09/08/2018 - 09:12

Sống chậm cùng “Dặm dài đất nước”       

“Dặm dài đất nước” là chương trình truyền hình du lịch hoài niệm, đưa du khách trở về ký ức trên chuyến tàu Bắc- Nam để cảm nhận một Việt Nam rất khác trong hành trình theo dấu chân người xưa. Chương trình do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tin tức VTV24 - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, phát sóng lúc 20g5 thứ hai hàng tuần trên VTV1 và 6g50 thứ ba hàng tuần trên VTV3.

Ga xép Cẩm Giàng. Ảnh: cắt từ clip Chuyến tàu của “Hai đứa trẻ”.

Theo tuyến đường sắt Bắc - Nam, một trong những tuyến đường sắt cổ được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, “Dặm dài đất nước” giới thiệu những điểm đến thú vị khắp Việt Nam. 52 tập phim (mỗi tập khoảng 5 phút) phát sóng hàng tuần là những câu chuyện lịch sử, văn hóa hấp dẫn thông qua câu chuyện của các nhân vật (nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, nhà báo, họa sĩ…) và trải nghiệm của họ ở mỗi tuyến. Chương trình khắc họa đặc trưng văn hóa vùng miền nơi những chuyến tàu dừng chân, xen kẽ là cảm xúc, hoài niệm của người trải nghiệm chuyến đi.

Tập đầu tiên, Chuyến tàu của “Hai đứa trẻ” mang đến cho người xem những điều thú vị khi tìm hiểu về ga xép Cẩm Giàng trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Ga xép Cẩm Giàng (Hải Dương) là nguyên mẫu gợi nên cảm xúc truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam. Nơi đây còn có tên gọi “thị trấn văn chương” là nơi sản sinh và khơi cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ. Tại ga Cẩm Giàng, hình ảnh ga phố huyện tấp nập dòng khách lên xuống, hay những chuyến tàu đêm khắc khoải gắn liền nhịp mưu sinh của những phận người. 

“Chuyến tàu lịch sử” - ga Hải Phòng là hành trình thứ hai giúp người xem hiểu hơn về ngành đường sắt. Từ Hà Nội đến Hải Phòng được xem là tuyến đường sắt lâu đời nhất Việt Nam, được xây dựng từ năm 1901 và đi vào hoạt động vào năm 1902.  Ngày 21-10-1946, sau khi dự hội nghị Fontainebleau (Pháp) trở về đến cảng Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ga Hải Phòng và khởi hành về Thủ đô Hà Nội. Ga Hải Phòng từ đó trở thành điểm ghi dấu lịch sử và ngày 21-10 cũng được chọn là ngày kỷ niệm truyền thống của ngành đường sắt. Theo ông Khuất Minh Trí, khách mời của chương trình “Dặm dài đất nước”, người đã có hơn 30 năm làm việc trong ngành đường sắt, ga Hải Phòng là một trong 4 nhà ga (cùng Huế, Nha Trang, Đà Lạt) còn giữ nguyên vẹn kiến trúc xưa. Từ ga Hải Phòng, du khách có thể khám phá những công trình kiến trúc gắn liền với lịch sử thành phố Hải Phòng như: Nhà hát thành phố, Bảo tàng thành phố.

“Hành trình về miền khói lửa - Quảng Trị” dần mở ra cho người xem về những hồi ức chiến tranh ác liệt ở chiến trường xưa Quảng Trị, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt của đất nước trong 21 năm. Mảnh đất có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là hai nghĩa trang lớn nhất Việt Nam, mỗi nơi có hơn 10.000 liệt sĩ an nghỉ. Còn “Tuyến hỏa xa trăm năm trong lòng thành phố” dần mở ra cho du khách một Hà Nội xưa với những công trình cổ vẫn còn được gìn giữ cho đến ngày nay.

Với đường sắt, trải nghiệm của du khách sẽ không bó hẹp tại điểm đến mà mở ra những không gian ký ức, những cảm xúc mới về mỗi vùng đất với những nếp sống, văn hóa đa dạng. Từ nhịp sống năng động thành phố tới những vườn thanh long xanh mướt xứ Bình Thuận, từ những triền cát trắng ở Quảng Bình đến cung đường uốn lượn bên núi bên biển trên đèo Hải Vân, nơi gợi cảm hứng sáng tác ca khúc “Tàu anh qua núi” của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, hay những cung đường chiến tranh ác liệt ở đất Bình Trị Thiên…

“Dặm dài đất nước” là những chuyến đi chậm để du khách dừng chân khám phá và cảm nhận được nét đẹp của mỗi vùng đất qua những lăng kính cảm xúc, ký ức đan xen giữa quá khứ và hiện tại.

BẢO LAM

Chia sẻ bài viết