05/12/2014 - 21:48

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố:

SÔI NỔI, THẲNG THẮN, ĐÚNG VẤN ĐỀ CỬ TRI QUAN TÂM

Tại kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố, chủ tọa đã chọn chủ đề đúng với các vấn đề bức xúc đang được đông đảo cử tri và đại biểu quan tâm nên có 30 lượt đại biểu tham gia chất vấn - với trên 60 ý kiến - đối với 3 giám đốc Sở Công thương, Nội vụ và Tư pháp. Không khí chất vấn khá sôi nổi, liên tục, nội dung chất vấn có trọng tâm và đúng với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của từng Sở.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương:
KHÔNG ĐỂ XẢY RA THIẾU HÀNG HÓA, NHẤT LÀ CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp. Đại biểu Nguyễn Văn Vinh đặt vấn đề: Vì sao các mặt hàng nông sản của nông dân vào siêu thị còn hạn chế, Sở có biện pháp gì giúp nông dân tìm đầu ra các mặt hàng nông sản? Ông Nguyễn Minh Toại cho rằng, nguyên nhân chính các mặt hàng nông sản chưa vào siêu thị nhiều là do chưa chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; mẫu mã chưa đẹp mắt; khâu bảo quản chưa tốt và chưa có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, các mặt hàng được các siêu thị đón nhận như củ, bún, bánh; còn rau cải, trái cây rất khó vào siêu thị vì đơn đặt hàng của siêu thị chưa nhiều. Sở Công thương đã liên hệ với các siêu thị, chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh để tìm đầu ra cho trái cây, thủy, hải sản...

 

Trả lời thắc mắc của đại biểu Trần Văn Nam về việc nước ta là một trong những nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, nhưng vì sao vẫn nhập khẩu gạo, ông Nguyễn Minh Toại khẳng định: chỉ có khoảng 10 % sử dụng gạo ngoại. Hiện nay, do kinh tế thị trường, nếu gạo ngoại đảm bảo chất lượng, đầy đủ các thủ tục pháp lý thì nhập khẩu, Sở không can thiệp. Đại biểu Nguyễn Phương Thủy phản ánh hiện nay giá xăng dầu đã giảm mạnh, nhưng các mặt hàng thiết yếu và các dịch vụ vẫn còn tăng, gây bức xúc trong dư luận. Ông Toại lý giải: Những mặt hàng thiết yếu tăng là do quy luật cung-cầu; để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, Sở đã mời các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, ký thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL để bình ổn thị trường. Sở cũng theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung-cầu để bình ổn thị trường, không để xảy ra thiếu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Các đại biểu băn khoăn trước tình trạng bán nón bảo hiểm giả, kém chất lượng tràn lan. Ông Toại cho biết, trên địa bàn thành phố không có cơ sở sản xuất nón bảo hiểm, chủ yếu là các cơ sở mua bán. Để đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, các Đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, thu gom, tiêu hủy.

Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Sở Nội vụ:
ĐA SỐ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐƯỢC BỐ TRÍ CÔNG TÁC PHÙ HỢP

 

Trả lời câu hỏi của Thường trực HĐND thành phố về thực chất công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2014, ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Kết quả CCHC quan trọng và tích cực nhất năm 2014 là sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tầm quan trọng của CCHC của cán bộ, công chức, viên chức (CCVC); kỷ cương, kỷ luật hành chính nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, ở một số nơi, cử tri và doanh nghiệp vẫn còn than phiền về thủ tục hành chính, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, CCVC. Thường trực HĐND thành phố đề nghị cho biết có hay không tình trạng công chức hành chính “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, ông Trung cho biết: Đa số CCVC được bố trí công tác phù hợp với trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhận, chất lượng giải quyết công việc được đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận CCVC chưa được bố trí công tác tương xứng với trình độ chuyên môn đào tạo, năng lực sở trường nên ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo, chất lượng công việc và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND thành phố nhận xét về phiên chất vấn và trả lời chất vấn:

Tại kỳ họp này, chủ tọa kỳ họp bố trí thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn khá thỏa đáng, giúp đại biểu hỏi, người trả lời rộng rãi thời gian, trình bày hết ý. Một vài đại biểu ngoài chất vấn cũng có truy vấn thêm nhằm xác định trách nhiệm để có giải pháp khả thi hơn trong giải quyết vấn đề có liên quan. Nhìn chung, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND thành phố đạt kết quả khá tốt. Qua chất vấn, cử tri cũng cảm thấy hài lòng vì đại biểu HĐND đã nói lên được tiếng nói của mình.

Đối với giám đốc các sở đã giải trình, đã hứa cần có kế hoạch, lộ trình chỉ đạo tổ chức thực hiện, khắc phục tốt những vấn đề mà đại biểu đặt ra tại kỳ họp này cũng như của các kỳ họp trước mà chưa giải quyết dứt điểm. Qua đó, vừa làm tròn trách nhiệm của mình, đồng thời làm tăng thêm lòng tin của cử tri đối với hệ thống chính trị thành phố.

QT (ghi)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thành Đông về việc chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, CCVC, ông Trung cho biết: Đa số cán bộ, CCVC chấp hành tốt giờ giấc làm việc tại công sở. Tại các thời điểm kiểm tra, có trên 21% cán bộ, CCVC vắng mặt do học nghị quyết, học quốc phòng, học chuyên môn, chính trị, dự họp, do đi công tác, nghỉ phép… Đại biểu Đông hỏi các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường có trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính trễ hẹn không, có gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân không? Ông Trung ghi nhận và cho biết vấn đề này có số liệu cụ thể, nhưng hiện tại ông chưa nắm nên sẽ trả lời sau.

Đại biểu Võ Văn Kha bày tỏ băn khoăn trước phản ánh của cử tri về tình trạng thi tuyển CCVC mang tính hình thức, “nhờ cậy thân quen” để vào làm việc ở cơ quan, đơn vị. Ông Trung cho biết trước đây tuyển CCVC không cạnh tranh nên có thể có trường hợp nhờ quen biết để được vào cơ quan, đơn vị. Từ năm 2014, thành phố thực hiện thi tuyển công chức cạnh tranh, tính công khai, minh bạch cao nên khắc phục được tình trạng “nhờ quen biết”. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lâm Trường Giang hỏi ở Cần Thơ có tình trạng phe cánh, “ô dù” trong tuyển dụng, bổ nhiệm, phân công cán bộ, CCVC hay không? Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Tới giờ này, Sở Nội vụ chưa nhận được phản ánh cụ thể nào liên quan đến hiện tượng như đại biểu chất vấn, nếu có Sở sẽ kiểm tra, xử lý…

Ngoài ra, ông Phạm Việt Trung cũng giải trình những vấn đề đại biểu đặt ra về việc tuyển dụng, bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số; việc chuẩn bị tinh giảm biên chế; kết quả thực hiện Đề án Cần Thơ 150; chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực thành phố…

Ông Huỳnh Quốc Lâm, Giám đốc Sở Tư pháp:
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI DÂN

 

Ông Huỳnh Quốc Lâm, Giám đốc Sở Tư pháp trả lời nhiều vấn đề chủ tọa và đại biểu đặt ra. Theo ông Huỳnh Quốc Lâm, thời gian qua, Sở Tư pháp đã phối hợp tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ các đoàn, hội phục vụ công tác tuyên truyền, vận động việc chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, do ý thức tìm hiểu pháp luật của người dân chưa cao, chế độ bồi dưỡng cho lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cấp xã chưa bảo đảm…nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) còn hạn chế. Sở tiếp tục chú trọng tuyên truyền, PBGDPL cho từng nhóm đối tượng; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền PBGDPL; nhân rộng các sáng kiến về mô hình quán cà phê pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật… Đối với lĩnh vực hộ tịch, ông Huỳnh Quốc Lâm khẳng định vẫn còn tình trạng người dân không đăng ký hộ tịch hoặc đăng ký quá hạn, Sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về công tác này trong thời gian tới…

Trả lời chất vấn của đại biểu Diệp Thị Thu Hồng và một số đại biểu đặt ra về hoạt động của văn phòng công chứng tư (VPCCT) trên địa bàn, ông Lâm, cho biết: Trên địa bàn thành phố có 18 VPCCT, nhờ hoạt động của các VPCCT này đã giảm nhiều áp lực cho các cơ quan công chứng nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động của các VPCCT vẫn còn một số hạn chế, Sở đã xử lý nghiêm những trường hợp để xảy ra sai sót. Thời gian tới, Sở sẽ động viên các công chứng viên phải mua bảo hiểm nghề nghiệp; xây dựng phần mềm dùng chung giúp các VPCCT theo dõi chặt chẽ tài sản đã được công chứng để tránh sai sót. Đại biểu Nguyễn Văn Vinh đặt vấn đề thời gian qua có một số cơ quan, đơn vị đặt thêm thủ tục hành chính, quy trình giải quyết gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn rào cản về thủ tục hành chính… Ông Huỳnh Quốc Lâm cho biết, năm 2014, sở đã kiểm soát và đề nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ 207 thủ tục bất hợp lý, qua đó đã góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Nhóm PV Chính trị

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2015

(1) - Tăng trưởng kinh tế (GDP) 12-12,5%; trong đó: Khu vực I (nông nghiệp - thủy sản) tăng 1,5-1,8%; khu vực II (công nghiệp - xây dựng) tăng 10,5-11%; khu vực III (thương mại - dịch vụ) tăng 14,5-15%.
(2) - GDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 79,3 triệu đồng, tăng 12,8% so với ước thực hiện năm 2014.
(3) - Cơ cấu kinh tế: Trong cơ cấu GDP, tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản chiếm 6,49%, công nghiệp - xây dựng chiếm 35,02% và thương mại -dịch vụ chiếm 58,49%.
(4) - Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ 1.450 - 1.600 triệu USD, tăng 7,4%. Kim ngạch nhập khẩu 420 triệu USD, tăng 10,5% so năm 2014.
(5) -Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được 9.819,3 tỉ đồng (trong đó: thu nội địa 7.026 tỉ đồng). Tổng chi ngân sách địa phương là 8.416,3 tỉ đồng.
 (6) - Tổng vốn đầu tư trên địa bàn 40.000 - 60.000 tỉ đồng, tăng 3,9% so ước thực hiện năm 2014. 
(7) - Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 9,5%0 
(8) - Giải quyết việc làm cho trên 50.000 lao động; đào tạo nghề cho 40.000 lao động.
(9) - Giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo, còn 1,84%.
(10) - Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi: Trẻ vào học mẫu giáo đạt 90%, bậc tiểu học đạt 100%, bậc THCS đạt 88%, THPT đạt 65%. Đầu tư xây dựng thêm từ 50 trường trở lên đạt chuẩn quốc gia.
 (11) - Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 11,1%.
(12) - Công nhận thêm 4 xã, phường, thị trấn văn hóa, nâng tổng số lên 55/85 xã, phường, thị trấn văn hóa, đạt tỷ lệ 64,7% tổng số xã, phường, thị trấn văn hóa.
(13) - Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 70%.
(14) - Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 73,1%, trong đó khu vực nông thôn đạt 56%.
(15) - Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 90%; tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt 100%.
(16) - Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%.

 Q.T (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết