12/09/2017 - 22:01

Di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu dân cư

Sao cho thấu tình, đạt lý… 

Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến một số cơ sở sản xuất công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư hoặc sau nhiều năm hoạt động dân cư phát triển bao quanh. Thực trạng này kéo theo vấn đề về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân ở khu vực lân cận. Chính vì vậy, TP Cần Thơ triển khai xây dựng Đề án “Hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án).

Hoạt động sản xuất của DNTN Trí Tuệ, Khu Công nghiệp Tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn Hàng Bàng - một trong những doanh nghiệp nằm trong kế hoạch di dời giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: MỸ THANH

Theo đơn vị Tư vấn (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng môi trường Hoa Lư), tính đến năm 2016, TP Cần Thơ có khoảng 825 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nằm ngoài Khu Công nghiệp. Qua khảo sát thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của yếu tố công nghệ đơn giản, lạc hậu; quy trình vận hành mang tính thủ công; mức độ cơ khí hóa, tự động hóa thấp dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư. Trong đó, nhiều ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao như: tái chế giấy, nhớt thải, nhựa-nylon, thuộc da, xi mạ…

PGS.TS Đinh Xuân Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng môi trường Hoa Lư, cho biết: “Hiện nay, do tốc độ đô thị hóa tăng, các cơ sở sản xuất với quy mô vừa và nhỏ, công nghệ, thiết bị lạc hậu nằm xen kẽ trong khu dân cư với diện tích đất hạn chế hoặc không còn phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của thành phố. Không chỉ vậy, công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải không đảm bảo quy định hoặc chưa triệt để gây tác động xấu đến môi trường xung quanh, tạo nên các điểm nóng về môi trường. Chính vì vậy, Đề án nhằm vào mục tiêu khắc phục, cải thiện và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, đô thị. Qua đó, giúp doanh nghiệp sản xuất ổn định, bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Khi Đề án được triển khai thực hiện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, góp phần chỉnh trang đô thị theo hướng xanh-sạch-đẹp”.

Theo dự thảo Đề án, giai đoạn 2017-2020, TP Cần Thơ phấn đấu di dời 19 cơ sở sản xuất. Giai đoạn 2021-2025 dự kiến di dời 128 cơ sở. Đến hết năm 2025, thành phố phấn đấu sắp xếp và di chuyển toàn bộ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không có khả năng khắc phục tại chỗ vào các khu, cụm công nghiệp tập trung và vùng phụ cận. Đối với các trường hợp không di dời phải có các bước cải tạo nhà xưởng; xây dựng lại các công trình; đề ra các biện pháp bảo vệ môi trường mang tính khả thi… Thành phố cũng kết hợp việc di dời này với hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ hình thành các cơ sở sản xuất tiên tiến, hoạt động ổn định, có khả năng cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Qua khảo sát thực tế tại một  số cơ sở sản xuất công nghiệp, Đơn vị Tư vấn xây dựng các tiêu chí đánh giá, phân loại để di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Bao gồm: tiêu chí về môi trường, ý thức tuân thủ các quy định về môi trường và quy hoạch. Đề án cũng xác định các địa điểm có khả năng tiếp nhận di dời như: cụm công nghiệp Vĩnh Thạnh, Cái Răng, Bình Thủy và Phong Điền (dự kiến hoàn thành kết cấu hạ tầng vào năm 2020); Khu Công nghiệp Trà Nóc, Hưng Phú, Thốt Nốt… Đồng thời, đề xuất một số chính sách và giải pháp di dời như: hỗ trợ chi phí vận chuyển; hỗ trợ đối với tài sản không được di dời; cải tạo, nâng cấp thiết bị, công nghệ; vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới; ưu đãi về thuế, thuê đất; hỗ trợ trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng sản xuất…

Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đề án, ông Nguyễn Xuân Toàn, Phòng Quản lý môi trường, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, đề xuất: “Đơn vị Tư vấn cần làm rõ hơn mức độ ô nhiễm tại từng cơ sở sản xuất công nghiệp để lên kế hoạch di dời phù hợp. Đồng thời, thông tin  cụ thể về hiện trạng các khu, cụm công nghiệp có khả năng tiếp nhận di dời. Bởi đây là những điều doanh nghiệp hết sức quan tâm”. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Kinh tế ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho rằng, Đề án cần đưa ra lộ trình di dời cụ thể theo hướng các doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng, bức xúc di dời trước. Đồng thời, làm rõ các vấn đề về nguồn kinh phí; đất đai, cơ sở hạ tầng (xử lý nước thải tập trung, hệ thống giao thông), thu hút  lao động… khi doanh nghiệp về vị trí mới.

Theo nhận định từ các chuyên gia, vấn đề di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư là vấn đề cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều cản ngại. “Đơn cử như doanh nghiệp đang hoạt động ở Ô Môn, Thốt Nốt chẳng hạn di dời Cái Răng thì không hợp lý. Bởi doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn về ký kết hợp đồng, vận chuyển hàng hóa, thu hút lao động… Do đó, chúng ta cần phải có sự vận động, tuyên truyền cũng như hỗ trợ sao cho “thấu tình, đạt lý” thì mới nhận được sự hợp tác từ doanh nghiệp. Trước mắt, đối với 19 cơ sở di dời giai đoạn 2017-2020, Đề án cần nêu rõ kế hoạch chi tiết di dời; chi phí cụ thể; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp đối với hoạt động di dời và giải tỏa.”- Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ bày tỏ. 

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết