21/10/2017 - 18:57

Sông ngòi ĐBSCL trong sách xưa 

Trên vùng đất Nam bộ ngày nay, hàng nghìn năm trước là nơi  chịu cảnh thiên tai nghiệt ngã: biển lùi. Dấu tích hãy còn hằn sâu vô vàn hang lỗ dài theo những vách núi đá vôi vùng ven biển, chứng tỏ trước đó đã từng trải qua một cuộc thay đổi địa chất, để rồi sau đó đồng bằng Cửu Long được kiến tạo, nhờ hạ lưu sông Mê Công. Cụ thể là hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang đem nước ngọt và phù sa bồi đắp, ban tặng sự sống cho con người trên vùng đất mới.

Đọc lại sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức phần viết về hai con sông lớn ấy, có thể hình dung phần nào diện mạo thủy hình và sự trù phú đồng bằng từ hàng trăm năm trước. Về Tiền Giang thì “Thế nước ôm quanh cồn nọ, dựa theo bến kia, chảy vào ngòi này, chia ra nhánh khác, nhiều dòng xuyên qua Hậu Giang, ngó xuống trước trấn Vĩnh Thanh như là một biển sao lấm chấm.

Nhiều sông giao hội cùng nhau, nên dân xứ ấy thiện nghệ đi sông, không ghe thuyền thì không giao thông được. Nước ngọt dầm thấm ruộng nương, khi làm lúa thì bừa ruộng vãi giống, mà khi thu hoạch bội đến trăm phần. Còn trong vườn thì có nhiều cau trầu, dưa quả, dầu gai; mương ngòi thì đầy cả cá, tôm, lươn, trạch; những vật ấy đủ làm gia dụng, khỏi mua nơi chợ. Dân gia trước vườn sau ruộng đều có sản nghiệp làm ăn quanh năm, quả là một nơi phú túc”. Còn Hậu Giang được mô tả: “Dầm thấm cả ruộng vườn các nơi, bao hàm cả cồn bãi bờ bến, làm nguồn thủy lợi rất lớn, lúa gạo cá tôm dùng ăn không hết”.

Không gian đờn ca tài tử về đêm trên sông nước An Giang. Ảnh: DUY KHÔI

Là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, Mê Công bắt nguồn từ Tây Tạng, với độ dài 4.200km, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia rồi đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Mỗi giây, tuôn xuống 6.000m3 nước, mùa mưa số đó tăng gấp đôi, trong mỗi mét khối ấy có đến 0,5kg phù sa.

Không chỉ lấp biển, sông còn trích một phần phù sa đem ra cửa sông thực hiện công trình lấn biển, bình quân bồi được 60m mỗi năm. Nhờ đó mà nơi được xem là hải cảng (ghi nhận ở Óc Eo An Giang, thời Phù Nam), nay đã chuyển dịch tuốt tận Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau… hình thành một vùng đất đồng rộng sông dài mở mang thêm bờ cõi chúng ta.

Cũng y như tâm tính người đồng bằng, các con sông ở đất Cửu Long từ bao đời nay hiền hòa, ban tặng nguồn lợi thổ sản “trên cơm dưới cá” nuôi sống cư dân bản địa. Từ đầu triều Nguyễn, ông Trịnh Hoài Đức ghi nhận, từ nơi phát nguyên nó “Chảy cuồn cuộn từ phía Bắc sang phía Tây đến Ai Lao qua sông Nam Vang Cao Miên, rồi chia làm 2 sông Tiền Giang và Hậu Giang chảy xuống hướng đông". 

"Tiền Giang chảy qua trấn Vĩnh Thanh rồi chuyển vào nam, quanh trước trấn Định Tường chảy ra cửa biển đại tiểu Ba Lai, chiều dài không biết mấy ngàn muôn dặm: dòng sông cuồn cuộn không dứt, đã sâu lại rộng, nước trong và ngọt, cá tôm bắt dùng không hết; tuy ở thượng lưu của nó thường có nước lụt, nhưng chảy đến Tiền Giang, Hậu Giang thì chảy thông ra sông nhánh hai bên rồi rút xuống các cửa biển, thế nước giảm bớt sức mạnh, nên từ Cao Miên trở lên thì có nạn nước lụt, chứ từ trấn Vĩnh Thanh (đầu trấn là vùng đất An Giang lúc chưa thành lập tỉnh) trở xuống, đến mùa lụt chỉ có nước thủy triều dâng lên mà thôi, không có sự lo tràn ngập gò đống dân gia”.

Ở Nam bộ, nhiều lễ hội gắn với nếp sinh hoạt sông nước. Trong ảnh: Người dân Cần Thơ tham gia lễ Tống Phong trên sông Hậu. Ảnh: DUY KHÔI

Nhà học giả Nguyễn Hiến Lê nhân đi thực tế “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” đã thác lời sông Cửu Long, kỳ vọng thế hệ thụ hưởng hôm nay cho dù hoàn cảnh có khó khăn bực nào cũng phải hết sức ý thức giữ gìn “của báu” trong tinh thần đầy trách nhiệm: “Các anh nhận được tôi không? Tôi là sông Cửu Long đây mà. Tôi với tổ tiên các anh vốn có duyên tiền kiếp, cùng ở phương Bắc, kẻ Tây, người Đông… Tôi tới và chờ đợi tổ tiên các anh, vì biết trước tôi với dân tộc Việt tất có ngày hội ngộ trên đất này".

"Trong khi chờ đợi, ngày đêm không nghỉ, tôi xoi mòn đất đá của 5 xứ, từ Tây Tạng tới Cao Miên, cho hóa ra phù sa bồi lấp Nam Hải thành cánh đồng phì nhiêu này để tặng dân tộc các anh đấy. Công việc bồi đắp gần hoàn thành và hai trăm năm trước, tổ tiên các anh đã tới. Cái ngày gặp nhau đó vui làm sao! Trăng cũng vằng vặc như đêm nay. Tôi dưng lên vỗ vào chân họ, róc rách để ru họ. Họ cúi xuống múc tôi, vừa uống vừa rửa mặt. Có những ông già tóc bạc phơ ngâm thơ chào tôi; có những chàng thanh niên múa gươm hứa với tôi sẽ đổ máu để giữ gìn công phu của tôi là cánh đồng này. Những trang anh hùng ấy đã giữ lời hứa”.

Sông Cửu Long, đồng bằng Nam Bộ từ bao đời nay và mãi mãi vẫn là kho báu mà thiên nhiên đã riêng dành cho chúng ta. Hơn ai hết, dưới sự quan tâm định hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của giới chức có trách nhiệm, người dân đồng bằng từ bao đời nay, cho dù phải nửa năm đi trên mặt nước cũng không lấy đó làm phiền mà vui mừng là khác, bởi vào thời điểm ấy đâu chỉ phù sa bồi lắng ngập đồng, mà cá tôm cũng không sao ăn hết. Đến khi nước giựt cạn, phải đối mặt với nghiệt cảnh sáu tháng đạp trên đất đồng khô, nhưng với óc thông minh và tính cần cù trong lao động sản xuất, có thể nói đâu đâu cũng lúa bắp vàng đồng, rau màu xanh tốt.

Như một kỳ tích, từ hoang cảnh vùng đất “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn, xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma”, thế mà tiền nhân ta bằng vào ý chí khắc phục mọi gian khó, cộng cùng tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau vượt qua những ngày đầu vật lộn với sơn lam chướng khí, thú dữ bạo hành… Lưu dân đổ mồ hôi, nước mắt và máu mới kiến tạo được một đồng bằng trù phú, đồng thời ra sức bảo vệ nguyên vẹn thành quả chuyển giao lại cho đời đời con cháu mai sau.

Như lời ký thác của một dòng sông được học giả Nguyễn Hiến Lê nhân cách hóa trong “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”: “Song của càng quý thì càng có nhiều kẻ tranh. Tổ tiên các anh đã phải hy sinh nhiều, các anh còn phải hy sinh nhiều nữa mới khỏi phụ công phu trong mấy trăm ngàn năm của tôi. Khéo mà giữ lấy nhé! Ráng mà giữ lấy nhé! Hoàn cảnh có khó khăn bực nào, hễ biết đoàn kết là sống. Đừng bao giờ để người ta chia rẽ”.

Nhờ biết tôn trọng quy luật tự nhiên, biết sống thân thiện với môi trường, nên cuộc sống cư dân trên vùng đất tân bồi này tuy chỉ mới mấy trăm năm tuổi nhưng đã bắt nhịp và theo kịp cái nôi văn hiến mấy ngàn năm của dân ta. Trong ý hướng dồn sức hành động thích nghi biến đổi khí hậu, đồng bằng Cửu Long không chỉ sẽ khắc phục được mọi trở lực, mà sức sống sông ngòi đồng bằng cũng sẽ tạo những bước phát triển ngoạn mục cho đời sống cư dân.

NGUYỄN HỮU HIỆP

Chia sẻ bài viết