29/09/2018 - 18:07

Sinh viên các nước đối tác BRI đổ sang Trung Quốc 

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Công, dự án kinh tế và cơ sở hạ tầng khổng lồ “Vành đai, Con đường” (BRI) của Bắc Kinh đang khuyến khích nhiều sinh viên từ các nước đối tác đổ sang Trung Quốc học tập, nhằm tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp và tận dụng các biệt đãi từ nước này.

Các sinh viên quốc tế tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Chẳng hạn như trường hợp của Maira Tahir, nữ sinh 23 tuổi người Pakistan đang theo học thạc sĩ truyền thông tại Đại học Giao thông Thượng Hải (SJTU) - trường được xem như “Viện Công nghệ Massachusetts của phương Đông”. Dù từng cân nhắc các đề nghị tới Mỹ, Phần Lan và Trung Quốc, nhưng cuối cùng Tahir chấp nhận lời mời nhập học từ SJTU.

Điều giúp Tahir đi đến quyết định này không chỉ là danh tiếng và truyền thống của ngôi trường được thành lập từ năm 1896, mà còn vì một điều “thực tế” hơn là học bổng. “SJTU có danh tiếng rất lớn và họ đưa ra khoản học bổng thực sự hấp dẫn. Tuy tôi được nhận ở Mỹ, nhưng không được cấp học bổng”- Tahir nói.

Ngoài ra, cô nghĩ rằng việc biết tiếng lẫn hiểu văn hóa Trung Quốc sẽ là “điểm thưởng” cho hồ sơ xin việc của cô sau này. Việc khởi động Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC, dự án cơ sở hạ tầng trị giá 62 tỉ USD) hồi năm 2015 đã hình thành mối quan tâm trong việc xây dựng quan hệ kinh doanh và mở các trung tâm tiếng Trung Quốc tại các trường đại học.

Giống như Tahir, 2/3 số sinh viên quốc tế tại Trung Quốc đến từ các nước hợp tác với Bắc Kinh trong BRI. Chỉ riêng năm ngoái, số đơn nhập học từ các nước tham gia BRI tăng 12% - đạt mức 317.000 sinh viên.

Giáo sư Alan Cheung, một chuyên gia về chính sách và quản lý giáo dục tại Đại học Hồng Công, cho rằng một phần lý do đằng sau động thái thu hút thêm sinh viên quốc tế của Trung Quốc là nhằm tạo ra lực lượng lao động giúp họ đạt được mục tiêu tài chính, cơ sở hạ tầng và chính sách đặt ra trong BRI.

Để thúc đẩy mục đích giáo dục trên, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tài trợ học bổng phong phú cho sinh viên quốc tế. Trong đó, đáng chú ý là việc những sinh viên này được miễn tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học rất gắt gao của Trung Quốc. Thay vào đó, sinh viên nước ngoài có thể xin dự tuyển vào các chương trình quốc tế của trường, hoặc nhận học bổng thông qua hệ thống tuyển sinh riêng...

Theo truyền thông Trung Quốc, chính phủ cấp 10.000 suất học bổng mỗi năm cho sinh viên đến từ các nước tham gia BRI. Và trong gần 50.000 suất học bổng của chính phủ được trao trong năm 2016, có 61% trao cho sinh viên từ các nước tham gia BRI. Tuy giới chức không tiết lộ tổng ngân sách chính thức dành cho sinh viên quốc tế, song số lượng sinh viên nhận tài trợ đã tăng 70% kể từ năm 2012.

Ngoài điểm thu hút lớn là học bổng, thì cơ hội sử dụng các công nghệ tiên tiến hoặc dự tuyển vào các công việc liên quan tới Trung Quốc cũng làm tăng sức hấp dẫn của việc học đại học tại Trung Quốc đối với sinh viên đến từ các quốc gia tụt hậu hơn về công nghệ hoặc có tình trạng quá tải hệ thống giáo dục đại học.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết