17/07/2011 - 20:39

Sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Sản xuất máy gặt đập liên hợp tại
DNTN Nhựa Hoàng Thắng.

Trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp (DN) luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, thị phần và nguy cơ bị xâm phạm về mẫu mã, kiểu dáng công nghiệp, độc quyền sáng chế sản phẩm. Thực tế cho thấy, kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) ra đời và đi vào cuộc sống, vấn đề hỗ trợ phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ được các ngành chức năng của TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm, nhu cầu tiếp cận các thông tin về SHTT của các DN cũng ngày một cao hơn.

Theo Trung tâm Thông tin tư liệu Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ, qua kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu và thực trạng SHTT đối với 110 đơn vị là các viện, trường, doanh nghiệp, nhà khoa học về nhu cầu và thực trạng SHTT thuộc dự án “Phát triển tài sản SHTT đối với kết quả các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, cho thấy, 100% đơn vị tham gia điều tra nhận định rằng sản phẩm sau khi nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ có tính cạnh tranh cao. Đa số các đơn vị được khảo sát cho rằng, SHTT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển khoa học công nghệ và 91% các ý kiến đồng ý rằng sản phẩm sau khi nghiên cứu được bảo hộ SHTT sẽ có khả năng cạnh tranh cao. Phòng Sở hữu trí tuệ Sở KH&CN thành phố cho biết, trong 6 tháng đầu năm, phòng đã hướng dẫn cho 33 cá nhân, tổ chức thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu và sáng chế, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự quan tâm của các DN về quyền SHTT. Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các DN còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng do công nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên phát triển, gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP Cần Thơ.

Theo bà Trần Thị Thanh Điệp, Trưởng phòng SHTT Sở KH&CN TP Cần Thơ, thời gian qua, Sở KH&CN đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn để tuyên truyền về Luật SHTT, phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình TP Cần Thơ tổ chức chương trình “SHTT và cuộc sống”... Đây là cách để Luật SHTT được các tổ chức, cá nhân, DN quan tâm hơn nữa và thực sự đi vào cuộc sống. Bản thân DN cần phải đăng ký SHTT để tránh trường hợp bị xâm hại, cạnh tranh không lành mạnh. Khi đăng ký bảo hộ cho sản phẩm, bên cạnh đáp ứng các thủ tục theo yêu cầu, DN cũng cần cân nhắc đến vấn đề khai thác thương mại, khả năng ứng dụng rộng rãi của sản phẩm vào cuộc sống.

DNTN Nhựa Hoàng Thắng, phường Tân Hưng, quận Ô Môn là một trong số 2 DNTN hiếm hoi ở TP Cần Thơ được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế cho 3 sản phẩm: dụng cụ gieo hạt, thiết bị phun xịt dung dịch và máy gặt đập liên hợp. Dụng cụ gieo hạt là sản phẩm đầu tiên DN này đăng ký cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 2000. Đến năm 2002, sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng sáng chế. Ông Phạm Hoàng Thắng, chủ DNTN Nhựa Hoàng Thắng, cho biết: “Để cho ra đời một sản phẩm mới đòi hỏi phải có một quá trình tìm tòi, nghiên cứu, đảm bảo sản phẩm làm ra có thể ứng dụng hiệu quả trên đồng ruộng. Vì vậy, khi nghiên cứu và ứng dụng thành công dụng cụ gieo hạt, điều mà tôi nghĩ đến đầu tiên là đăng ký kiểu dáng công nghiệp và độc quyền sáng chế cho sản phẩm. Trước năm 2005, quyền SHTT vẫn còn lạ lẫm với không ít DN nhưng khi quyết định đăng ký độc quyền sáng chế, tôi tin tưởng đây chính là cách để DN tự bảo vệ mình tránh trường hợp sản phẩm bị xâm phạm, làm giả trên thị trường”. Nhờ quan tâm đến vấn đề SHTT từ những ngày đầu thành lập và khẳng định được tính ưu việt của sản phẩm mà nhiều năm liền DNTN Hoàng Thắng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng người tiêu dùng trao tặng danh hiệu “Bạn nhà nông”.

Hiện nay, toàn TP Cần Thơ có 470 cá nhân, DN đăng ký bảo hộ quyền SHTT, với 1.659 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, 131 văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 5 bằng độc quyền sáng chế được cấp. Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), bà Nguyễn Mỹ Thuận, cho rằng: “Tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, vấn đề cạnh tranh trong thương mại chưa gay gắt, nên nhiều DN vẫn chưa quan tâm đến việc bảo hộ về SHTT. Mặt khác, DN vừa và nhỏ ở Cần Thơ chiếm tỷ lệ lớn, với thị phần nhỏ, khả năng cạnh tranh kém nên DN thường rất cân nhắc về phần thời gian và chi phí bỏ ra khi đăng ký SHTT cho sản phẩm của mình”. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường đang là thách thức lớn đối với các DN. Người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là sản phẩm thật và đâu là hàng giả, hàng nhái. Thậm chí nếu phân biệt được, người tiêu dùng cũng chấp nhận mua vì giá rẻ so với hàng thật. Theo ông Lê Trung Giang, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, đối với công tác phòng chống xâm phạm quyền SHTT cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và DN trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Người tiêu dùng không nên mua và sử dụng hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Vì dù vô tình hay cố ý người tiêu dùng sẽ trực tiếp gây thiệt hại cho mình về tiền của, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Về phía DN, cần phải hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi hàng hóa được đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Hiện nay, UBND các cấp, Thanh tra Sở KH&CN, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chi cục Quản lý thị trường, Công an, Hải quan là những đơn vị có thẩm quyền xử phạt hành chính về các lĩnh vực liên quan đến việc vi phạm quyền SHTT.

Như vậy, đối với vấn đề SHTT, DN ở TP Cần Thơ cần phải có sự hiểu biết đầy đủ hơn nhằm phát triển và khai thác sử dụng hiệu quả các tài sản trí tuệ. DN cần tập trung đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, tài chính và con người để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thông qua công tác đăng ký quyền SHTT. Khi đó, DN mới nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường nội địa và tự tin hội nhập, khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Sản xuất máy gặt đập liên hợp tại DNTN Nhựa Hoàng Thắng.

Chia sẻ bài viết