26/06/2016 - 15:40

SIẾT CHẶT QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG PHÂN BÓN

Trong những năm gần đây, vấn đề phân bón giả, kém chất lượng cũng như các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự minh bạch của thị trường. Việc quản lý sản xuất, kinh doanh lỏng lẻo là nguyên nhân chính để phân bón giả, kém chất lượng tràn lan.

* Vi phạm tràn lan

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đáp ứng trên 80% nhu cầu trong nước. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất chân chính, vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận, bất chấp các quy định của pháp luật, bất chấp đạo đức để sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, gây thiệt hại cho bà con nông dân và doanh nghiệp. Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT, cho biết: "Riêng lực lượng QLTT trung bình mỗi năm kiểm tra, xử lý trên 3.000 vụ vi phạm, thu giữ gần 1.000 tấn phân bón các loại. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác vẫn diễn biến phức tạp, công tác kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng ngày càng tinh vi; trong khi cơ chế kiểm tra, xử lý thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao".

Nhằm tránh nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, Tổng Công ty phân bón và hóa chất và dầu khí - CTCP (PVFCCo) tích cực mở rộng mạng lưới phân phối nhằm đem sản phẩm trực tiếp đến cho bà con nông dân.

Qua thống kê của Bộ Công thương, cả nước hiện có 320 doanh nghiệp sản xuất phân bón, trong đó 270 doanh nghiệp đã được cấp phép. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Phòng Quản lý tiền chất, Cục Hóa chất (Bộ Công thương), cho biết: "Trong các doanh nghiệp bộ Công thương khảo sát chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến còn lại chủ yếu sản xuất, thủ công như dùng máy trộn bê tông, chảo tạo viên, máy sàn phân loại…". Một bất cập hiện nay là nếu như ở một số nước lân cận, chuỗi cung ứng phân bón xuất phát từ nhu cầu của nông dân, trong khi ở nước ta, nhà sản xuất hoặc đại lý bán loại nào thì nhà nông dùng loại đó, do đa số người dân mua thiếu (cuối mùa vụ trả tiền) nên hàng hóa sử dụng theo sự phân phối của đại lý. Do vậy, khi sản phẩm không đạt chất lượng, nông dân ít khi phản hồi với nhà sản xuất, cơ quan quản lý.

Vùng ĐBSCL lợi thế sản xuất nông nghiệp nên nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn. Cùng đó, tình trạng làm phân bón giả, kém chất lượng diễn ra ngày càng nhiều theo các hình thức: hàng giả chất lượng (phân kali làm từ gạch nền, NPK làm từ đất, DAP từ đá nghiền…); hàng kém chất lượng (chất lượng thấp hơn qui định); hàng giả nhãn hiệu của các công ty, doanh nghiệp uy tín; hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng (nhái bao bì, nhái các yếu tố nhận diện như tên doanh nghiệp, logo, nhãn hiệu, địa chỉ…) và hàng giả hoàn toàn về chất lượng và nhãn hiệu. Với nhiều thủ đoạn tinh vi và phương thức hoạt động liên tục thay đổi, các đối tượng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không sản xuất tập trung theo qui mô lớn mà chuyển sang hình thức nhỏ lẻ với thiết bị thô sơ... Để đối phó với các lực lượng chức năng, các đơn vị này thường hoạt động vào ban đêm, các ngày cuối tuần và không để hàng tồn kho. Bên cạnh đó, không ít cơ sở trong quá trình sản xuất giảm hàm lượng dinh dưỡng để tăng lợi nhuận.

* Cần sự phối hợp

Ông Lê Trung Giang, Chi cục QLTT TP Cần Thơ, cho biết: "Tình hình vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn TP Cần Thơ diễn biến phức tạp. Phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường ngày càng nhiều, khó kiểm soát. Tuy nhiên, việc kiểm tra, quản lý mặt hàng này gặp nhiều khó khăn. Trong khi Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 (NĐ 163) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón, hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp không qui định thẩm quyền xử phạt của lực lượng QLTT. Lực lượng này chủ yếu dừng lại ở việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, không niêm yết giá, kinh doanh hàng quá hạn xử dụng, vi phạm về nhãn… Cùng đó, lực lượng QLTT mỏng, thiếu công chức có kinh nghiệm kiểm tra kinh doanh phân bón. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng rất khó theo dõi, quản lý, khó phân biệt, xác định chủng loại, sản phẩm nào là giả, kém chất lượng. Qui trình lấy mẫu kiểm nghiệm phân bón mất nhiều thời gian, quản lý còn chồng chéo giữa các cơ quan chức năng và đặc biệt chế tài xử phạt theo vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe".

Nghịch lý trong qui định xử phạt các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón là mức xử phạt tiền đối với trường hợp sản xuất phân bón giả về chất lượng công dụng thấp hơn trường hợp phân bón không đạt chất lượng. Chẳng hạn, phân bón giả xử lý theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, áp dụng mức xử phạt từ 1 triệu đồng đến 200 triệu đồng, trong khi phân bón kém chất lượng lại có mức xử phạt từ 80-180 triệu đồng. Với mức phạt này vô tình tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tăng cường sản xuất hàng giả. Bên cạnh đó, việc không qui định chế tài đối với hành vi kinh doanh phân bón kém chất lượng cũng gây khó khăn cho lực lượng thực thi trong việc xử lý trách nhiệm liên đới đối với các cơ sở kinh doanh phân bón.

Do đó, để đẩy mạnh công tác kiểm soát, nhằm hạn chế tối đa tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, các cơ quan QLTT cho rằng: Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung NĐ 163 về quy định thẩm quyền xử phạt cho lực lượng QLTT. Ngành công thương cần có cán bộ chuyên trách để kiểm soát chất lượng hàng hóa trên thị trường, nhất là trong xử lý việc lấy mẫu, phân tích mẫu, đồng thời mở các lớp đào tạo cho lực lượng QLTT (cấp chứng chỉ) trong việc kiểm soát mặt hàng phân bón. Giữa ngành công thương và nông nghiệp sớm phối hợp ban hành thông tư liên tịch về phân công, phối hợp trong kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng phân bón. Cùng đó, cần tăng thêm biên chế cho lực lượng QLTT để làm tốt hơn công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT, nhấn mạnh: "Để bảo vệ sản xuất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặt ra vấn đề cấp thiết là phải nâng cao hiệu quả phòng chống phân bón giả, kém chất lượng và các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất kinh doanh phân bón. Đồng thời, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật".

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết