17/09/2017 - 09:35

Lần đầu tiên trong thế kỷ 21

Số người đói trên toàn cầu tăng lên 

Các cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 15-9 cảnh báo sự bùng nổ các vụ xung đột và hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu là những nguyên nhân chính khiến nạn đói trên thế giới gia tăng đột biến trong năm 2016, qua đó đây là lần đầu tiên trong thế kỷ 21, tỷ lệ người đói tính theo dân số toàn cầu tăng lên ở mức báo động cần được giải quyết.

Cảnh xếp hàng chờ nhận lương thực ở Nam Sudan. Ảnh: AP

Đây là nội dung báo cáo năm 2017 được tổng hợp từ các nghiên cứu do 5 cơ quan LHQ phối hợp thực hiện, gồm Tổ chức Lương - Nông (FAO), Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Báo cáo cho biết năm 2016, nạn đói đã gia tăng, ảnh hưởng đến 815 triệu người (tương đương 11% dân số thế giới). Đã có thêm 38 triệu người chịu tác động của nạn đói, trong đó đa số là nạn nhân của tình trạng xung đột bạo lực và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Trong số 815 triệu người bị đói, có 489 triệu người sống tại các quốc gia bị ảnh hưởng của xung đột. Châu Á là nơi có số người đói lớn nhất thế giới với 520 triệu người, trong khi châu Phi có tỷ lệ người đói đứng đầu hành tinh, chiếm 27,4% dân số, tức cao hơn khoảng 4 lần so với bất kỳ khu vực nào khác. Tỷ lệ người đói ở Mỹ Latinh  tăng từ 4,7% lên 6,4%.

Nạn đói đã hoành hành tại nhiều tỉnh của Nam Sudan trong những tháng đầu năm 2017 và có nguy cơ lan rộng đến những khu vực có xung đột, đặc biệt tại miền Đông Bắc Nigeria, Somalia và Yemen.

“Tình hình an ninh lương thực đang tồi tệ đặc biệt ở châu Phi hạ Sahara, Đông-Nam-Tây Á. Sự tồi tệ này chủ yếu bởi tình hình xung đột và xung đột kèm theo hạn hán hay lũ lụt” – báo cáo cho biết.  “Hơn một thập niên qua, các cuộc xung đột tăng lên nhanh chóng về số lượng và trở thành vấn đề bản chất phức tạp không thể giải quyết” – báo cáo khẳng định.

Báo cáo nhấn mạnh: “Đây là hồi chuông cảnh báo mà chúng ta không thể ngó lơ, chúng ta sẽ không thể xóa hết nạn đói và mọi hình thức suy dinh dưỡng vào năm 2030 (mục tiêu mới của LHQ) trừ khi chúng ta giải quyết mọi yếu tố làm xói mòn an ninh lương thực và dinh dưỡng”.

Bên cạnh chiến tranh và biến đổi khí hậu, báo cáo cho rằng sự suy giảm kinh kế toàn cầu cũng tác động đến khả năng tiếp cận lương thực của người nghèo. Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu xuống thấp, nhất là giá dầu, đã làm cho nhiều nước gặp khó khăn trong việc nhập khẩu và trợ giá lương thực cho dân chúng.

Hậu quả của nạn đói khiến khoảng 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị chậm tăng trưởng và 52 triệu trẻ em bị thấp bé. Tỷ lệ trẻ em bị đói và suy dinh dưỡng xuất hiện nhiều nhất tại các khu vực xung đột.

Trong khi đó, khoảng 41 triệu trẻ em bị thừa cân, làm tăng nguy cơ béo phì và bệnh tật ở độ tuổi trưởng thành. Tình trạng thiếu máu ở phụ nữ và béo phì ở người lớn cũng đáng ngại. Những xu hướng này không chỉ là hậu quả của xung đột và biến đổi khí hậu mà còn là tác hại do những thay đổi sâu sắc của thói quen ăn uống và sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế.

ĐỨC TRUNG (Theo Reuters, AP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết