư hay không là điều khó đoán.

THANH BÌNH (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết