08/11/2016 - 10:18

Sứ mạng thương mại trước khi Brexit

Nữ Thủ tướng Anh Theresa May cùng đoàn đại biểu gồm hàng chục lãnh đạo các công ty lớn của đảo quốc sương mù đang có chuyến thăm Ấn Độ, đất nước mà bà gọi là một trong những người bạn "gần gũi và quan trọng nhất" của Luân Đôn bởi mối quan hệ lịch sử lâu đời.

Quốc gia Nam Á là điểm đến đầu tiên ngoài Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi bà May lên làm thủ tướng hồi tháng 7, thời điểm mà người dân Anh đã quyết định lựa chọn con đường thoát ly khỏi EU (Brexit) trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6.

Một trong những nguy cơ mà chính quyền Luân Đôn phải đối mặt ngay sau khi Brexit (dự kiến vào đầu năm 2019) là mất thị trường thương mại tự do với EU và điều này có thể làm nền kinh tế nước Anh lâm vào suy thoái. Trong khi đó, nước Anh chỉ có thể đàm phán ký thỏa thuận thương mại với EU sau khi Brexit.

Thế nên, bà May đã trấn an dư luận trong nước rằng Anh đang khởi động đàm phán các thỏa thuận thương mại với Úc và New Zealand, đồng thời nhận được lời mời tương tự từ Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Singapore và Hàn Quốc.

Trong chuyến công du lần này, Thủ tướng May không giấu tham vọng khi tuyên bố Luân Đôn đã sẵn sàng các sáng kiến giúp xóa dần rào cản thương mại và đầu tư với Ấn Độ, qua đó mở đường đàm phán xây dựng thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước thời hậu Brexit. Bà mô tả tiềm năng quan hệ Anh-Ấn là "không giới hạn". Anh là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Ấn Độ, trong khi Ấn Độ là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Anh.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh công nghệ Anh-Ấn ở New Delhi hôm 7-11, bà May tuyên bố "nước Anh đang mở cửa cho thương mại và việc Brexit tạo cơ hội để nước Anh thể hiện là nhà vô địch thương mại tự do tốt nhất thế giới". "Việc phát triển đầu tư, sản xuất và kinh doanh không cần đợi cho tới khi chúng tôi rời EU" - bà May thúc giục giới lãnh đạo doanh nghiệp hai nước.

Trước khi đặt chân đến New Delhi, bà May cũng gởi thông điệp: "Khi chúng tôi rời EU, chúng tôi muốn đảm bảo rằng Vương quốc Anh vẫn là một trong những quốc gia hấp dẫn thế giới để kinh doanh và đầu tư".

Giới phân tích cho rằng hơn ai hết, bà May cảm nhận rõ những tác động kinh tế nghiêm trọng thời hậu Brexit nếu chính quyền của bà không nhanh chóng hành động, mà chuyến thăm Ấn Độ là một sứ mạng thương mại trọng tâm.

ĐỨC TRUNG (Theo AFP và Reuters)

Chia sẻ bài viết