20/10/2010 - 08:35

TỔNG BÍ THƯ NÔNG ĐỨC MẠNH:

Sớm đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng tỉnh kém phát triển

* Đồng chí Phan Văn Sáu được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy An Giang; đồng chí Võ Văn Dũng được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; đồng chí Nguyễn Thành Phong được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre
* TP CẦN THƠ: Lấy ý kiến sinh viên đóng góp văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thư XI của Đảng

Ngày 19-10, tại thành phố Tuyên Quang, Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2010-2015 đã khai mạc. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự có đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá, 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng, tạo ra những biến đổi tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; thực hiện đạt và vượt nhiều mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Tổng Bí thư nhiệt liệt biểu dương những thành tích và tiến bộ mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Bên cạnh những thành tích đạt được, Tổng Bí thư đề nghị Đại hội cần phân tích, làm rõ những mặt còn hạn chế như: Tuyên Quang hiện vẫn là tỉnh kém phát triển; thu nhập bình quân đầu người đạt thấp (bằng gần 60% mức bình quân của cả nước); còn 8/28 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu Đại hội XIV đề ra; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp còn chậm; các ngành dịch vụ phát triển chưa mạnh; các doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao. Chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đời sống của đồng bào tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang còn nhiều khó khăn...

Trao đổi về nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Tổng Bí thư yêu cầu Đảng bộ tỉnh xác định rõ mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ cụ thể, khâu đột phá phù hợp với tình hình của tỉnh nhằm sớm đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo và kém phát triển. Đại hội cần phân tích rõ hơn những khó khăn, thuận lợi, đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể sát với tình hình, điều kiện thực tiễn của địa phương tiếp tục đổi mới; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Rà soát, tính toán kỹ các mục tiêu, tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tính bền vững; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; coi trọng xã hội hóa đầu tư để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường. Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có chất lượng cao; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch. Trong quá trình phát triển, cần đánh giá, tổng kết kịp thời, ngành nghề, sản phẩm nào phù hợp với điều kiện của địa phương phải được quan tâm đầu tư phát triển. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi, các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất để tăng giá trị, hiệu quả kinh tế, hình thành các vùng nông - lâm nghiệp chuyên canh, tạo vùng nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến. Quan tâm phát triển ngành nghề trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đầu tư tạo chuyển biến rõ rệt cho các vùng khó khăn, nhất là vùng căn cứ kháng chiến. Tạo bước chuyển mạnh về chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, tập trung giải quyết việc làm, giảm nghèo theo hướng bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng; làm tốt công tác cán bộ, coi trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số...

Đại hội làm việc đến ngày 21-10.

m Sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương và nghiêm túc, ngày 19-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ IX đã bế mạc. Đại hội đã dành nhiều thời gian thảo luận và xây dựng các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong giai đoạn 2010 - 2015. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 gồm 55 đồng chí và bầu 16 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI. Trong phiên họp thứ nhất, BCH đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí, bầu chức danh Bí thư và các Phó bí thư, Ủy ban Kiểm tra. Bí thư Tỉnh ủy An Giang Khóa IX (2010- 2015) vừa được bầu là đồng chí Phan Văn Sáu, sinh năm 1959, Trình độ chuyên môn Đại học bách khoa, Cử nhân chính trị, nguyên là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy An Giang khóa VIII.

* Chiều 19-10, sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã bế mạc. Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy khóa XIV (nhiệm kỳ 2010-2015). Các đồng chí Phạm Hoàng Bê, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Văn Út và Trương Minh Chiến được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 gồm 54 đồng chí. Trong phiên họp đầu tiên, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí. Đại hội cũng bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng gồm 13 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết.

* Ngày 19-10, ngày làm việc thứ hai, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã bầu trực tiếp đồng chí Nguyễn Thành Phong làm Bí thư Tỉnh ủy với 98,28% phiếu tín nhiệm. Bến Tre là một trong 10 tỉnh được Trung ương chọn bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre cũng đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 55 đồng chí. Bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí, bầu ban kiểm tra và bầu 16 đại biểu đi dự Đại hội Đảng cấp trên. Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 20-10.

* Ngày 19-10-2010, Thường trực Ban Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam TP Cần Thơ tổ chức hội nghị lấy ý kiến sinh viên đóng góp văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Tại hội nghị, bên cạnh việc đóng góp tu chỉnh một số câu, chữ, các sinh viên đã tập trung đóng góp nhiều vấn đề bức thiết trên các lĩnh vực. Các sinh viên đề nghị Đảng, Nhà nước cần có chế độ chính sách thỏa đáng nhằm thu hút nhân tài về phục vụ địa phương, tránh tình trạng chảy máu chất xám. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các sinh viên đề nghị các cơ quan chức năng cần có những định hướng lâu dài cho các học sinh THPT trong chọn lựa ngành nghề, tránh tình trạng lãng phí, đào tạo nhiều nhưng nhu cầu sử dụng ít. Các trường đại học, cao đẳng, trung học và địa phương cần tăng cường quản lý tốt sinh viên, học sinh; quan tâm xây dựng ký túc xá, nhà ở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên an tâm học tập tốt; mở rộng đối tượng hỗ trợ vốn vay trong sinh viên; quan tâm phát triển Đảng trong sinh viên... và tạo điều kiện, cơ hội công bằng để sinh viên tìm được việc làm sau khi ra trường. Về vấn đề môi trường, Nhà nước cần có những biện pháp xử lý mạnh hơn những tình trạng nhập “rác” vào trong nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng để chung tay bảo vệ môi trường. Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập, vì thế Đảng, Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, lý tưởng sống. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường quản lý hữu hiệu hơn các dịch vụ Internet, các trò chơi game online, văn hóa phẩm đồi trụy... để không ảnh hưởng đến lối sống của thanh thiếu niên. Về tham nhũng, các sinh viên tỏ ra băn khoăn trước tình trạng một bộ phận cán bộ lãnh đạo tha hóa biến chất, gây mất lòng tin trong nhân dân và đề nghị cần có hình thức xử lý mạnh hơn để giáo dục răn đe. Các sinh viên còn đề nghị Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn hoàn chỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển; cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho các hàng nông sản để đủ sức cạnh tranh với các nước; tiếp nhận công nghệ nước ngoài cũng cần có chọn lọc và lộ trình thích hợp để phát huy hiệu quả trong việc ứng dụng những công nghệ mới...

NHÓM PV TTXVN-THANH THY

Chia sẻ bài viết