30/08/2017 - 15:13

SEA Games, hẹn gặp lại Philippines 2019 

Sau hơn 2 tuần tranh tài, SEA Games 29 Malaysia khép lại vào ngày hôm nay 30-8, khi hoàn tất thi đấu các nội dung còn lại của 3 môn là bơi nghệ thuật, trượt băng và cử tạ. Cũng như những kỳ SEA Games trước, nước chủ nhà Malaysia để lại nhiều ấn tượng trong công tác tổ chức, nhưng cũng không ít điều tiếng về những quy định theo kiểu “hội làng” để gom huy chương.

Bộ tứ nữ  VĐV đội điền kinh Việt Nam giành HCV nội dung chạy tiếp sức 4x100m tại SEA Games 29. Ảnh: TTXVN

Không thể phủ nhận vai trò của SEA Games qua 29 lần tổ chức đã góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển thể thao thành tích cao ở các nước Đông Nam Á. Với các môn trong hệ thống thi đấu Olympic như điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng...

SEA Games là môi trường thích hợp để các vận động viên (VĐV) trong khu vực rèn luyện trước khi bước ra thế giới. Hơn chục năm trước, làng thể thao Đông Nam Á không thể có cơ hội so tài ở những môn đòi hỏi sức mạnh, nhanh như điền kinh, bơi lội tại đấu trường Olympic, mà chỉ trông chờ vào những môn khéo léo, bền bỉ như võ thuật (Thái Lan), cầu lông (Indonesia, Malaysia)...

Tuy nhiên, với những cuộc “cọ xát” chất lượng từ SEA Games, thể thao Đông Nam Á đã có những bước tiến vượt bậc, khi có nhiều quốc gia “ghi danh” vào bảng vàng Olympic. Cũng từ SEA Games, các nước Đông Nam Á đã xác định hướng đầu tư vào những môn trọng điểm, phù hợp với thể trạng để bước xa hơn. Thái Lan tập trung vào những môn như cử tạ, boxing; Indonesia phát huy thế mạnh cầu lông; Singapore tập trung vào bơi lội, bóng bàn...

Với thể thao Việt Nam, SEA Games là nơi để những gương mặt trẻ triển vọng bộc lộ tài năng, từ đó làm cơ sở để đầu tư trọng điểm. Tại SEA Games 27, cô gái 16 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên đã được phát hiện và trở thành trụ cột của đội tuyển bơi lội Việt Nam. Với 8 HCV ở SEA Games năm nay, Ánh Viên được chờ đợi sẽ tiếp tục gặt hái thành công ở đấu trường lớn hơn là ASIAD và Olympic.

Năm nay, đội bơi lội giới thiệu thêm gương mặt 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn, giành HCV ở nội dung 400m cá nhân hỗn hợp nam và phá kỷ lục SEA Games. Ở đường chạy, Việt Nam cũng đã có “nữ hoàng tốc độ” mới Lê Tú Chinh giành HCV ở 2 nội dung 100m và 200m, ngay ở lần đầu tiên dự SEA Games.

Tuy nhiên, SEA Games đang bị xem là “hội làng”, “ao làng” bởi nước chủ nhà khi đăng cai luôn tìm cách gom huy chương để đạt thành tích toàn đoàn. Điều này đã khiến nhiều môn được đưa vào thi đấu tại SEA Games theo kiểu “ép buộc” với số ít nước tham gia. Bên cạnh đó, nước chủ nhà cũng có quyền đưa vào thi đấu những nội dung thế mạnh, loại bỏ những nội dung yếu.

Tại SEA Games 29, Malaysia còn tạo ra những “tiền lệ” khó hiểu như trao đồng HCV cho 2 VĐV, làm mất ý nghĩa của cuộc tranh tài. Bên cạnh đó, những than phiền về trọng tài, về những quy định có lợi cho chủ nhà... cũng làm cho SEA Games giảm uy tín trong khu vực.

Có thể đó là một phần nguyên nhân vì sao các nước ngày càng “ngán” đăng cai SEA Games. Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đã phải “toát mồ hôi” sau khi Philippines tuyên bố từ chối đăng cai SEA Games 30-2019. Tuy nhiên, Philippines đã thay đổi vào phút chót để Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á tiếp tục diễn ra thuận lợi. 

Nguyễn Minh

Chia sẻ bài viết