23/03/2010 - 20:32

MÔ HÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN NÔNG NGHIỆP

Sẽ hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân?

Đóng góp lớn vào vấn đề an ninh lương thực, nhưng nông dân không được hưởng lợi xuyên suốt trong chuỗi giá trị hạt gạo.

Chưa có mô hình liên kết “4 nhà” thực sự. Nông dân và doanh nghiệp (DN) chưa “ngồi cùng thuyền” để chia sẻ trách nhiệm, lợi nhuận và nông dân luôn là người chịu thiệt thòi trong vòng xoáy thị trường, do kiến thức hạn chế, tài chính hạn hẹp. Đi tìm một mô hình DN có sự tham gia của nông dân và các nhà liên quan là vấn đề bức bách mà các nhà khoa học, nhà quản lý đặt ra hiện nay.

KHÓ KHĂN OẰN VAI

Nông dân giữ sứ mệnh an ninh lương thực cho quốc gia, góp công lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo với sản lượng trên 6 triệu tấn vào năm 2009. Thế nhưng, lợi nhuận từ hạt gạo của nông dân lại quá ít ỏi, không đủ bù vào công sức họ bỏ ra... Vì vậy, cần có giải pháp tăng giá trị nông sản, gắn kết sản xuất vào chuỗi tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện cho nông dân tham gia và hưởng lợi từ chuỗi giá trị đó. Các nhà khoa học cho rằng, nông dân luôn ở thế bị động trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu thông tin thị trường... nên nông dân luôn oằn vai gánh trên mình bao cái khó.

Ông Nguyễn Thể Hà, Chuyên gia kỹ thuật Công ty TNHH Cơ khí công-nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, cho biết: “Khi thu hoạch, nông dân bán lúa tươi tại đồng. Gia đình có hữu sự thì bán ruộng. Gánh bao nhiêu điều khó, nhưng giá trị tăng thêm của khu vực kinh doanh không được chia sẻ cho nông dân. Ngược lại, DN đang được hưởng giá trị lao động rẻ từ nông dân. Trong khi xu hướng ly nông của thế hệ trẻ ở nông thôn ngày càng nhiều, mà họ chính là nhân tố quyết định chất xám từ sản phẩm nông sản mình làm ra”. Theo ông Hà tính toán, giá lúa mua theo yêu cầu của Chính phủ là 4.000 đồng/kg, nhưng DN bán gạo quy lúa tương đương 6.000 đồng/kg. Khoản chênh lệch này nông dân hoàn toàn không được hưởng. Đó là chưa kể khoản thất thu trong khâu thu hoạch, nông dân mất trắng 1.000 đồng/kg so với thời giá hiện tại.

Tại ĐBSCL, thời gian qua, đã có DN hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, nhưng mối liên kết này chưa thực sự bền vững, các bên thường phá bỏ hợp đồng khi thị trường biến động. Thêm vào đó, nông dân không đủ khả năng tài chính để trữ lúa, hay đầu tư khâu sau thu hoạch, làm chất lượng hạt gạo cũng bị ảnh hưởng. Tuy là cường quốc về xuất khẩu khẩu, nhưng Việt Nam luôn bị đối tác ép giá gạo và thiệt hại nông dân lãnh đủ. Ông Trầm Tấn Thành, Phó Ban Quản lý dự án lúa chất lượng cao (Công ty cổ phần Gentraco- Cần Thơ) cho biết: “Công ty có thị trường 300.000 tấn/năm tại các nước Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi và Nga, chủ yếu gạo 5% và 15%. Mặc dù, công ty bao tiêu cho nông dân với tỷ lệ gãy cho phép 20% và khuyến khích thưởng thêm 150 đồng/kg, nếu tỷ lệ gãy dưới 15% nhưng chưa trường hợp nào đáp ứng được. Hiện nay, tỷ lệ hạt gãy lên đến 40-50% và gạo nguyên sau xay xát chỉ còn 30-40%”. Ông Thành cho rằng, nông dân đã có giống tốt, năng suất cao, nhưng những hạn chế này đã kéo giá trị hạt gạo xuống thấp, gây tổn thất cho chính người làm ra hạt lúa. Trong khi không ít DN cũng hạn chế về kho chứa, năng lực chế biến, nên việc đầu tư, bao tiêu nông sản cho nông dân chưa đạt mong muốn.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, muốn giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ lúa, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, cần tính toán cụ thể về mô hình công ty cổ phần với sự tham gia đầy đủ của các nhà. Có như vậy, mới hài hòa lợi ích các bên và đây cũng là mô hình lý tưởng để thực hiện “tam nông” trong nông nghiệp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

CÔNG TY CỔ PHẦN NÔNG NGHIỆP - TẠI SAO KHÔNG?

Thạc sĩ Trần Lê Đăng Phương, Phó trưởng Bộ môn Kinh tế tổng hợp-Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang, nói: “Công ty cổ phần là đại chúng, nhiều người cùng chia sẻ, cùng đi trên một con tàu và dung hòa lợi ích với nhau. Mô hình này phù hợp với mục tiêu “liên kết 4 nhà” và đảm bảo nông dân được hưởng lợi nhiều hơn từ sản phẩm mình làm ra”. Mới đây, mô hình Công ty cổ phần Nông nghiệp Tam Nông được UBND tỉnh Đồng Tháp trình lên Chính phủ và đã được phê duyệt. Trước đó, mô hình này được thí điểm từ Hợp tác xã (HTX) dịch vụ thương mại Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Chủ nhiệm Hợp tác xã Nguyễn Văn Trãi, cho biết: “Ngay từ năm đầu hoạt động, lãi được 120% trên doanh thu. Hệ thống đê bao, thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh, tất cả xã viên đều sản xuất đồng loạt một giống lúa xác nhận, chia sẻ kỹ thuật lẫn nhau... góp phần làm giảm giá thành và bán được cao hơn thị trường 50-100 đồng/kg. Năm 2002, vùng sản xuất chỉ có 100 ha, hiện tăng lên gấp 6 lần”. Tuy nhiên, mô hình HTX vẫn còn thiếu vốn, thiếu công nghệ sau thu hoạch và phương thức hoạt động hiện đại, nên giá trị hạt gạo chưa đạt mức cao như mong muốn. Do vậy, việc nâng HTX lên thành công ty cổ phần nhằm đầy đủ tư cách pháp nhân để vay vốn ngân hàng, ký hợp đồng với đối tác được thuận lợi hơn HTX.

Theo ông Lê Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả là một nhu cầu xã hội đòi hỏi sự nhạy bén của Nhà nước. Cái lo lớn nhất hiện nay là làm sao để nông dân sản xuất hiệu quả cao. Điều đó đòi hỏi phải giải quyết những rủi ro trong sản xuất, xây dựng HTX kết nối làm ăn phương thức sản xuất lớn. Nếu dừng lại ở HTX thì chưa giải được bài toán nông dân cần. Mà phải là công ty cổ phần.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, chia sẻ: “Mô hình này đặt nông dân và DN cùng trên một chiếc tàu ràng buộc trách nhiệm, lợi ích với nhau. DN xây dựng vùng nguyên liệu tại ruộng của cổ đông là nông dân, thực hiện tiêu chuẩn Việt GAP giúp hạ giá thành, nâng cao chất lượng lúa. Mối liên kết này từ sản xuất đến tiêu thụ, cả nông dân và DN đều được chia lợi nhuận xuyên suốt chuỗi giá trị hạt gạo. Chính quyền và cơ quan chức năng cùng tham gia, hỗ trợ kỹ thuật, bảo vệ quyền lợi trên mặt pháp lý”. DN cần vùng nguyên liệu ổn định và chất lượng như mong muốn để xuất khẩu; nông dân cần vốn, kỹ thuật, đầu ra với giá cao nhất. Nếu dung hòa mối liên kết này với nhau sẽ có những mô hình sản xuất tiên tiến và đây là điều kiện để hội nhập tốt nhất cho các bên. Bởi ở các nước nông nghiệp tiên tiến, mô hình này đã được ứng dụng rộng rãi. Nâng cao giá trị nông sản và cùng chia sẻ lợi nhuận - đó là điều cần làm để thay đổi tập quán canh tác, nhận thức trong nông dân. Có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới thực sự bền vững.

Bài, ảnh: T.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết