16/05/2018 - 07:34

Stress... 

Trước những áp lực của cuộc sống, học tập, gia đình…, nhiều thanh thiếu niên căng thẳng tâm lý thời gian dài nhưng không biết cách hóa giải. Nhiều bạn rơi vào chứng trầm cảm, có nguy cơ dẫn đến tự tử.

Khi cuộc sống là những nỗi lo

Nhiều năm nay, M., nhân viên ngân hàng (ở quận Ninh Kiều), hầu như không ngủ được trước 1 giờ sáng, có hôm còn thức trắng đêm. M. cho biết đầu óc lúc nào cũng lo lắng chuyện kiếm tiền để trả nợ mua nhà, lo cho em đi học và giúp đỡ gia đình. Bên cạnh đó, công việc không thuận lợi cũng là nguyên nhân khiến M. luôn căng thẳng. M. cho biết: “Tuy rất cố gắng nhưng tôi vẫn không thể hoàn thành việc lãnh đạo giao. Nhiều hôm tôi ở lại làm việc nhưng hiệu quả không như mong muốn”.  Không ăn uống được và tinh thần mệt mỏi nên M. phải tìm đến bác sĩ nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện và M. phải dùng thuốc ngủ mỗi đêm.

Các hoạt động tình nguyện sẽ giúp các bạn trẻ mở rộng lòng mình, giảm căng thẳng trong cuộc sống. Ảnh: CTV
Các hoạt động tình nguyện sẽ giúp các bạn trẻ mở rộng lòng mình, giảm căng thẳng trong cuộc sống. Ảnh: CTV

Bên cạnh nỗi lo toan trong cuộc sống, sự quan tâm của gia đình cũng khiến các bạn trẻ cảm thấy áp lực, chán nản như trường hợp Ng., học sinh lớp 12. Hằng ngày, cha mẹ Ng. đều lặp đi lặp lại điệp khúc: “Con ăn cơm rồi ngủ để còn đi học!”, “Con tắm rồi học bài!”, “Con tranh thủ học bài nghe!”… Ng. học yếu Anh văn và Ngữ văn nên cha mẹ càng hối thúc nhiều hơn vì sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Lúc nào trong tâm trí Ng. cũng lởn vởn nghe tiếng cha mẹ thúc giục học bài. Thầy cô ở trường cũng động viên, nhắc nhở Ng. cố gắng học tập nên càng áp lực. Mỗi lần nghe nhắc “học bài” là Ng. sợ toát mồ hôi. Có hôm, Ng. đạp xe qua khỏi nhà mà vẫn không hay… Cuối cùng, Ng. phải tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý nhờ giúp đỡ.

Học cách cân bằng

Nguyễn Hữu Thịnh (22 tuổi), sinh viên năm thứ 4, từng có thời gian dài khủng hoảng tinh thần khi cha mẹ ly hôn. Khi đó, Thịnh đang học năm thứ nhất đại học. Thịnh kể, lúc ở trường, Thịnh luôn tỏ vẻ vui tươi, hòa đồng với bạn bè. Thế nhưng đêm về, Thịnh không ngủ được vì lo chuyện gia đình. Thịnh chia sẻ: “Lúc đó, tôi định nghỉ học đi làm thêm nhưng nghĩ cũng không có bao nhiêu tiền, trong khi tương lai mờ mịt. Tôi rất khó chăm lo các em sau này nếu không có nghề nghiệp ổn định.  Vì vậy, tôi quyết định tiếp tục đi học”. Hữu Thịnh cố gắng học tập và tham gia các hoạt động thiện nguyện để không suy nghĩ tiêu cực; đồng thời, đi làm thêm để có tiền trang trải chi phí học tập. Hiện Thịnh đối mặt với thử thách mới: học tiếng Nhật. Thịnh cho biết: “Tôi muốn tìm cơ hội làm thực tập sinh ở Nhật nên rất cố gắng lấy bằng N5 tiếng Nhật. Tuy còn nhiều trở ngại nhưng tôi tin mình sẽ vượt qua khi nghĩ về tương lai các em”.

Theo anh Ngô Thành Thuận, Chuyên gia tư vấn tâm lý Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, nhiều bạn trẻ chịu áp lực cuộc sống, dần dần bị chứng trầm cảm, với các triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn; đầu óc trống rỗng, không thể tập trung… Một số học sinh được cha mẹ quan tâm nhiều cũng trở nên căng thẳng, cảm thấy gò bó, không được thấu hiểu. Chính vì vậy, cần phối hợp, cân bằng giữa thời gian học tập và nghỉ ngơi, vui chơi; có kế hoạch chi tiêu hợp lý, xác định mục tiêu từng năm học… Anh Ngô Thành Thuận nói: “Các bạn nên tham gia những hoạt động tình nguyện, vui chơi ở trường để thấy cuộc sống không nhàm chán, kết nối nhiều bạn bè. Quan trọng nhất là gia đình cần quan tâm, động viên các em kịp thời. Tuy nhiên, đôi khi quan tâm không đúng cách cũng trở thành gánh nặng tâm lý với các em, vốn dĩ không thích bị áp đặt, ép buộc”.

ĐỖ VĂN

Chia sẻ bài viết