13/04/2007 - 10:38

Sống "du cư" giữa trùng khơi

Đảo rộng chưa đầy 4 cây số vuông. Tháng 8 đã sang mùa mưa bão. Những ngày biển động, trở gió, sóng biển hung hãn nhào qua ghềnh đá, hất tung những căn nhà nơi làng chài ven biển. Những đợt ấy, cả làng lại dời nhà, “du mục” sang những ghềnh đá khác trên đảo, dựng lại nhà, tựa lưng vào đảo để tránh gió và sóng dữ. Kiểu sống ấy của làng đã thành nếp từ hàng chục năm nay ở đảo Hòn Chuối thuộc vùng biển Tây Nam, cách thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) 18 hải lý về phía Tây.

MỖI NĂM, 3 LẦN DU CƯ

Một ngôi nhà của người dân trên ghềnh đá ở đảo Hòn Chuối 

Những mái nhà gỗ lô nhô tạm bợ trên ghềnh đá ven biển từ lâu. Làng được hình thành từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng đến nay chưa ai đặt tên. Một hộ, hai hộ… đến bây giờ đã có 49 hộ với 189 khẩu sinh sống. Để có được con số ấy, chúng tôi phải hỏi cán bộ Đồn Biên phòng 704 đóng quân trên đảo Hòn Chuối.

Ở đảo đã trên 12 năm, giờ nhắc lại những ngày đầu ra đảo, ông Tư (tên thật là Kim Ngọc Lý), dân tộc Khmer, một trong những hộ đầu tiên ra đảo, vẫn còn nhớ như in chuyện đi khai hoang. Ông kể: “Lúc đó, đảo hoang sơ, toàn đá là đá. Đất khai hoang được, trồng rau, đậu nhưng rồi cũng thất bát vì thiếu nước. Ai cũng bỏ cuộc, theo nghề đánh bắt cá”.

Vừa rồi, ông Tư được chính quyền thị trấn Sông Đốc trợ cấp 7 triệu đồng để làm nhà gỗ. Cả làng này có 3 hộ Khmer được trợ cấp theo chính sách của Nhà nước. “Để tránh sóng, tôi phải làm nhà cao trên đầu ghềnh đá. Như thế sóng chẳng vươn đến được” - ông Tư vừa lúi cúi bào thanh gỗ, đóng cửa sổ mới vừa trò chuyện với tôi.

Tránh sóng, nhưng đâu tránh nổi gió và bão từ biển. Đến mùa trở gió, căn nhà gỗ được đóng khá cực khổ ấy lại được những bàn tay gân guốc của ông Tư tháo bung ra từng mảnh, chất lên xuồng, chuyển sang ghềnh khác. Cả cái làng chài trên đảo này ai cũng làm vậy. Mỗi năm, cả làng phải dời nhà 3 lần. Theo mỗi mùa gió, nhà lại được tháo dỡ chuyển qua Ghềnh Nồm (hướng Tây Nam đảo), rồi qua ghềnh Nam (hướng Nam đảo), rồi lại vòng ngược về ghềnh Chướng (hướng Đông Bắc đảo). Ông Tư buông một câu: “Cực, nhưng đâu cãi được ý trời”.

Cảnh “du cư” của làng chài đẩy cuộc sống của những người dân ở đây vốn đã nghèo ngày càng nghèo hơn. Giữa tháng 7 vừa rồi, các hộ dân chênh vênh trên Ghềnh Nam tất tả sửa, chằng chéo lại nhà chống gió. Con cá, con mực nơi bờ biển quanh đảo mấy mùa rồi khai thác ngày càng cạn kiệt. Đầu mùa mưa bão, biển động, gió quất ràn rạt. Dân làng chài trú trong những căn nhà gỗ ọp ẹp trên ghềnh đá, nhìn ra biển động mù xa đầy sóng và gió… Tránh được bão, giữ được nhà là may, mấy ai dám đưa ghe ra khơi.

NHỮNG MẢNH ĐỜI GIỮA TRÙNG KHƠI

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Nhuần. Vừa ngồi đan lại cái lưới đã rách tươm anh Nhuần vừa nói với chúng tôi: “Trước đây, cả làng không có bác sĩ. Có trường hợp phụ nữ mang bầu, không kịp mang vào đất liền, đẻ rớt. Giờ đây, phụ nữ có bầu muốn sinh con phải vào đất liền mướn nhà trọ ở mấy tháng trời để chờ sinh con. Khi đứa bé cứng cáp thì lại đưa ra đảo. Sống ở đảo, việc chuyển nhà tránh sóng, tránh bão là nỗi lo thường trực. Riêng nhà tôi, có lần nhà vừa làm xong, tối đang ngủ, trời nổi gió, sóng cuộn vào vách đá, đẩy luôn cả nhà xuống biển, may mà người không việc gì. Lại phải vào bờ mua cây ra làm lại”.

Người dân trên đảo bị các bệnh thông thường hay phải cấp cứu đều nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 704 và Trạm Ra đa S15 (Vùng E Hải quân) giúp đỡ. Khổ nhất là khi biển động kéo dài. Làng chài heo hắt, tơi tả trong bão gió, hết gạo, thực phẩm dự trữ… Những dịp như vậy, Đồn Biên phòng và Trạm Ra đa của hải quân trên đảo lại tiếp tế lương thực và thực phẩm bà con mới cầm cự, vượt qua khốn khó.

Chúng tôi đến nhà chị Triệu Cẩm My lúc chị đang ngồi bó gối, ôm đứa con nhìn ra biển với ánh mắt xa xăm. Chị My ra đảo đã 11 năm. Trong thời gian ấy, cuộc đời chị cũng đầy giông gió như giông gió biển khơi. Chị ra cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Năm. Lúc đó, bà Năm và chồng là Nguyễn Văn Chiến cùng 3 đứa con gái ra đảo mưu sinh vì có một thửa ruộng trên đỉnh Hòn Chuối được ông cậu khai hoang để lại. Ở đất liền không đất, đói khổ. Ra đảo, dẫu sao có vài công đất, cũng mong một điều gì đó để đổi đời giữa biển. Lúc ra đảo, cả Hòn Chuối chỉ mới có 3 hộ. Ông Chiến cùng các con vỡ đất trồng lúa, trồng bắp đậu, bí. Liên tục 2 năm thất bát. Chịu hết nổi, họ lục tục kéo nhau xuống ghềnh đá, mưu sinh nhờ đánh bắt chài lưới những con cá ven bờ. Cuộc sống cứ trải dài cho đến hôm nay. Bà Chiến có 3 người con. Trong đó có một người đã rời đảo, theo chồng về Bắc. Đó là Triệu Cẩm Hà. Chồng Hà là lính hải quân đi nghĩa vụ ở đảo. Họ bén duyên và nên vợ nên chồng. Bà Năm nói: “Nó theo chồng về Bắc. Cũng đã 7 năm nay mới về một lần. Nhớ con, nhưng cũng mừng cho nó. Không phải sống kiếp đời khổ cực, vất vả trên đất đảo”.

Chị My giờ đã lấy chồng. Chồng chị là Võ Tấn Đạt, vốn dân làm mướn. Anh Đạt ra đảo, gặp và quen My, rồi họ thành vợ thành chồng, ở lại luôn trên đảo. Chị My nói: “Lấy nhau từng ấy năm, có 2 mặt con. Vậy mà đã làm khai sinh đâu. Cả cái làng này, bé lít nhít chẳng có đứa nào làm khai sinh cả. Muốn làm phải về quê, phải khai báo, phải làm thủ tục. Vì thế, lên đảo, cũng đừng ngạc nhiên, có không ít em lớn tồ tồ vậy mà vẫn chịu cảnh nằm ngoài hộ khẩu”. Chị My có khuôn mặt gầy gò, xương xẩu hao hao như hình hài của đá. Ngày ngày, chị đi vá lưới mướn, gắp câu, xẻ cá phơi khô. Anh Đạt theo chủ tàu đánh bắt cá trên biển xa. Biền biệt 10 bữa nửa tháng mới về nhà. Tất bật vậy mà cũng chẳng bao giờ đủ ăn. Ngày biển động, tàu hàng có khi cả tháng chẳng ra. Mắt cả làng cứ dõi theo biển, mong đợi xa xăm. Cả tháng ấy, những hộ nghèo không dự trữ phải lâm cảnh bữa đói, bữa no.

Trên đảo còn khá nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học không biết chữ. Em Nhi, con của chị Triệu Cẩm Nhu, 11 tuổi rồi mà nhỏ như đứa trẻ lên 8. Em chạy từ ghềnh đá này sang ghềnh đá khác giúp bà ngoại phơi cá khô. Khi mẹ Nhi mang thai Nhi thì cũng là ba Nhi bỏ đi mãi mãi không về, sinh sống và lấy vợ khác ở miền đất khác. Nhi được sinh ra trên đảo, chưa được khai sinh, chưa được làm hộ khẩu và lo phụ gia đình, không biết chữ vì chẳng được đến trường. Ngồi cầm cuốn tạp chí, em cứ lật qua lật lại những trang báo. Nhìn vào những dòng chữ như ước mong một điều gì đó. Trong tôi se sắt, mông lung.

Trên đảo Hòn Chuối có 4 cơ quan nhà nước đứng chân gồm: Đồn Biên phòng, Trạm Hải quân, đơn vị Hải đăng và Trạm Kiểm lâm Sông Đốc. Tàu khách không có, việc đi lại của người dân và cán bộ công tác ở đảo rất khó khăn, thường phải xin quá giang các tàu đánh cá có hướng đi ngang đảo Hòn Chuối. Mùa biển động, có khi chờ vài ngày mới có tàu ra đảo.

Đồn Biên phòng 704 tổ chức dạy chữ. Nhưng cũng chỉ dạy đến bậc tiểu học. Muốn học lên nữa các em phải vào đất liền. Trung tá Phạm Hồng Quảng, Đồn trưởng Đồn biên phòng 704, cho biết: “Mỗi năm, Đồn tổ chức 2 lớp phổ cập tiểu học. Giấy chứng nhận tốt nghiệp do Phòng Giáo dục huyện Trần Văn Thời cấp. Tuy nhiên, ở đảo có một số em đã lớn tuổi, lo phụ giúp gia đình, ra khơi đánh bắt cá nên vận động đi học rất khó khăn. Để các em tới lớp đều đặn, cán bộ Đồn phải đến vận động từng nhà, cử cán bộ giúp việc, gánh vác việc nhà để các em đến lớp. Các em đến lớp đều không phải lo đóng một khoản chi phí nào hết, Đồn Biên phòng lo chi phí dụng cụ học tập, phòng học. Sắp tới, Đồn sẽ tập trung vận động các em lớn tuổi đến lớp, gắng sức xóa mù chữ cho các em”.

Đại úy Nguyễn Việt Hải, Trạm trưởng Trạm S15 (Vùng E Hải quân) cũng cho biết: Nhiều năm qua, cán bộ chiến sĩ của trạm và lực lượng biên phòng luôn gắn kết, giúp đỡ bà con tạm cư trên đảo với khả năng cao nhất. Những mùa trở gió, trừ kíp trực, cán bộ, chiến sĩ của trạm và Đồn Biên phòng 704 đều xuống giúp bà con tháo dỡ, di dời nhà cửa, ổn định cuộc sống. Mùa biển động dài ngày, dân đói, trạm cũng chia sớt phần lương thực thực phẩm cho dân. Cơn bão số 9 cuối năm 2006, do dân không nắm được thông tin, chúng tôi và cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 704 phải dốc sức đưa dân ra khỏi ghềnh đá, lên chỗ an toàn trên đỉnh đảo, ở tạm trong trụ sở của Trạm. Nhờ đó không có thiệt hại nào xảy ra. Rất mong chính quyền địa phương có nhiều sự quan tâm, giúp đỡ hơn nữa cho bà con trên đảo.

TƯƠNG LAI CHO ĐẢO XA

 Bé Nhi mở cuốn tạp chí để nhìn chứ không biết đọc. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Nhà nước đang triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đảo Hòn Chuối, có tổng vốn đầu tư 6 tỉ đồng, do Công ty Tây Hồ (Bộ Quốc phòng) trúng thầu xây dựng. Dự án này gồm 2 gói thầu với những hạng mục công trình như: 2 bến tàu Đông và Tây vốn đầu tư 4 tỉ đồng (gói thầu số 1); đường bậc thang lên đảo, hồ nước ngọt, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, điện năng lượng mặt trời vốn đầu tư 2 tỉ đồng (gói thầu số 2). Khi hoàn thành, dự án này sẽ tạo cho Hòn Chuối trở thành một điểm cung cấp dịch vụ nghề cá, trú tránh bão trên ngư trường biển Tây. Mong rằng, các công trình, dự án xã hội sẽ sớm hoàn thành, giúp người dân trên đảo thoát được kiếp sống du mục, vất vả hàng chục năm qua, mở ra tương lai mới cho đảo nghèo.

Tuy nhiên, các dự án ấy vẫn đang là một tương lai phía trước. Những ngày biển động này, dân làng chài cực khổ, đã nghèo ngày càng nghèo hơn vì sống cảnh “du mục”. Mong ước một mái nhà vững chãi đã đành, mong có nhiều thuyền ghe lớn để ra khơi xa, đánh bắt nhiều cá hay một trường học, trạm y tế… trở thành những mong ước xa vời. Điều ông Tư và người dân nơi đây mong muốn trước hết lại là kế mưu sinh.

“Dân làng chài vốn nghèo. Ghe nhỏ không đánh bắt xa bờ được. Cuộc sống chỉ nhờ chài lưới, đánh bắt ven bờ, quanh đảo. Lâu nay, các ghe lớn cứ ở nơi khác đến vào gần bờ đảo đánh bắt, làm cạn kiệt nguồn cá. Dân chài lấy gì mà sống! Cuộc sống cứ đà này thì chúng tôi cũng không còn tồn tại nổi, huống chi cả làng sống kiếp đời “du cư” quanh năm”. Ông Tư nói với tôi, giọng đắng nghét, nhòa trong tiếng sóng biển buổi chiều tàn.

Phóng sự: ĐẶNG TRUNG KIÊN

Chia sẻ bài viết