05/12/2017 - 21:18

Sử dụng phân bón hợp lý trong sản xuất nông nghiệp 

Là vựa lúa lớn nhất của cả nước, hằng năm ĐBSCL có trên 90% lượng gạo xuất khẩu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Để sản xuất lúa, gạo được duy trì và đạt kết quả cao hơn, ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất, các giải pháp sử dụng phân bón hợp lý, tái tạo dinh dưỡng cho đất, đảm bảo môi trường sản xuất… đang được ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL hướng đến.     

Nâng cao giá trị sản xuất

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năng suất lúa vùng ĐBSCL trong nhiều năm qua liên tục gia tăng từ 4,23 tấn/ha (năm 2000) lên 5,04 tấn/ha năm 2005; 5,47 tấn/ha năm 2010 và hiện nay năng suất trung bình cả năm là 6,3 tấn/ha. Năng suất lúa của Việt Nam đang dẫn đầu các nước Đông Nam Á, tốc độ tăng năng suất hằng năm khá cao, cao hơn rất nhiều so với tốc độ gia tăng năng suất lúa thế giới, đặc biệt từ năm 2000 đến nay. Để đạt kết quả này, vai trò của phân bón hết sức quan trọng trong thâm canh tăng năng suất lúa. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có hàng trăm loại phân bón khác nhau, nhưng có nhiều nhãn hiệu phân bón chất lượng không đạt chuẩn. Vừa qua, một số tỉnh thành vùng ĐBSCL thực hiện siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng. Chỉ sau vài đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục nhãn hiệu phân bón giả, kém chất lượng. GS.TS Võ-Tòng Xuân, chuyên gia về nông nghiệp, cho biết: “Việc sử dụng phân bón hóa học một cách tràn lan trong thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp bị mất đi phần lớn lượng hữu cơ vốn có của đất, làm cho đất sản xuất đã và đang ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Do đó, tái tạo lượng hữu cơ, phù sa cho đất sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng là rất quan trọng, cần sự phối hợp và tăng cường thực hiện của ngành nông nghiệp và bà con nông dân khu vực ĐBSCL. Đặc biệt là sự gia tăng sản xuất phân bón hữu cơ cung cấp cho nhà nông từ các doanh nghiệp sản xuất và loại trừ phân bón giả xuất hiện trên thị trường…”.

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh làm đất, san lấp phù sa, bổ sung dinh dưỡng cho đất để vào mùa sản xuất vụ lúa đông xuân 2017-2018. Ảnh: HÀ VĂN

Ở Việt Nam, trong sản xuất nông nghiệp, nhu cầu phân bón hiện nay vào khoảng trên 10 triệu tấn các loại. Trong đó Urea khoảng 2 triệu tấn, DAP khoảng 900.000 tấn, SA 850.000 tấn, Kali 950.000 tấn, phân lân trên 1,8 triệu tấn, phân bón NPK khoảng 4 triệu tấn, ngoài ra còn có nhu cầu khoảng 400.000 – 500.000 tấn phân hữu cơ vi sinh và phân bón lá. Ông Vũ Tiến Khang, Cán bộ khoa học kỹ thuật thuộc Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, đối với phân Urea năng lực sản xuất của các nhà máy vào khoảng 2,6 triệu tấn, như vậy đã đủ tiêu thụ trong nước và còn dư thừa để xuất khẩu. Phân DAP năng lực vào khoảng 1 triệu tấn/năm, phân lân super và phân lân nung chảy vào khoảng 1,8 triệu tấn và cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất... Nhóm phân hữu cơ vi sinh sản xuất trong nước đạt khoảng 400.000 tấn và trong tương lai nhóm sản phẩm này sẽ phát triển mạnh mẽ, có tác dụng tốt đối với cây trồng và cải tạo đất, làm đất tơi xốp rất hữu dụng trong điều kiện thâm canh cao và sử dụng phân bón hóa học dư thừa như hiện nay…”.

Ngăn chặn phân bón giả

Vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất hiện trên thị trường gây thiệt hại nghiêm trọng cho bà con nông dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực cũng như sức khỏe của người dân, tác động xấu đến môi trường. Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, phân bón giả gây thiệt hại tới 2 tỉ USD/năm đối với nền kinh tế. Trong năm 2016, các cơ quan ban ngành đã liên tiếp có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, phát hiện đến 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng theo đăng ký và công bố trên bao bì. Trong đó, hành vi vi phạm phổ biến là thiếu hàm lượng các chất dinh dưỡng trong phân bón so với tiêu chuẩn công bố, đặc biệt là phân NPK… Ông Phạm Văn Quỳnh, Nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhận định: “Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng làm cho cây trồng chậm phát triển, năng suất giảm, gây tổn thất nặng nề cho bà con nông dân mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung ứng chất lượng của các doanh nghiệp, gây tác động tiêu cực đến chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Việc ngăn chặn phân bón giả xuất hiện trên thị trường không những là trách nhiệm của ngành chức năng mà cần có sự phối hợp của cả đơn vị sản xuất…”.

Phân bón được người dân xã Định Môn (huyện Thới Lai) tập trung để cung cấp cho vụ mùa đông xuân 2017-2018. Ảnh: HÀ VĂN

Những năm qua, cùng với đầu tư, cải tiến dây chuyền công nghệ, quy trình sản xuất phân bón được các công ty sản xuất kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào đến quá trình sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và được người tiêu dùng đánh giá cao. Không chỉ cung ứng sản phẩm phân bón đạt chất lượng, hàng năm các công ty đều tổ chức hội nghị, hội thảo hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón đúng cách, hợp lý cho các loại cây trồng, cách nhận biết phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên thị trường. Theo Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, trong năm 2016 và 2017, công ty liên kết với các nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL thực hiện trên 100 điểm khảo nghiệm, trình diễn phân bón cho cây lúa ở TP Cần Thơ, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, với mục đích đánh giá lại công thức phân, loại và lượng phân bón nhà nông đang sử dụng. Với bộ đôi sản phẩm chuyên dùng cho cây lúa NPK “Cò bay” 22.15.5 Hi-end và 20.0.10 Hi-end đã được nhà nông đồng tình; giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận tăng rõ nét qua các điểm thực hiện.

Là đơn vị phân phối các sản phẩm phân bón Phú Mỹ tại khu vực ĐBSCL, hằng năm, Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ cung ứng ra thị trường hơn 300.000 tấn phân bón các loại. Ngoài sản phẩm Đạm Phú Mỹ đã quen thuộc với bà con nông dân, các sản phẩm DAP Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ, NPK… cũng được nông dân tin tưởng sử dụng. Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ, cho biết: “Hằng năm, chúng tôi tổ chức khoảng hơn 100 cuộc hội thảo, tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng phân bón nhằm giúp bà con nông dân sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Với 2 nhà máy: Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ công nghệ hiện đại, chúng tôi cam kết cung cấp cho bà con nông dân những sản phẩm phân bón đạt chất lượng và chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm của mình”.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất phân bón, bà con nông dân và các doanh nghiệp thu mua, cơ quan quản lý nông nghiệp của thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai xây dựng các mô hình hợp tác theo hình thức liên kết 4 nhà: Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông, với mục tiêu không chỉ giúp nông dân tăng năng suất cây trồng mà thương hiệu phân bón trong nước ngày càng được khẳng định trên thị trường. Song song đó, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp tiếp tục tổ chức các hội thảo để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, người sản xuất, các đại biểu quan tâm trao đổi thảo luận nhằm tháo gỡ các nút thắt trong vấn đề chất lượng phân bón, loại bỏ phân bón giả, kém chất lượng...

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết