07/01/2018 - 10:01

Sự chuyển mình của điện ảnh Trung Quốc 

5 năm trước, Trung Quốc bất ngờ vư​ợ​t qua Nhật đ​ể​ trở thành thị trường điện ảnh lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Hollywood. Năm 2017, Trung Quốc lại bất ngờ vượt Mỹ, trở thành quốc gia sở hữu màn hình ở các rạp nhiều nhất thế giới. Với đà tăng trưởng đột phá của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quố​c những năm qua, có​ khả​ nă​ng quố​c gia này​ sẽ​ hoàn​ thàn​h mục tiêu vượt Bắc Mỹ về​ doanh thu phò​ng vé​, trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất quốc tế vào​ nă​m 2019.

Từ những con số

Năm 2012, doanh thu phòng vé Trung Quốc đạt khoảng 17 tỉ Nhân dân tệ (NDT) và từ đó tăng trưởng trung bình trên 30% mỗi năm. Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (State Administration of Press, Publication, Radio, Film and Television- SAPPRFT), doanh thu phòng vé năm 2017 đạt tới 55,9 tỉ  NDT (tương đương 8,59 tỉ USD). Trong đó, doanh thu từ phim nội địa đạt khoảng 30,1 tỉ NDT, chiếm 53,84%  tổng doanh thu.

“Wolf Warriors 2”- phim có doanh thu cao nhất Trung Quốc năm 2017.

Doanh thu của phim Trung Quốc ở nước ngoài đạt gần 4,3 tỉ NDT năm 2017, tăng gần 11,2% so với năm 2016 (đạt 3,8 tỉ NDT). Có đến 92 phim đạt doanh thu vượt mức 100 triệu NDT, trong đó có 51 phim nội địa, chiếm 55,4%. Trong khi năm 2016 có 78 phim đạt mức này và chỉ có khoảng 39 phim nội địa. Góp phần không nhỏ vào thành công của phòng vé Trung Quốc là các bom tấn “Wolf Warriors 2”, “The Great Wall”, “Never Say Die”, “Kung Fu Yoga”… Trong đó “Wolf Warriors 2”  là phim Trung Quốc có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại quốc gia này với doanh thu trên 5,7 tỉ NDT gấp đôi con số của phim đứng thứ hai “The Fate of the Furious 8” khi sở hữu 2,7 tỉ NDT. Phim sinh lời nhiều nhất chính là “Never Say Die”- phim độc lập kinh phí thấp, có doanh thu khoảng 2,2 tỉ NDT, đứng thứ ba phòng vé năm 2017. Theo đó, trong top 5 phim đứng đầu phòng vé Trung Quốc năm 2017, có đến 4 tác phẩm nội địa: “Wolf Warriors 2”, “Never Say Die”, “Kung Fu Yoga”, “Journey to the West: The Demons Strike Back”. Chỉ có “The Fate of the Furious 8” là phim đến từ Hollywood nằm trong danh sách này.

Sở hữu trên 41.000 màn hình ở các rạp, Trung Quốc là quốc gia có nhiều màn hình rạp chiếu nhất từ cuối năm 2016. Với 9.597 màn hình mới được lắp trong năm 2017, số lượng màn hình của Trung Quốc đạt con số kỷ lục 50.776, vượt cả toàn khu vực Bắc Mỹ. Thống kê cũng cho thấy, số lượt người đến rạp tại Trung Quốc cũng phát triển mạnh. Năm 2012, có khoảng 466 triệu lượt thì đến năm 2016 đã lên đến 1,37 tỉ lượt. Riêng năm 2017, con số này đạt khoảng 1,62 tỉ lượt, tăng trên 18,% so với năm trước.

Trong khi đó, việc sản xuất phim của Trung Quốc cũng ngày càng tăng, trong khoảng 3 năm nay, trung bình mỗi năm có khoảng 700 phim ra lò, đứng thứ ba về sản lượng trên toàn cầu, sau Hollywood và Bollywood.

Chiến lược phù hợp

Cách nay 5 năm, hạn ngạch nhập khẩu phim ngoại của Trung Quốc cho phép từ 20 phim tăng lên 34-39 phim. Điều này đặt ra khá nhiều thử thách cho ngành điện ảnh quốc nội khi làn sóng Hollywood tấn công mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự uy hiếp này càng khiến điện ảnh Trung Quốc nỗ lực thay đổi và phát triển. Năm 2016, có tất cả 102 phim nhập khẩu được công chiếu ở thị trường Trung Quốc, nhưng phim do Trung Quốc sản xuất đã chiếm được 58,33% thị phần, phim Hollywood chỉ chiếm 33%. Đây là kết quả khá hiếm trong bối cảnh Hollywood luôn chiếm trên 75% thị phần tại các quốc gia khác. Năm 2017, Trung Quốc vẫn giữ vững tinh thần đó với hơn 53,84% thị phần, giúp phim nội địa Trung Quốc chiếm vị trí ưu thế trong 3 năm liên tiếp. Cụ thể, “Monster Hunt” từng đánh bại “Fast & Furious 7” của Hollywood để đứng đầu phòng vé năm 2015. Năm 2016, “The Mermaid” gấp đôi phòng vé “Zootopia” để đứng đầu. Năm 2017, “Wolf Warriors 2”  lại đánh bại “The Fate of the Furious 8”.

Trung Quốc đang có chiến lược định hướng phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, trước hết là về các chính sách. Cụ thể, kể từ năm 2013, Trung Quốc đã hủy bỏ 6 khâu phê duyệt thủ tục xét duyệt kịch bản phim có đề tài thông dụng. Năm 2016 hủy bỏ 4 hạng mục phê duyệt thủ tục xét duyệt nghiệp vụ làm phim điện ảnh của các đơn vị độc lập không thuộc các đơn vị sản xuất phim. Năm 2017 tiếp tục hủy bỏ thủ tục Giấy phép quay phim điện ảnh và Giấy phép quay phim đơn lẻ, không tiếp tục cấp Giấy chứng nhận kỹ thuật phim điện ảnh… Tất cả giúp giảm bớt thủ tục, khiến năng suất sản xuất phim ảnh tăng cao. Đồng thời, Trung Quốc ban hành Luật Xúc tiến ngành điện ảnh, thi hành với nhiều cơ chế hỗ trợ ngành điện ảnh. Cũng trong năm 2017, Trung Quốc tiếp tục  cải cách cơ chế cung- cầu, không ngừng củng cố và đa dạng hóa, phong phú hóa, đa chủng loại các sản phẩm điện ảnh đáp ứng thị trường.

Ông Rao Shuguang- Tổng thư ký Hiệp hội Điện ảnh Trung Quốc, cho rằng: “Trước đây, phim sản xuất để kiếm tiền nhanh và kết thúc là thất bại. Điện ảnh Trung Quốc hiện nay chuyển dịch từ vì doanh thu sang theo đuổi chất lượng”. Điều này lý giải về sự lên ngôi của phim trong nước khi có sự đầu tư cho kịch bản, diễn xuất đến công nghệ. Tiên phong cho sự thay đó chính là “Lost in Thailand” của đạo diễn Từ Tranh, tác phẩm đạt doanh thu cao nhất Trung Quốc năm 2012, trở thành phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc kiếm được hơn 1 tỉ NDT, mở ra kỷ nguyên phim bom tấn trong nước. “Lost in Thailand” được đánh giá cao với cách khai thác mới mẻ, nội dung cốt truyện hòa quyện văn hóa của Trung Quốc với dựng phim mang hơi hướng phương Tây. Sau đó, hàng loạt những tác phẩm: “The Taking of Tiger Mountain”, “Operation Mekong”, “The Founding of an Army”, “Paths of the Soul”, “Born in China”… tạo đà cho sự cách tân của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Nội dung được khai thác phóng khoáng và đa chiều hơn. Cụ thể, “The Taking of Tiger Mountain” (2014) được cho là tác phẩm tiên phong cho sự thay đổi của phim cách mạng khuôn mẫu, khi đề cập sâu đến vấn đề chính trị. Sự tươi mới và hiện đại giúp số lượng phim nội địa có doanh thu trên 1 tỉ NDT ngày càng tăng. Năm 2017, có khoảng 14 tác phẩm cán mốc tỉ NDT. 

Ông  Zhang Hongsen- Thứ trưởng SAPPRFT, cho rằng sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc trong 5 năm qua còn được thể hiện bằng gia tăng số lượng màn hình. Năm 2017, Trung Quốc đã có trên 50.000 màn hình và dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ lên đến 60.000. Ngoài ra, Trung Quốc còn ứng dụng công nghệ chiếu phim kỹ thuật số lớn nhất thế giới. Năm 2017, cả nước có 38.377 màn ảnh 3D, chiếm gần 86,3% tổng số lượng màn ảnh, thu hút khán giả đến rạp.

Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đang dần lớn mạnh với những bước đi táo bạo và định hướng mới đột phá.

Bảo Lam (Tổng hợp từ ecns, chinadaily, Variety)

Chia sẻ bài viết