01/12/2018 - 18:29

Số doanh nghiệp rời thị trường tăng, vì sao?

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 11 tháng năm 2018, số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động cả nước đã lên tới con số 83.108 DN, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó gồm 25.977 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 57.131 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 64%. Theo lý giải của Bộ KH&ĐT, số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng cao có nguyên nhân do thời gian này, các phòng đăng ký kinh doanh trên cả nước đang rà soát, chuẩn hóa dữ liệu, loại bỏ các DN không còn hoạt động trong thời gian dài. Số DN tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống...

Bên cạnh đó, số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng lên đến 14.861 DN, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 13.598 DN có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, chiếm 91,5% và tăng 37,3%. Có thể thấy rằng, số DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và đã làm thủ tục giải thể đều tăng so với cùng kỳ, chứng tỏ rào cản đối với DN vẫn còn rất lớn. Các chính sách về đất đai, tín dụng, tài sản thế chấp… đã tạo nên những khoảng trống lớn đối với DN. Cùng với đó, những ưu tiên cho DN nhỏ và vừa chưa đủ mạnh để DN vượt qua khó khăn, thách thức.

Thực tế theo quy luật đào thải của kinh tế thị trường, DN yếu kém, không đủ nội lực, thiếu tư duy sáng tạo, trình độ công nghệ lạc hậu và chậm đổi mới phải rời thị trường. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh từ việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng khiến DN nội khó theo kịp để cạnh tranh với DN ngoại cùng ngành hàng. Môi trường kinh doanh dù đã cải thiện đáng kể, thủ tục hành chính đơn giản, rút gọn, tạo thuận lợi tối đa cho DN, nhưng vẫn còn những quy định chồng chéo, bất cập trong quản lý ngành, quản lý tại địa phương… đã gây cho DN không ít khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều nhận định của chuyên gia kinh tế cho rằng, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng, do Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Do vậy, DN nội cần nỗ lực để tìm “ngách” thị trường của riêng mình và phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để tạo ra những khác biệt so với DN ngoại. Và khoa học công nghệ chính là chìa khóa để các DN tận dụng để phát triển.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết