06/08/2017 - 09:15

Sử dụng dữ liệu mở quản lý đô thị 

Mới đây, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Trung tâm Quốc tế Quản lý Môi trường (ICEM) tổ chức Hội thảo triển khai lập cơ sở dữ liệu có sự tham gia cộng đồng. Dự án này  hỗ trợ TP Cần Thơ trong quản lý rủi ro lũ lụt cũng như hỗ trợ các nỗ lực lập kế hoạch phát triển đô thị trong tương lai, hướng đến xây dựng đô thị thông minh.

Nền tảng dữ liệu không gian sẽ giúp ích cho TP Cần Thơ xây dựng đô thị thông minh trong tương lai.

Dự án lập cơ sở dữ liệu có sự tham gia cộng đồng tại TP Cần Thơ là dự án cho các thành phố sử dụng dữ liệu mở cho các sáng kiến thích ứng và là một phần hỗ trợ kỹ thuật nằm trong dự án Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường thích ứng của đô thị (dự án 3 của TP Cần Thơ).

WB đã ủy thác cho ICEM hợp tác với Viện Nghiên cứu ĐBSCL và Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) thực hiện dự án này.

Mục tiêu tổng thể của dự án là xây dựng một bản đồ nền cho TP Cần Thơ trong OpenStreetMap (OSM) nhằm hỗ trợ thực hiện hệ thống thông tin quản lý rủi ro lũ lụt của thành phố cũng như hỗ trợ các nỗ lực lập kế hoạch đô thị trong tương lai. Nhiệm vụ này được thực hiện thông qua các nỗ lực thành lập bản đồ của nhóm dự án, cũng như hỗ trợ thành lập một cộng đồng OSM ở Cần Thơ.

Dự án sẽ khai thác ứng dụng OSM như một chương trình lập bản đồ mã nguồn mở hoàn toàn miễn phí, nhằm phát triển và lập bản đồ nền TP Cần Thơ, bao gồm hệ thống giao thông, công trình, đường thủy nội địa, các khu dễ ảnh hưởng ngập lụt, xói lở bờ sông…

Theo nhận định của đơn vị triển khai dự án, lợi ích chính của OSM là bất kỳ cá nhân nào cũng có thể cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa các dữ liệu bản đồ; đồng thời cũng có thể tải được dữ liệu bản đồ.

Các thông tin trên bản đồ sẽ rất hữu ích cho các tổ chức, cơ quan, chính phủ và phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các nhóm cứu hộ thiên tai, cộng đồng địa phương và các bên liên quan khác. Nhóm nghiên cứu sẽ phát triển một loại bản đồ in ra giấy khi kết thúc dự án, được sử dụng để chứng minh tiến bộ của nỗ lực lập bản đồ, cũng như lợi ích của dữ liệu lập bản đồ cho mục đích quy hoạch đô thị.

Tại hội thảo chính thức khởi động dự án, ông Robert Banick, chuyên gia WB, cho rằng: Bản đồ mã nguồn mở là phương pháp tiếp cận mà nhiều thành phố trên thế giới đã sử dụng, đưa dữ liệu của thành phố vào hệ thống chung để chia sẻ.

Đây là bản đồ dùng chung cho toàn thế giới và là công cụ mạnh và hữu hiệu, học được những cái mới của các thành phố trên thế giới để áp dụng vào TP Cần Thơ. Bản đồ mã nguồn mở bắt đầu hoạt động năm 2004 tại London.

So với bản đồ của google, Bản đồ mã nguồn mở có thể tải dữ liệu về được, đồng thời sử dụng phần mềm có nhiều chi tiết, cấu trúc hơn… Các công ty lớn trên thế giới, các chính phủ, các thành phố cũng ngày càng sử dụng bản đồ mã nguồn mở nhiều hơn.

Theo Tiến sĩ Richard Cooper quản lý dự án của ICEM, ICEM là trung tâm thực hiện các dịch dụ kỹ thuật độc lập, làm việc với các chính phủ, khối tư nhân và các cộng đồng để thực hiện các dự án và sáng kiến thúc đẩy phát triển bền vững.

ICEM có văn phòng ở Hà Nội và nhiều đối tác ở TP Cần Thơ để triển khai thực hiện dự án lập cơ sở dữ liệu có sự tham gia cộng đồng tại TP Cần Thơ, thời gian hoạt động của dự án trong 9 tháng (từ tháng 7-2017 đến tháng 3-2018).

Dự án sẽ tạo ra các cơ sở dữ liệu OSM của thành phố về hệ thống đường sông, thoát nước, đường bộ, các công trình, vị trí các cơ sở y tế, viễn thông, ngân hàng… Đồng thời, tạo ra cộng đồng bản đồ bền vững như: thiết lập trung tâm kỹ thuật để thu thập dữ liệu và kỹ thuật bản đồ; hỗ trợ của Viện Nghiên cứu ĐBSCL và Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) sẽ đi đầu trong thiết lập các trung tâm lập bản đồ cộng đồng này; sẽ đào tạo các cán bộ nhà nước, các trường, sinh viên và cán bộ xã, phường thu thập, thiết lập, chỉnh sửa và duy trì dữ liệu.

Theo ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, thực trạng ngập ở các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… ngày càng nghiêm trọng.

TP Cần Thơ đã triển khai dự án 3 gồm 3 hợp phần là: kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường (hợp phần 1); phát triển hành lang đô thị (hợp phần 2) và nền tảng dữ liệu không gian và các công cụ quản lý đô thị, xã hội (hợp phần 3). Trong đó hợp phần 3, hệ thống này sẽ giúp thành phố phản ứng nhanh, có dữ liệu về bản đồ không gian, quản lý dữ liệu và chia sẻ.

Bên cạnh mục tiêu quản lý ngập tổng hợp thì việc xây dựng nền tảng dữ liệu cho thành phố còn là cơ sở tích hợp, cập nhật, chia sẻ dữ liệu quản lý đô thị thuận lợi và làm cơ sở để xây dựng đô thị thông minh hơn tại TP Cần Thơ. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi phải quyết tâm và kiên trì.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho rằng: Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết 10 định hướng đến năm 2025 TP Cần Thơ sẽ là đô thị thông minh, cơ sở dữ liệu OSM cũng là nền tảng đầu tiên cho thành phố hoàn thành mục tiêu này.

Dự án lập cơ sở dữ liệu có sự tham gia cộng đồng tại TP Cần Thơ đến tháng 3-2018 sẽ hoàn thành sản phẩm, có được bản đồ cơ bản thành phố sẽ có nhiều thông tin hơn; có sự tham gia của cộng đồng và các sở, ngành cung cấp thông tin đầy đủ, tới đây cũng sẽ triển khai trong nhóm thanh niên và sinh viên, cung cấp cơ sở dữ liệu cho nhóm chuyên gia.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết