20/08/2017 - 15:49

Sóng quê mình 

Truyện ngắn HOÀNG KHÁNH DUY

Một buổi sáng chớm lạnh, tôi cùng đồng nghiệp thăm chợ nổi. Hướng dẫn viên mặc bộ áo bà ba, tay cầm loa đứng trước mũi nói vọng với đoàn chúng tôi về văn hóa chợ trên sông. Tôi ngồi ở hàng ghế đầu tiên trên chiếc tàu du lịch, cạnh Nam. Sau lưng tôi đồng nghiệp ngồi kẽ hạt dưa, nói cười rộn rã. Tôi mơ màng nghe sóng đánh phần phật vào thành tàu, nước văng tí tách. Nhìn ngọn khói lởn vởn trên mặt sông êm ả tan vào sóng nước tự dưng lòng buồn man mác. Nam buột miệng:

- Nữa thất nghiệp về đây sắm ghe đi bán hàng bông chắc cũng vui.

Tôi nhìn Nam, cười. Tôi biết Nam đùa chứ sao bỏ phố mà đi được. Phố với Nam và cả với tôi nữa, như một phần cuộc sống, tâm hồn. Chúng tôi không được sinh ra ở phố, phải trải qua những năm tháng đoạn trường nhân gian rồi mới đến và hòa mình được vào nhịp sống phố.

***

Tôi từng là người quê, lang bạt trên trăm ngả dòng sông nên tôi thấu hiểu nỗi niềm của người thương hồ phiêu lưu sông nước. Trong miền ký ức xa ngái, tôi nhớ lại những đầm ấm hạnh phúc và mất mát thương đau. Ở đó, ba con người xúm xít trên chiếc ghe cũ chở đầy hàng bông, gạo, củi. Ba tôi dong ghe đưa mẹ con tôi qua những khúc sông dập dềnh sóng trắng, đi mãi mà không đến được bờ đất quê hương. Ghe là nhà, thương hồ tứ xứ là láng giềng của tôi. Mỗi lần ba cho ghe đậu lại một bến chợ nhộn nhịp nào đó là tôi cứ ru rú trong mui ghe. Mẹ hỏi thì tôi khe khẽ trả lời:

- Thôi mẹ, ra ngoài đó làm gì. Mai mốt đi chỗ khác lại nhớ…

Tôi vẫn nhớ ngày cả nhà quyết định bán mảnh đất hương hỏa để trả nợ, cũng lần đầu tiên trong đời ba khóc. Tài sản quý giá nhất còn lại là chiếc ghe cũ kỹ neo đậu bến sông qua bao mùa mưa nắng. Ba gửi người ta đi chợ mua đồ về vá lại chiếc ghe. Mẹ tôi lúi húi dọn đồ đạc xuống ghe: sóng chén, mấy cái nồi, cà ràng bằng đất, một ít quần áo cũ mẹ đựng trong bao ni-lông… Ba gỡ dây buộc ghe, chống sào rời bến sông quê. Má đứng trước mũi ghe, nhìn mảnh đất, ngôi nhà, mà ứa nước mắt. Hồi ấy còn nhỏ, tôi đâu biết đó là chuyến đi mãi không về. Chiếc ghe xa dần bến cũ, ngoái đầu nhìn lại tôi vẫn còn thấy rõ bến sông quen, chỗ mẹ tôi thường ngồi giặt đồ rửa chén. Tự nhiên tôi khóc.

Trời vừa chạng vạng, bầu trời mênh mông vằng vặc mấy ngôi sao cô độc soi xuống mặt sông từng vệt sáng. Ba tôi giựt máy cho ghe chạy ra chợ Ngã Bảy cân hành hẹ, rau cải, dưa cà… rồi chạy về bán dạo dọc đường. Thấy chợ là mẹ kêu ba neo ghe lại “nhóm cho vui”, sẵn tiện bán được đồng nào hay đồng đó. Có hôm bán ế, mẹ bưng sịa hàng bông lên bờ nhóm chợ. Còn ba con tôi chạy ghe rong ruổi theo các nhánh lẻ dòng sông, ở mũi ghe có cái cây phía trên treo chi chít rau quả.

Tới nay tôi vẫn nhớ những chiều cuối năm gió bấc thổi từ vàm sông nghe se sắt thịt da. Mấy ghe hàng vội vã dọn đồ đạc để về quê ăn Tết. Mùi khói nhang thoang thoảng trên mặt sông, từng cụm khói theo gió bay nhè nhẹ trước mũi ghe, tan nhanh vào từng cánh sóng. Trên bờ, tiếng con trẻ nô đùa rồi í ới gọi nhau khoe quần áo mới. Các cụ già trải chiếu ngồi dưới gốc cây uống nước trà rồi rôm rả chuyện vụ mùa. Nhà ai nô nức nói cười, tiếng dao nhịp nhàng chặt thịt gà trên chiếc thớt mù u vang ra tận ngã ba sông. Nhìn đám đông hí hửng trên bờ, ngang qua chỗ ghe tôi neo đậu, tự dưng tôi muốn nhập cuộc. Nhưng rồi ý nghĩ ấy lại vụt mất khi tôi nhận ra những chiếc ghe xung quanh đã về nhà gần hết, chỉ còn lại ghe của nhà tôi với mấy chiếc ghe lẻ loi chắc cùng cảnh ngộ. Mẹ tôi đứng trước mũi ghe, nói:

- Mới đây mà Tết tới nữa rồi, nhanh thiệt.

- Ừ. Mẹ nó nấu mâm cơm cúng ông bà cho có lễ. Đứng đó một hồi cảm bây giờ.

Nghe ba nói, mẹ lúi húi chui vào trong ghe, tựa lưng vào vách, gọt mướp. Ba ngồi sau lái ghe rít thuốc. Trời trở lạnh, cơn ho của ba cứ tái đi tái lại. Mẹ bưng cho ba tôi ly trà nóng “uống cho ấm bụng”.

- Tết này mình có về nhà không mẹ. Mấy năm rồi không về, con nhớ nhà quá.

Tôi đang nằm võng trong ghe, ngồi bật dậy, vừa chải mái tóc rối bù, vừa hỏi mẹ. Mãi đến bây giờ tôi cũng không hiểu sao mình lại hỏi một câu tàn nhẫn như vậy. Ba mẹ tôi thinh lặng.

Cơm nước xong xuôi. Mẹ bưng mâm cơm ra trước mũi ghe, ba tôi thắp nhang khấn vái lầm thầm. Tôi đứng lặng. Trong phút chốc, tôi cảm thấy một chút gì thiêng liêng len lỏi trong sâu thẳm tâm hồn. Ai đó đã từng nói với tôi dòng nước cưu mang nhưng dòng nước cũng trở thành sóng dữ. Trẻ con thương hồ lang bạt chỉ biết tròn mình theo giấc mơ cha mẹ “Ráng đi con, mấy năm nữa thôi là được lên bờ rồi, khỏi lênh đênh nữa…”. Chiều nay bìm bịp kêu chiều, nghe buồn khắc khoải. Tự dưng tôi nhớ cảnh nhà xưa, nhớ chái bếp sau nhà chiều ba mươi mẹ tôi nấu cơm, kho thịt, khói bếp dờn dợn rồi nhẹ nhàng bay ra cánh đồng năm cũ, bóng ai lững thững đi về. Phía chân trời ba mươi có hoàng hôn tím ngát…

Vừa nhớ quê nhà, tôi vừa đứng trên ghe nhìn xuống mặt sông trôi đầy xác dưa xác mận. Thường thì chiều nay, ghe nào bán hết thì mừng, ghe nào ế hàng thì cũng “bán đổ bán tháo”, bán không hết thì cũng quăng xuống sông để còn về nhà ăn Tết. Năm nào cũng vậy, người ta dong ghe về hết mà gia đình tôi vẫn còn neo lại bến sông “ăn Tết thương hồ”. Có lúc chạnh lòng, ngồi nhìn chiều rũ xuống mặt sông mà buồn buồn tủi tủi, mủi lòng nước mắt rơi hồi nào không hay.

Tết ghe nhà tôi không hạt dưa, không bánh mứt ngọt lành, không nồi thịt kho tàu cũng không pháo hoa rì rầm trước cửa. Dưới ghe chỉ có vỏn vẹn khạp dưa cải muối chua mẹ làm hôm trước. Ba ngồi sau ghe, nhâm nhi cút rượu cho ấm bụng rồi nhóp nhép nhai dưa cải. Lâu lâu, ba khà một tiếng rồi lại thở dài thườn thượt.

Tôi nằm nghe tiếng muỗi vo ve rồi thiếp đi hồi nào không hay. Đến khi tôi giật mình thức dậy thì thấy mẹ đang rót nước cúng giao thừa, lấy gạo muối cúng thần sông thần nước. Tôi lim dim rồi ngủ một giấc cho tới khi con gà của ai đó trên bờ gáy vang một tiếng gọi bình minh.

***

Bây giờ, tôi lại trở về khúc sông năm nào. Ba tôi không còn. Ba ra đi vì bạo bệnh, trong một đêm mưa. Ba mất, mẹ để ba nằm trong mui ghe, lấy cái mền cũ đắp cho ba đỡ lạnh rồi từ từ vuốt mắt cho ba. Tôi ngồi ôm chân ba khóc mướt. Mẹ nói:

- Thôi con, số ba con khổ, sống tới đây thì để ba con nhẹ nhàng ra đi. Khóc làm gì cho ba con vướng víu nợ trần. Hồi còn sống có ngày nào được vui, chết thì hết nợ trần ai.

Mẹ đốt nhang cắm trước mũi ghe rồi giựt máy xuôi về quê mẹ. Mưa đêm mịt mù phủ giăng, chiếc ghe như xé tan màn đêm đưa ba về quê ngoại. Mấy cây nhang cắm trước mũi ghe đo đỏ trong phút chốc bỗng sáng rực thành những ngọn lửa chỉ đường cho mẹ chở ba về nơi an yên, về với đất.

Ba mất, mẹ về ở hẳn nhà ngoại để gần gũi mộ ba. Tôi may mắn được một người bà con cho ở nhờ, cộng với số tiền bấy lâu nay ba mẹ dành dụm cho tôi được lên bờ, nên có đủ điều kiện ra phố học. Rồi tốt nghiệp, rồi đi làm. Tôi đón mẹ lên thành phố, nhưng mẹ không chịu, mẹ muốn chăn sóc ngoại tôi lúc trăm tuổi, coi chừng mộ ba tôi. Cuộc đời tôi từ ấy như cánh chim thiên di, bay đi khắp vùng trời mới. Chỉ có khúc sông khi xưa ghe thương hồ của ba mẹ tôi neo đậu là tôi chưa có dịp trở về.

***

Rồi sương sớm cũng tan, trong một sớm mai đầy nắng, tôi thấy khúc sông xưa tấp nập ghe thương hồ. Tôi biết trên những chiếc ghe đó, chở đầy những nhọc nhằn, nhưng cũng đầy mơ ước về ngày những đứa trẻ từ ghe sẽ bước lên bờ, học hành và vươn xa…

Chia sẻ bài viết