14/01/2018 - 14:33

Stress có thể thúc đẩy ung thư tụy phát triển 

Trong các nghiên cứu mới công bố, các nhà khoa học Mỹ đã làm sáng tỏ làm thế nào căng thẳng tinh thần (stress) khiến chúng ta ngã bệnh và thúc đẩy nguy cơ ung thư tụy.

Ảnh: The Truth About Cancer

Ảnh: The Truth About Cancer

Theo các chuyên gia tại Đại học Michigan, tế bào mast là loại tế bào miễn dịch giúp cơ thể phòng chống các bệnh viêm và dị ứng như hội chứng ruột kích thích (IBS), hen suyễn, dị ứng thực phẩm và bệnh tự miễn như lupus, bằng cách vô hiệu các tác nhân gây bệnh như phấn hoa, mạt bụi hoặc một prôtêin đặc trưng trong đậu phộng hoặc hải sản gây dị ứng. Nhưng khi cơ thể bị stress, một thụ thể gọi là yếu tố giải phóng corticotropin (hay CRF1) lại truyền tín hiệu khiến tế bào mast giải phóng hóa chất histamine. Bình thường, histamine giúp đẩy lùi tác nhân gây bệnh nhưng khi hiện diện quá nhiều, nó bắt đầu phản ứng quá mức và có thể dẫn đến viêm nhiễm và các bệnh dị ứng.

Trong nghiên cứu, Phó giáo sư Adam Moeser chuyên nghiên cứu các bệnh phát sinh do stress đã so sánh phản ứng histamine của chuột đối với 2 dạng bệnh do stress gồm tâm lý và dị ứng. Theo đó khi bị stress, nhóm chuột có thụ thể CRF1 đã gia tăng nồng độ histamine và bị bệnh, còn nhóm chuột thiếu CRF1 thì sản sinh nồng độ histamine thấp và ít bị bệnh hơn, cụ thể là tỷ lệ bị dị ứng và mắc bệnh tâm lý lần lượt thấp hơn 54% và 63%. Theo chuyên gia Moeser, những phát hiện này có thể giúp nâng cao hiệu quả điều trị các chứng bệnh như hen suyễn và hội chứng ruột kích thích.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Y khoa Đại học Columbia khẳng định stress có thể làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh ung thư tụy.

Để tìm hiểu mối liên hệ giữa stress và tình trạng phát triển sớm bệnh ung thư tụy, nhóm chuyên gia do Tiến sĩ Timothy C. Wang dẫn đầu đã biến đổi gien của chuột theo hướng dễ phát triển dấu hiệu bất thường ở tụy. Sau đó, họ chia đàn chuột thành hai nhóm, một nhóm được nuôi trong điều kiện sống gây stress (trong không gian nhỏ) còn nhóm đối chứng nuôi ở hoàn cảnh bình thường. Sau 14 tuần, 38% số chuột trong nhóm bị stress đã phát triển những thương tổn ở tụy dạng sẽ phát triển thành bệnh ung thư, trong khi nhóm đối chứng không có biểu hiện này.

Theo Tiến sĩ Wang, mọi người đều biết rằng sự đột biến ADN có thể dẫn đến ung thư, nhưng phát hiện mới cho thấy stress cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của căn bệnh này.

AN NHIÊN (Theo Futurity.org, ANI)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ung thư tụy