13/10/2018 - 14:38

Tàu Soyuz gặp nạn

Sứ mạng của ISS gặp khó 

Vụ tên lửa đẩy của tàu vũ trụ Soyuz MS-10 với nhiệm vụ đưa nhóm phi hành gia Mỹ-Nga lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) gặp trục trặc động cơ trong quá trình cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan hôm 11-10 đang làm dấy lên mối lo ngại về tương lại duy trì sứ mạng của cơ sở nghiên cứu không gian trị giá 100 tỉ USD.

Sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử không gian Nga

Sự cố xảy ra chỉ sau 2 phút sau khi tên lửa được phóng đi với vận tốc khoảng 7.500km/h và ở độ cao khoảng 50km. Tên lửa đẩy của Soyuz có 3 tầng và gặp trục trặc ở tầng 2. Nhờ hệ thống khẩn cứu được kích hoạt thành công nên khoảng 30 phút sau sự cố, tàu vũ trụ Soyuz được thả dù xuống khu vực sa mạc cách thành phố Dzhezkazgan khoảng 20km về phía Đông. Hai phi hành gia Alexey Ovchinin (Nga) và Nick Hague (Mỹ) đã may mắn tiếp đất an toàn mà không hề tổn thương. Bốn trực thăng đã được cử tới để đón họ.

Người đứng đầu cơ quan không gian Nga Dmitry Rogozin (giữa) và hai phi hành gia vừa thoát nạn. Ảnh: Reuters

Sau tai nạn, Ủy ban Điều tra Nga thông báo đã thành lập một nhóm chuyên trách điều tra hình sự vụ việc. Các quan chức Nga đã kiểm tra bãi phóng và thu giữ những tài liệu có liên quan. Nhóm điều tra này có nhiệm vụ đánh giá sự cố trong vụ phóng có do vi phạm các quy định an toàn trong thiết kế tên lửa hay không.

Tai nạn trên là vụ việc nghiêm trọng chưa từng có đối với tàu vũ trụ mang theo người trong lịch sử Nga thời hậu Xô-viết. Một sự cố tương tự từng xảy ra năm 1975. Năm 1983, hai phi hành gia Nga cũng thoát chết vì vụ cháy trong lúc phóng tên lửa. Hãng thông tấn RIA cho biết nhà chức trách Nga đã ngay lập tức đình chỉ mọi kế hoạch phóng tên lửa đẩy đưa người lên không gian. Thậm chí, hãng Interfax dẫn một  nguồn tin cho rằng Nga có thể cấm phóng rốc-két Soyuz dưới mọi hình thức.

 Sự việc mới xảy đến trong bối cảnh ngành công nghiệp không gian Nga gặp hàng loạt vấn đề trong những năm gần đây trước chính sách cấm vận của phương Tây, bao gồm việc thất lạc một số vệ tinh và tàu vũ trụ.

Dấu hỏi về tương lai của ISS

Đáng chú ý trong sự cố của tên lửa đẩy Soyuz hôm 11-10 tại Baikonur là sự hiện diện của ông Jim Bridenstine, lãnh đạo mới của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tại Nga. Hiện tên lửa đẩy Soyuz của Nga là phương tiện duy nhất giúp đưa phi hành gia lên ISS kể từ khi Mỹ chấm dứt sứ mạng tàu con thoi Shuttle năm 2011. Mỗi phi hành gia Mỹ được đưa lên ISS có giá 82 triệu USD. Đây là sự hợp tác hiếm hoi giữa Nga và Mỹ trong lúc quan hệ hai nước ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, trạm không gian trị giá 100 tỉ USD hoạt động từ năm 1998 này đang là nguồn cơn gây tranh cãi giữa Nga và Mỹ thời gian qua.

Các quan chức không gian Nga đang điều tra nguyên nhân trên ISS có một lỗ hổng gây rò rỉ ôxy hồi tháng 8 vừa qua. Dù lỗ hổng nhanh chóng được hàn lại, nhưng cơ quan  không gian Nga Roscosmos vẫn muốn điều tra đến nơi đến chốn nghi vấn các phi hành gia Mỹ cố tình phá hoại ISS để đưa một đồng nghiệp bị bệnh trở về nhà bằng tàu vũ trụ Soyuz. Giới chính trị Nga hiện cũng xung đột với Mỹ về khả năng Washington sẽ không tiếp tục thuê tên lửa đẩy Soyuz nếu như tàu không gian tư nhân SpaceX thử nghiệm thành công vào tháng 4 năm tới.

Tuy nhiên trước mắt, theo Interfax, vấn đề lớn hiện nay là còn 3 phi hành gia trên ISS, bao gồm 1 người Nga, 1 người Mỹ và 1 người Đức. Họ dự kiến về Trái đất vào tháng 12 nhưng có khả năng dời lại ít nhất đến tháng 1-2019, thậm chí có thể kéo dài nhiệm vụ của mình thêm 6 tháng nữa. Một chuyến tàu vũ trụ Soyuz chở hàng tiếp tế lên ISS dự kiến sẽ thực hiện vào cuối tháng 10 này nhưng có thể bị hủy vì cuộc điều tra sự cố hôm 11-10.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ISSTàu Soyuz