04/06/2012 - 21:33

SIPRI: Vũ khí hạt nhân trên toàn cầu ít hơn, nhưng hiện đại hơn

Vũ khí hạt nhân và các cuộc biểu tình nổi dậy, làm căng thẳng cả thế giới. Ảnh: AP

Ngày 4-6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) - một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu thế giới - đã công bố một báo cáo thường niên của họ, trong đó phân tích tình hình phát triển vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh toàn cầu.

Trong báo cáo được gọi là Niên giám 2012 của SIPRI, viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Thụy Điển cho biết mặc dù khối lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới đã giảm nhưng các nước sở hữu loại vũ khí này có xu hướng chừa lại những vũ khí hiện đại nhất và dường như không muốn giải giáp hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của mình.

Theo thống kê của SIPRI, tổng số vũ khí hạt nhân ghi nhận được ở 8 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel vào đầu năm nay là 19.055, giảm so với 20.530 của cùng kỳ năm 2011. Trong đó, có 4.400 đầu đạn hạt nhân đã được triển khai, nghĩa là được đưa vào tên lửa hoặc đưa đến căn cứ quân sự của các lực lượng sẵn sàng chiến đấu, bao gồm khoảng 2.000 đầu đạn được đặt trong tình trạng trực chiến. Theo SIPRI, dù Nga và Mỹ đang thu hẹp kho vũ khí hạt nhân chiến lược của họ theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (START) mới mà hai bên đã thông qua hồi đầu năm ngoái, 5 nước được công nhận sở hữu vũ khí hạt nhân “hợp pháp” (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) đều phát triển những hệ thống phân phối vũ khí hạt nhân mới hoặc từng tuyên bố sẽ làm như vậy, đồng thời có ý định duy trì kho vũ khí của họ vô thời hạn.

“Bất chấp sự quan tâm của thế giới đối với các nỗ lực giải giáp vũ khí, không một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào thể hiện hành động rõ ràng, ngoại trừ việc đưa ra những “tuyên bố khoa trương” đối với ý định sẽ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Tuy tổng số đầu đạn hạt nhân có thể đang giảm xuống, nhưng các chương trình hiện đại hóa vũ khí dài hạn đang thực hiện ở những nước này cho thấy vũ khí hạt nhân vẫn là một thứ để thể hiện địa vị và sức mạnh quốc tế của họ” - Shannon Kile, nhà nghiên cứu cao cấp của SIPRI, nhận định.

Ngoài vấn đề vũ khí hạt nhân, Niên giám 2012 của SIPRI cũng đề cập đến những thách thức mới về an ninh toàn cầu mà cộng đồng quốc tế đang đương đầu một cách khó khăn.

Cuộc khủng hoảng ở Syrie và cái gọi là “Cách mạng Mùa xuân A-rập” cho thấy một loại hình xung đột vũ trang mới đã nổi lên, làm gia tăng những quan ngại về vai trò của các tổ chức quốc tế, kể cả Liên Hiệp Quốc (LHQ) - SIPRI cảnh báo. Theo Tiến sĩ Neil Melvin, Giám đốc phụ trách chương trình xung đột vũ trang của SIPRI, làn sóng biểu tình lật đổ chính phủ ở các nước Trung Đông hồi năm ngoái không được xem là xu hướng xung đột tạm thời, mà nó cho thấy có một môi trường xung đột mới đang nổi lên, theo đó những hành động can thiệp của cộng đồng quốc tế đang trở nên khó thực hiện hơn.

THANH TRÚC (Guardian, DPA)

Chia sẻ bài viết