17/04/2018 - 09:09

Đồng bằng sông Cửu Long

Sử dụng nguồn nước mưa hợp lý, phục vụ sản xuất 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp, hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra tác động mạnh tới các địa phương trong khu vực ĐBSCL. Mùa mưa năm nay sắp bắt đầu, một vấn đề đặt ra là sử dụng và khai thác nguồn nước mưa cho sinh hoạt, sản xuất sao cho hợp lý để  tránh  lãng phí nguồn nước sạch...

Thiếu nước ngọt

Theo các chuyên gia tác động của BĐKH đối với khu vực ĐBSCL đã và đang đe dọa nghiêm trọng tới vấn đề an toàn cấp nước cho toàn khu vực, làm cho nguồn nước bị nhiễm mặn và hạn hán kéo dài. Điển hình, những tháng đầu năm 2018, tình hình xâm nhập mặn xuất hiện nhanh tại các cửa sông Cửu Long và các tỉnh ven biển, vượt quá 4g/l. Đối với các vùng cách biển từ 30 - 50km bị mặn 4g/l xâm nhập vào các tháng 3 và 4 (kể cả tháng 5 nếu không có mưa) và các vùng cách biển từ 60 - 65km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l, nhưng cũng cần cẩn thận trong các đợt triều cường. Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, cho biết: “Vào thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn tăng cao, người dân rất cần có nguồn nước ngọt, nước hợp vệ sinh để sinh hoạt. Cà Mau là địa phương thường xuyên chịu tác động bởi hạn hán, thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất. Do đó, ngoài mùa mưa đến có thể tận dụng nguồn nước ngọt, địa phương rất mong Dự án cung cấp nước an toàn vùng ĐBSCL (do Bộ Xây dựng thực hiện) sớm triển khai để người dân có nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nhất là trong những tháng mùa khô như hiện nay”.

TP Cần Thơ tăng cường hoạt động bơm tát, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô hạn. 

Hiện nay, ở ĐBSCL, một số tỉnh phía thượng lưu sử dụng nước mặt cho sản xuất, sinh hoạt; còn lại phần lớn các tỉnh (hạ lưu và ven biển) sử dụng nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực: sụt lún nền đất, hạ thấp mực nước (trung bình 0,3 – 0,9m/năm), suy thoái chất lượng và nhiễm mặn, vượt quá khả năng an toàn. Cụ thể, ở tỉnh Cà Mau, địa phương cực nam của vùng ĐBSCL và là tỉnh duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển, với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt hơn 10.000km và có rất nhiều cửa sông, với 87 cửa sông thông ra biển, cửa biển. Do đó, Cà Mau là một trong những địa phương rất dễ bị tổn thương vì BĐKH và chịu tác động kép của BĐKH từ các hiện tượng nước biển dâng, hạn hán, thiếu nước ngọt... Hiện Cà Mau sử dụng 100% nước ngầm cho sản xuất, sinh hoạt. Do đó, địa phương đang đối mặt với tình trạng sụp lún nền đất.

UBND tỉnh Cà Mau đang đề xuất các bộ, ngành Trung ương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, tiểu vùng, có tính tới tác động của BĐKH. Từ đó quy hoạch lại hệ thống thủy lợi theo hệ sinh thái nước ngọt; quy hoạch xây dựng các hồ chứa nước ngọt tại chỗ, quy hoạch đưa nước ngọt sông Hậu về Bán đảo Cà Mau và khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn nước này... để thích ứng với BĐKH.

Ở tỉnh Sóc Trăng, các huyện ven biển thiếu nước ngọt trầm trọng. Người dân tại địa phương vừa khai thác nước ngầm cho sản xuất, vừa tận dụng nguồn nước mưa cho sinh hoạt, ăn uống...

Tận dụng nguồn nước sạch

Cũng như các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL, TP Cần Thơ thực hiện nhiều giải pháp tận dụng nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất... Điển hình như Dự án “Thích ứng BĐKH thông qua phát triển đô thị bền vững - Thí điểm nghiên cứu hệ thống và môi trường nước TP Cần Thơ” do Tổ chức CSIRO và AusAID của Úc phối hợp Trường Đại học Cần Thơ, Văn phòng Công tác BĐKH TP Cần Thơ thực hiện nhiều năm qua. Dự án đã khảo sát, tìm hiểu hiện trạng hệ thống nước, quy hoạch phát triển đô thị và những tác động BĐKH lên môi trường nước thành phố; thiết lập, tập hợp các phương án chiến lược nhằm phát triển bền vững hệ thống môi trường nước có tính thích nghi với BĐKH. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình nghiên cứu chất lượng nước mưa được thực hiện thu gom tại Trường Đại học Cần Thơ và các hộ dân tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Nghiên cứu tập trung vào các vấn đề như: quan trắc chất lượng nước mưa và thiết kế thiết bị loại bỏ nước mưa đầu mùa; hệ thống thu gom nước mưa và phương pháp xử lý; tính toán hiệu quả dung tích bồn chứa và đánh giá độ tin cậy; các rủi ro nhiễm bẩn do thói quen sử dụng của người dân... Qua đó, dự án xác định nước mưa là nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn cho người dân sử dụng. Đồng thời, các cơ quan liên quan của TP Cần Thơ đánh giá nước mưa là nguồn nước thích hợp trong điều kiện thiếu nguồn nước mặt và suy kiệt nguồn nước ngầm dưới tác động của BĐKH... Các chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ cũng nhận định: Sự khan hiếm nước ngọt và những tình huống cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn với cường độ mạnh hơn như được dự báo. Nước ngọt không còn là nguồn tài nguyên vô hạn nữa. Do đó, vùng ĐBSCL không nên lãng phí nguồn nước ngọt, nước mưa, mà phải tận dụng một cách hợp lý, khai thác, dự trữ khi cần thiết, nhất là sử dụng khi khô hạn kéo dài...

Bộ Xây dựng cũng triển khai nghiên cứu và lập Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL để xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho 7 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nam sông Hậu (TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang). Đây là dự án đầu tiên thực hiện theo quan điểm bảo đảm quy hoạch chung; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch, nước thô không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, nhận định: “Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng vùng ĐBSCL đảm bảo an ninh về cấp nước, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường cho các giai đoạn phát triển đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án đang xây dựng và sớm triển khai thực hiện theo kế hoạch”. 

Theo Ban Quản lý dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật - Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL được xây dựng với tổng kinh phí dự kiến đến 1,7 tỉ USD, gồm hệ thống cấp nước liên tỉnh; hệ thống lọc nước, dự kiến nước thô sẽ được lấy từ sông Hậu, sau đó xử lý và truyền dẫn nước sạch đến các công ty cấp nước (thuộc 7 tỉnh, thành phía Tây Nam sông Hậu) thông qua mạng lưới tuyến ống truyền tải. Các công ty này phân phối cho khách hàng ở địa phương. Giai đoạn đầu,  dự án được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 400 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 40 triệu USD, gồm 4 hợp phần, trong đó hợp phần 1 dự kiến xây dựng nhà máy nước công suất 200.000 - 300.000m3/ngày đêm, lấy nước sông Hậu; xây dựng các đường ống truyền tải vùng, trạm tăng áp, các hạng mục khác...

 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết