13/10/2018 - 14:42

Sierra Leone hủy thỏa thuận xây sân bay với Trung Quốc 

Sierra Leone vừa quyết định hủy dự án xây dựng sân bay gây tranh cãi trị giá 318 triệu USD bên ngoài Thủ đô Freetown bằng nguồn vốn vay từ Trung Quốc.

Theo CNN, siêu dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2022 nói trên được cựu Tổng thống Ernest Bai Koroma phê chuẩn hồi tháng 3 năm nay. Động thái mới của Sierra Leone được đưa ra trong bối cảnh một loạt các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn bằng nguồn vốn vay từ Trung Quốc bị hủy tại các quốc gia như Pakistan và Malaysia trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, quyết định của Sierra Leone gây chú ý bởi đây là lần đầu tiên một chính phủ châu Phi hủy một dự án lớn đã được công bố và được Bắc Kinh hậu thuẫn. “Sau khi cân nhắc kỹ, chính phủ nhận thấy rằng không có lợi ích về kinh tế nếu xây dựng sân bay mới khi mà sân bay hiện tại vẫn có thể tận dụng được” - trích thư Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Hàng không Sierra Leone Kabineh Kallon gửi giám đốc dự án. Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 10-10, Bộ trưởng Kallon cho rằng thay vào đó, sân bay hiện thời sẽ được nâng cấp. Hiện chưa rõ liệu sẽ có bất kỳ hình phạt nào về tài chính liên quan tới việc hủy dự án hay không.

Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong 
cuộc gặp hồi tháng 9-2018. Ảnh: CNN

Trả lời báo giới về vấn đề trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc  Lục Khảng nói rằng việc hủy bỏ thỏa thuận xây dựng sân bay không cho thấy bất kỳ rạn nứt nào trong quan hệ giữa Trung Quốc và Sierra Leone. Ông Lục tuyên bố dự án này hiện chỉ ở giai đoạn thăm dò. “Khi hợp tác với các nước châu Phi gồm Sierra Leone, Trung Quốc luôn tôn trọng các nguyên tắc về tham vấn dựa trên sự bình đẳng và hợp tác theo kiểu đôi bên cùng có lợi. Tôi không nghĩ rằng dự án này được xem là một dấu hiệu dẫn tới các vấn đề giữa Chính phủ Trung Quốc và Sierra Leone” - ông Lục nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.

Sierra Leone là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xếp vào danh sách các nước có nguy cơ vỡ nợ. Dưới thời cựu Tổng thống Koroma, Sierra Leone đã vay 224 triệu USD của Trung Quốc, 161 triệu USD trong số này được vay trong năm 2016. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Julius Maada Bio lên nắm quyền tháng 4 năm nay, ông đã xem xét lại một số cam kết tài chính của người tiền nhiệm. Lina Benabdallah, phó giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Wake Forest (Mỹ) cho biết, dự án sân bay quốc tế Mamamah nói trên đã gây tranh cãi trong mấy năm qua, một phần là do “thiếu sự minh bạch” về các điều khoản.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết