17/08/2008 - 21:09

Sạt lở bờ sông đe dọa cuộc sống người dân

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có gần 15km bờ sông có nguy cơ sạt lở cao, đang đe dọa cuộc sống bình yên của trên 3.000 hộ gia đình. Trong đó có 831 hộ cần di dời nhanh chóng.

Nỗi lo những xóm ven sông

Huyện Giá Rai và Đông Hải là điểm “nóng” về tình hình sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng của tỉnh Bạc Liêu. Ở huyện Giá Rai hiện có đến 664 căn nhà có nguy cơ rơi vào “miệng thủy thần” bất cứ lúc nào. Các điểm “đen” sạt lở chủ yếu nằm dọc các cửa sông tiếp giáp với kinh xáng Cà Mau-Bạc Liêu, gồm khu vực hạ lưu cống Nọc Nạng (thị trấn Giá Rai), khu vực cầu Hộ Phòng (thị trấn Hộ Phòng), khu vực cầu Láng Trâm, cầu Nhàn Dân, cầu Cây Gừa và cầu Sư Son thuộc xã Tân Phong... Mới đầu mùa mưa mà tại khu vực hạ lưu cống Nọc Nạng thuộc địa bàn ấp 1 và ấp 5 (thị trấn Giá Rai) đã xuất hiện nhiều vết nứt rộng hơn 1 mét, dài hàng trăm mét đe dọa cuộc sống của hàng chục hộ dân nơi đây.

Ở khu vực 4, thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) cũng có hàng trăm hộ dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở cao và ở nơi này mỗi năm có hàng chục nhà dân bị “thủy thần” nuốt chửng. Nhiều người dân không khỏi kinh hoàng khi nhớ lại vụ sạt lở đã nhấn chìm 21 căn nhà ở thị trấn vào năm 1996. Khi mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ thì bất ngờ một lượt 21 căn nhà nằm ven sông Gành Hào bị sụp sâu trong sình lầy. Khi ấy, mọi người chỉ có thể tự cứu mình bằng cách lôi kéo nhau lên. Rồi mặt đường cũng bị sạt xuống dòng sông với chiều rộng hơn 10m. Thiệt hại về tài sản ước tính trên 1 tỉ đồng.

Nhiều nhà dân ở thị trấn Giá Rai đang đối mặt với nguy cơ sạt lở.  

Bà Trần Kim Vân, 53 tuổi bị trôi hết nhà cửa đồ đạc kể: “Thật khủng khiếp, sau trận sụp đất cả nồi cơm tôi cũng phải đi mua mới”. Ở khu vực này cứ mỗi năm đất lún xuống tự nhiên ít nhất 0,5m. Và mỗi năm, nhiều hộ phải bỏ ra số tiền không nhỏ để bổ sung nền đất phía dưới nhà sàn và gia cố nhà cửa. Gia đình ông Châu Văn Thoại (60 tuổi) ở cùng khu vực cũng nhiều lần bị sạt lở đe dọa tính mạng, bây giờ ông đã mua hẳn một nơi ở mới tránh xa chỗ cũ gần 100m về phía trên lộ trị giá hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ những gia đình khá giả như: chủ vựa tôm, vựa cá có tiếng ở Gành Hào mới có đủ điều kiện di dời. Phần lớn những hộ nghèo không có điều kiện di dời, địa phương không có chỗ tái định cư và cũng vì mưu sinh nên họ phải sống vùng sạt lở trong thấp thỏm lo âu... Ông Nguyễn Ngọc Sang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào cho biết: “Khu dân cư của thị trấn nằm ngay cửa biển Gành Hào, nên mỗi năm nơi đây cũng xảy ra ít nhất 2 trận sạt lở lớn làm thiệt hại tài sản bà con hàng chục triệu đồng. Riêng 2 vụ sạt lở năm 2007 đã nhấn chìm hoàn toàn hơn 10 căn nhà và nhiều tài sản khác của cư dân. Điều đáng nói là ở Gành Hào liên tục xuất hiện những điểm sạt lở mới”.

Dù ở khá xa cửa biển, cửa sông lớn nhưng huyện Phước Long và Hồng Dân cũng có nhiều điểm sạt lở. Theo thống kê, trên địa bàn hai huyện cũng có tới 372 hộ dân đang sinh sống trong khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất trắng tài sản với tổng chiều dài các đoạn bờ sông cần báo động gần 4.000 m. Trong đó, nguy hiểm nhất là khu vực ngã tư xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân), vì nơi đây là điểm giao nhau các dòng chảy giữa kinh xáng Quản lộ Phụng Hiệp và kinh xáng Cầu Sập-Ngan Dừa lâu nay đã tạo ra hiện tượng hàm ếch ở nhiều nơi. Theo cảnh báo của Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh: huyện Hồng Dân có 181 hộ dân cần nhanh chóng di dời trong mùa mưa bão này.

Di dời các hộ dân vùng sạt lở: vẫn phải chờ...

Trước mối nguy hiểm đe dọa cuộc sống người dân, năm 2006, Sở NN & PTNT Bạc Liêu đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tiến hành lập dự án sắp xếp, di dời tất cả dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Chi cục Phát triển nông thôn được giao khảo sát, thẩm định và đưa ra kế hoạch đề nghị Bộ NN & PTNT cấp kinh phí xây dựng các khu tái định cư để di dời dân. Vậy mà gần 3 năm trôi qua dự án hầu như chưa hề chuyển động. Theo ông Nguyễn Văn Út, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, dự án này tỉnh giao UBND các huyện làm chủ đầu tư, nhưng cái khó lớn nhất là các huyện đã không còn quỹ đất để quy hoạch khu dân cư. Hơn nữa, việc di dời sang nơi ở mới khác hẳn về điều kiện làm ăn nên với nhiều hộ dân không phải là chuyện dễ dàng thích nghi với cuộc sống mới.

Ông Nguyễn Ngọc Sang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào cho biết: Tất cả chủ vựa đã dời vào Cảng cá Gành Hào để kinh doanh. Các tài sản quý giá của họ cũng được di dời nên hy vọng sạt lở có thể không gây ảnh hưởng nặng. Bởi trên thực tế địa phương không đủ khả năng để thực hiện các biện pháp gia cố tạm thời do sông Gành Hào quá sâu. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị việc di dời các hộ dân khỏi vùng sạt lở nhưng đến nay mọi việc vẫn như cũ. Việc cắm biển báo những điểm sạt lở trên toàn tỉnh cũng chưa được ngành chức năng thực hiện đồng bộ, trong khi người dân hàng ngày phải đối mặt với nguy hiểm. Ông Lê Văn Tú hộ dân sống trong vùng sạt lở ở thị trấn Gành Hào, bức xúc: “Mỗi khi mùa mưa đến, nước dâng cao, hàng chục hộ dân phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu không biết nhà sẽ sụp đổ lúc nào. Phần lớn, những hộ ở đây khó khăn nên rất cần nhà nước hỗ trợ chỗ di dời đến nơi an toàn”.

MINH THANH

Chia sẻ bài viết