05/07/2018 - 20:29

Sinh viên học giao tiếp 

Bên cạnh một số bạn trẻ năng động, thích ứng công việc nhanh, theo đánh giá của nhà tuyển dụng, khá nhiều sinh viên (SV) vừa ra trường đi làm còn hạn chế kỹ năng giao tiếp, ít chịu lắng nghe hoặc ngại giao tiếp nơi đông người. Việc chưa mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình, thiếu tự tin trong giao tiếp khiến bạn trẻ “mất điểm” đối với nhà tuyển dụng. Để nâng cao kỹ năng giao tiếp cho SV, các cấp bộ Đoàn - Hội TP Cần Thơ tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng, đồng thời, duy trì và phát triển các câu lạc bộ, đội, nhóm, tạo sân chơi để SV rèn luyện.

Các hoạt động tập thể giúp sinh viên rèn kỹ năng giao tiếp tốt. Trong ảnh: Một nhóm sinh viên Trường Đại học Cần Thơ chuẩn bị quà tặng trẻ em nghèo. 

Thêm tự tin

Theo anh Phạm Văn Toàn, Phó Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Cần Thơ, kỹ năng giao tiếp là điểm mấu chốt để bạn trẻ tạo ấn tượng tốt với người đối diện thông qua việc trình bày, thể hiện cảm xúc và phong cách làm việc. Điều đáng mừng là đa số SV hiểu rõ tầm quan trọng của giao tiếp tốt trong học tập và nghề nghiệp nhưng vẫn còn bộ phận SV chưa quan tâm trau dồi kỹ năng giao tiếp. Nhiều bạn chưa tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm SV, trong khi đây là môi trường tốt để rèn kỹ năng. Để nâng cao kỹ năng cho SV, Đoàn - Hội SV tiếp tục duy trì và đổi mới hoạt động các CLB: Kỹ năng, Kết nối cộng đồng, Trao yêu thương, Tiếng Anh… Anh Toàn chia sẻ: “Quá trình tham gia sinh hoạt tập thể hoặc tình nguyện vì cộng đồng sẽ giúp SV biết cách ứng xử, dung hòa các mối quan hệ và xử lý tình huống. Đó là nền tảng để các bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm tốt hơn trong tương lai”.

Bên cạnh đó, Đoàn – Hội trường khuyến khích SV tham gia các chương trình, khóa tập huấn kỹ năng do các cấp bộ Đoàn tổ chức. Huỳnh Như, SV ngành Kế toán (Trường Cao đẳng Cần Thơ), cho biết: “Trước đây, em tham gia các hội thảo thuộc Dự án nâng cao năng lực tìm việc làm cho SV nhập cư, do Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP Cần Thơ và Tổ chức Save the Children International triển khai, em thấy cần trau dồi kỹ năng giao tiếp tốt hơn bởi đó là lợi thế, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nghề nghiệp, việc làm”. Theo Như, kỹ năng giao tiếp không chỉ thể hiện khả năng trình bày trước đám đông, khéo léo trong ứng xử, còn là biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến phản biện…

Trong khuôn khổ các hoạt động giáo dục kỹ năng mềm cho SV, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ tích cực phối hợp các đơn vị liên quan triển khai giai đoạn 2 dự án “Nâng cao năng lực tìm việc làm cho SV nhập cư” (triển khai từ tháng 11-2017 đến 31-10-2018). Theo đó, trường tổ chức 6 khóa tập huấn cho 217 sinh viên, được thiết kế chuyên biệt cho việc dạy và học các kỹ năng mềm: trình bày, làm việc nhóm, lắng nghe, xử lý tình huống, phản biện hoặc phương pháp đặt câu hỏi, phân tích vấn đề, lãnh đạo nhóm.

Giúp rèn kỹ năng

Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng, quá trình tham gia công tác Đoàn - Hội và phong trào SV vừa giúp các bạn  thêm trải nghiệm sống, vừa trau dồi kỹ năng mềm, trong đó, có văn hóa ứng xử, khả năng thuyết phục, xử lý tình huống. Trương Ánh Ngọc, SV ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, Liên Chi hội (LCH) phó LCH SV Hậu Giang (Trường Đại học Cần Thơ), bộc bạch: “Đối với một số hoạt động tình nguyện, cán bộ Hội phải tập hợp hàng chục SV tham gia. Lúc đầu tôi rụt rè, bỡ ngỡ, qua những lần sinh hoạt chi hội, các anh chị đi trước hướng dẫn cách quản trò, tập huấn kỹ năng giao tiếp. Bạn bè thấy mình nói chuyện tự tin, thuyết phục nên ủng hộ”. Ngọc còn nhớ, có chuyến về địa phương, gặp gỡ lãnh đạo, cán bộ Đoàn ở tỉnh, Ngọc không tự tin bày tỏ chính kiến. Qua nhiều lần như vậy, Ngọc đúc kết, các chương trình, kế hoạch do LCH đề xuất nếu cán bộ Hội không mạnh dạn trình bày thì khó thuyết phục được lãnh đạo địa phương ủng hộ.

Hay như công tác vận động xã hội hóa tổ chức các hoạt động xã hội - từ thiện; các hoạt động phong trào, ngoài mối quan hệ rộng, sinh viên cần phải là người quảng giao. Theo Lê Quốc Khôi, sinh viên ngành An toàn thông tin, Phó Chủ nhiệm CLB tình nguyên We-Go (Phân hiệu Đại học FPT Cần Thơ), khi triển khai các hoạt động CLB, không tránh khỏi những tranh luận, thậm chí mâu thuẫn giữa các thành viên. Thoạt đầu, cũng cự cãi, hờn giận nhưng sau mỗi hoạt động, các bạn tự rút ra bài học kinh nghiệm: Đó là sự kiềm chế cảm xúc, lựa chọn lời nói phù hợp trên cơ sở tôn trọng và yêu thương nhau. “Các hoạt động tập thể giúp tôi giao tiếp khéo léo, thuyết phục hơn; hình thành phong cách làm việc chuyên nghiệp. Điều này rất tốt cho công việc tương lai mỗi SV” – Khôi chia sẻ.

Đến nay, toàn thành phố có trên 610 LCH, Chi hội, CLB, đội, nhóm SV (các trường đại học, cao đẳng) nhiều lĩnh vực: văn hóa – nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ, kỹ năng, học thuật và tình nguyện vì cộng đồng. Đây vừa là sân chơi lành mạnh, bổ ích, vừa giúp SV rèn kỹ năng mềm nói chung, văn hóa ứng xử, khả năng giao tiếp nói riêng.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết