13/12/2015 - 15:55

Saudi Arabia và những bước tiến mới trong vấn đề nữ quyền

Việc phụ nữ lần đầu tiên có quyền tham gia các cuộc bầu cử địa phương ở Saudi Arabia (diễn ra hôm qua 12-12) được cho là bước tiến quan trọng nhất về quyền phụ nữ tại đất nước vốn là quốc gia Hồi giáo bảo thủ bậc nhất trên thế giới.

Khoảng 980 phụ nữ tham gia tranh cử với hơn 5.000 nam giới tại 284 hội đồng trên cả nước. Có 2.100 thành viên hội đồng được bầu chọn và 1.050 thành viên do hoàng gia chỉ định. Các chiến dịch vận động tranh cử ở Thủ đô Riyadh thu hút sự hiện diện của giáo sư, nhà văn và giới hoạt động xã hội. Không ràng buộc nội dung, các cuộc họp chính trị dành cho giới nữ ngoài vấn đề bầu cử còn tập trung giới thiệu những chuyển biến về vai trò của giới nữ từ xã hội bảo thủ tiến vào đời sống công cộng.

Giáo sư Hatoon al-Fassi trong cuộc họp về vấn đề nữ quyền (ảnh trên) và Fawzia al-Harbi - một nữ ứng cử viên tham gia bầu cử hội đồng thành phố địa phương Saudi Arabia. Ảnh: NPR/Reuters

Theo Giáo sư đồng thời là nhà hoạt động nữ quyền hàng đầu của Saudi Arabia Hatoon al-Fassi, tất cả đều mới mẻ và mọi người phải bắt đầu từ vạch xuất phát. "Chúng tôi đang từng bước chập chững vào thế giới của nền dân chủ" – bà al-Fassi nói. Khá non trẻ, theo Giáo sư Hatoon al-Fassi, là do những trở ngại lớn ngay từ chiến dịch vận động. Cụ thể dựa trên quy tắc bầu cử, các nữ ứng cử viên phải tuân thủ nguyên tắc "3 không": không có hình ảnh về chiến dịch vận động, không được liên hệ với cử tri trên mạng xã hội và không thể nói chuyện cùng nam giới khi vận động tranh cử ở nơi công cộng.

Tuy nhiên, Giáo sư al-Fassi cho biết điều tuyệt vời nhất là những ứng cử viên nữ vẫn theo đuổi sự nghiệp chính trị bất chấp những ràng buộc, định kiến xã hội lâu nay. Một trong những nguồn cảm hứng đến nay là thành công cách đây 2 năm của bà Thoraya Obaid - một trong những người phụ nữ đầu tiên được Quốc vương Saudi Arabia bổ nhiệm vào Hội đồng tư vấn quốc gia vốn chỉ thuộc về nam giới. Tuy có rất nhiều phe phản đối nhưng sự thật rằng một người phụ nữ vẫn có thể tư vấn cho Quốc vương sau đó đã được chấp nhận.

Saudi Arabia là nơi duy nhất trên thế giới mà phụ nữ bị cấm lái xe và cần sự cho phép của người giám hộ là nam giới nếu muốn đi du lịch hoặc đi học đại học. Do đó, nữ chính trị gia Obaid – người từng giữ chức Giám đốc điều hành quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) nhấn mạnh quyền bầu cử là một bước quan trọng bởi đây là sự khẳng định: "Phụ nữ cũng là công dân và chúng tôi có quyền, chúng tôi đang thực hiện các quyền giống như nam giới". Mặc dù đến nay chỉ có hơn 130.000 phụ nữ Saudi Arabia đăng ký bỏ phiếu so với khoảng 1,35 triệu nam giới, nhưng bà Obaid nhận định việc thúc đẩy quyền phụ nữ tại quốc gia 21 triệu dân này đã là tín hiệu lạc quan và bà tin tưởng nam giới nói riêng cũng như cả xã hội nói chung sẽ thay đổi nhận thức thông qua những giá trị mà phụ nữ đạt được.

MAI QUYÊN (Theo NPR, Reuters, AFP, AP)

Tờ Al Riyadh cho biết Saudi Arabia sắp tới sẽ cho phép phụ nữ ly hôn và góa phụ quản lý công việc gia đình mà không cần phải có sự chấp thuận của nam giới hoặc lệnh của tòa án.

Theo nguồn tin từ Bộ Nội vụ, cơ quan này sẽ cấp thẻ nhận diện không chỉ cho riêng nam giới mà còn cho những đối tượng kể trên, cho phép họ có quyền tiếp cận thủ tục hành chính nhà nước, đăng ký trường cho con hoặc làm thủ tục y tế.

Theo Salwa al-Hazza, thành viên của Hội đồng Shura chuyên cố vấn chính sách cho chính phủ, đây là bước tiến quan trọng, mang lại cho phụ nữ A-rập quyền xác định mình cũng là người đứng đầu gia đình, qua đó thay đổi đáng kể cuộc sống của phụ nữ đã ly hôn hoặc góa chồng - đặc biệt là đối tượng nuôi con một mình.

Chia sẻ bài viết