11/06/2013 - 21:24

Sống tốt đời đẹp đạo

Ông Nguyễn Văn Lượm, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, đang kiểm tra số lượng thuốc tại phòng thuốc nam Hòa Phú Tự.

Giữa khuya, hay tin có người bị tai biến mạch máu não, thế là ông tức tốc điều xe chở bệnh nhân đi cấp cứu, rồi sáng sớm hôm sau lại “gõ cửa” nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân để quyên góp làm cầu, xây đường giao thông... Đó là những nghĩa cử đẹp mà ông Nguyễn Văn Lượm, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Trưởng Ban vận động từ thiện xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) âm thầm thực hiện hơn 27 năm qua.

Ông Nguyễn Văn Lượm mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng câu chuyện về những phẩm chất cao đẹp của Bác Hồ, nhất là tấm lòng nhân ái bao la của Người. Noi gương Bác, những năm qua, ông dành phần lớn thời gian cho công tác từ thiện, vận động bà con đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông, góp phần thay đổi diện mạo vùng quê ngoại thành. Đặc biệt, ông là người có công đầu trong công tác vận động mua xe cứu thương, thành lập phòng thuốc nam, nhằm chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân. Hai chiếc xe cứu thương trị giá trên 640 triệu đồng mà ông cùng với thành viên Ban Vận động từ thiện và Ban Trị sự phật giáo Hòa Hảo vận động mua được cách đây gần một năm đã giúp nhiều bà con bệnh nguy cấp được đưa đi cấp cứu ở các bệnh viện tuyến trên nhanh chóng, kịp thời. Ông Lượm tâm sự với chúng tôi, trước đây, khi chưa có xe cứu thương từ thiện, đa số bà con bị bệnh nặng cần cấp cứu chủ yếu đi bằng xe “hon - đa ôm”, nên không ít trường hợp bệnh nặng hơn hoặc không được cứu chữa kịp thời. Trung bình mỗi tháng, đội xe cứu thương chở bệnh nhân lên các bệnh viện ở TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh từ 40 – 50 chuyến.

Như là phản xạ tự nhiên, nghe tiếng chuông điện thoại nhờ hỗ trợ xe cứu thương là ông khăn gói nhảy lên xe và trong lòng sốt ruột không kém người thân của mình bị bệnh. Dù là những chuyến chở bệnh giữa khuya, lúc hừng sáng hoặc giữa trưa, ông không nề hà ngại khó mà tích cực giúp đỡ các gia đình đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời. Rồi cũng chính ông tình nguyện đón bệnh nhân trở về trong niềm vui của người thân, họ hàng. Với ông, cái bắt tay cảm ơn và nụ cười đoàn viên của gia đình bệnh nhân làm ông cảm thấy ấm lòng và thôi thúc ông tiếp tục những công việc thiện nguyện.

Với tâm nguyện noi theo tấm gương nhân ái của Bác, làm nhiều việc “tốt đời, đẹp đạo”, ông cùng với Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ xã xây dựng 3 phòng thuốc nam ở các ấp Phước Trung, Thạnh Xuân và An Lợi. Các phòng thuốc này có hàng trăm loại thuốc nam, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh không chỉ của bà con trên địa bàn xã, mà còn phục vụ người dân một số tỉnh lân cận, như: Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang… Hiểu được ý nghĩa này, có trên 60 người tình nguyện sưu tầm các loại thuốc nam để phục vụ đông đảo người bệnh. Kể từ khi các phòng thuốc nam thành lập, người dân rất phấn khởi vì có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ông tâm sự: “Mình còn sức khỏe nên làm được việc gì giúp ích cho người dân, tôi nguyện sẽ cố gắng hết sức. Tôi càng vui hơn khi ngày càng nhiều người, trong đó có nhiều thanh niên tham gia các hoạt động từ thiện, giúp ích cho xã hội”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông cho rằng để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tạo sự lan tỏa trong hội viên, trong các cuộc họp lệ của Hội Chữ thập đỏ xã, Ban Chấp hành Hội đều lồng ghép tuyên truyền, kể những mẩu chuyện về Bác Hồ. Đồng thời, phát động cho các Tổ hội đăng ký thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những công trình, phần việc cụ thể. Nổi bật là mô hình xây dựng 32 địa chỉ nhân đạo ở các ấp trên địa bàn xã. Qua đó, có 32 hộ gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, như: người già neo đơn, khuyết tật, hộ nghèo được hỗ trợ từ 10 – 12 kg gạo/tháng. Trong các dịp lễ, Tết, Hội Chữ thập đỏ xã hỗ trợ từ 5 – 7 tấn gạo và cứu trợ gần 12 tấn gạo cho các trường hợp khó khăn đột xuất. Những trường hợp khó khăn về nhà ở, ông vận động mạnh thường quân hỗ trợ cây cối xây dựng, trung bình mỗi năm hỗ trợ gần 30 hộ dân. Bên cạnh đó, ông Lượm còn đề xuất thành lập trại hòm từ thiện để hỗ trợ những hộ nghèo không có điều kiện lo hậu sự cho người thân qua đời. Có thể giá trị những phần việc, phần quà chưa nhiều, nhưng nghĩa cử cao đẹp của ông đã góp phần động viên bà con vươn lên trong cuộc sống.

Không chỉ vậy, nhiều năm qua, ông cũng là hạt nhân tập hợp hội viên, bà con nhân dân trên địa bàn đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông, góp phần tạo điều kiện cho bà con lưu thông thuận lợi. Ông cùng chúng tôi tham quan cầu Hòa Phú Tự và cầu giao thông nối ấp Phước Lộc – Thạnh Hòa. Hai công trình này trị giá hơn 800 triệu đồng, do người dân đóng góp xây dựng. Nhìn dòng xe máy qua lại, ông Lượm phấn khởi: “Từ khi công trình hoàn thành, bà con vui lắm, các cháu học sinh cũng đi học thuận tiện và an toàn hơn. Từ nay, không còn cảnh “qua sông phải lụy đò”. Hết “gõ cửa” để vận động chi phí xây cầu, bà con xóm giềng lại thấy ông tất bật vận động hội viên và thanh niên địa phương tham gia xây dựng đường sá. Để làm gương cho các bạn trẻ, ông cũng xắn tay lao động cùng thanh niên…

Chia tay chúng tôi, ông phấn khởi cho biết mới sắm được chiếc xe tải 995 kg, trị giá gần 200 triệu đồng, do một số doanh nghiệp hỗ trợ. Tuy mới mua đầu năm nay, nhưng xe đã nhận chở hàng hóa miễn phí (hoặc giảm giá) cho hàng trăm lượt hộ dân hoàn cảnh gia đình khó khăn có nhu cầu chuyển nhà, vật dụng. Nói về các hoạt động từ thiện, ông chia sẻ: “Tấm gương của Bác là bài học lớn để mỗi người học tập và rèn luyện suốt đời. Học Bác không phải là điều gì quá cao xa, theo tôi việc học tập và làm theo tấm gương của Bác chỉ cần bắt đầu từ những việc thường nhật trong cuộc sống”.

Ghi nhận những đóng góp của ông đối với cộng đồng, xã hội, tháng 5-2013, ông Nguyễn Văn Lượm vinh dự được Huyện ủy Cờ Đỏ tuyên dương là một trong những cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

     Bài, ảnh: QUỐC THÁI

 

Chia sẻ bài viết