16/07/2018 - 15:49

Sắp có nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ

Người yêu thiên văn tại Việt Nam sẽ có cơ hội được chứng kiến hiện tượng nguyệt thực toàn phần vào rạng sáng ngày 28/7.

Đây là hiện tượng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21, kéo dài trong 1 giờ 43 phút, sẽ diễn ra vào ngày 27/7 và 28/7 tại nhiều khu vực trên thế giới. Nguyệt thực một phần xảy ra trước và sau sự kiện nguyệt thực toàn phần, kéo dài 2 giờ 12 phút. Vì vậy, tính từ đầu đến cuối, Mặt trăng mất 3 giờ 55 phút để vượt qua phần bóng của Trái đất.

Nguyệt thực toàn phần chủ yếu được quan sát ở phía đông bán cầu bao gồm: Châu Âu, châu Phi, châu Á, Australia và New Zealand. Một phần khu vực Nam Mỹ sẽ quan sát các giai đoạn cuối cùng của nguyệt thực ngay sau khi Mặt trời lặn vào ngày 27/7. Trong khi đó, New Zealand diễn ra các giai đoạn đầu tiên của nguyệt thực trước khi Mặt trời mọc vào ngày 28 tháng 7. Khu vực Bắc Mỹ, phần lớn Bắc Cực và Thái Bình Dương không có cơ hội chứng kiến sự kiện thiên văn này.

Nguyệt thực cực đại xảy ra lúc nửa đêm tại Madagascar và vùng Trung Đông vào khoảng 20 giờ 22 phút theo giờ quốc tế (UTC). Châu Âu và châu Phi nhìn thấy nguyệt thực trong suốt thời gian buổi tối (giữa thời điểm hoàng hôn và lúc nửa đêm của ngày 27/7). Trong khi đó, phần lớn châu Á, bao gồm Việt Nam và Australia, có thể quan sát nguyệt thực rõ nhất khi trời sắp sáng vào ngày 28/7 (thời điểm nguyệt thực toàn phần cực đại ở Việt Nam là 3 giờ 21 phút sáng).

Trong vòng 100 năm qua, chỉ có 4 lần nguyệt thực toàn phần có thời gian Mặt trăng hoàn toàn bị che khuất có thể sánh ngang với sự kiện vào mùa hè năm nay. Đó là sự kiện nguyệt thực vào ngày 15/6/2011 (100 phút), ngày 16/7/2000 (107 phút), ngày 6/7/1982 (107 phút) và ngày 16/7/1935 (101 phút).

Không giống như hiện tượng nhật thực, chúng ta không cần thiết bị đặc biệt để quan sát nguyệt thực. Mặt trăng khi đi vào bóng của Trái đất vẫn an toàn để quan sát trực tiếp bằng mắt thường, kính viễn vọng hoặc ống nhòm.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết