21/10/2017 - 08:38

Sáng tạo để khởi nghiệp 

Nhằm chủ động hội nhập quốc tế, nhiều đoàn viên thanh niên đã không ngừng sáng tạo trong học tập, cuộc sống và dám thực hiện các ý tưởng thành sản phẩm để khởi nghiệp. Đó không chỉ là cách nâng tầm kiến thức mà còn là cách đưa các bạn trẻ vươn đến sự thành công trong tương lai…

Dám nghĩ, dám làm

Hơn 2 tháng nay, nhóm bạn Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Thành Luân và Lương Anh Duy (lớp Cơ điện tử khóa 4, Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ) miệt mài nghiên cứu “Bộ sản phẩm điều khiển từ xa”. Dự kiến khoảng 2 tháng nữa, nhóm của Vinh sẽ hoàn thành sản phẩm. Xuân Vinh cho biết, bộ sản phẩm điều khiển từ xa gồm bo mạch có kết nối internet với điện thoại, có thể tắt hoặc mở 8 thiết bị sử dụng điện trong nhà, như: đèn, quạt điện, nồi cơm điện, tủ lạnh… “Chúng tôi mới hoàn thành khoảng 50% sản phẩm. Sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ tham gia một số cuộc thi khởi nghiệp. Đồng thời, tìm nhà đầu tư để đưa sản phẩm đến được với nhiều người hơn”, Xuân Vinh cho biết. Tuy có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nhưng trình độ tiếng Anh của Vinh còn hạn chế nên việc nghiên cứu của Vinh và các bạn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Vinh đang học tiếng Anh bằng các phần mềm trên điện thoại cũng như học qua các tài liệu chuyên ngành để phục vụ cho việc nghiên cứu đạt hiệu quả hơn…

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ giao lưu văn hóa với sinh viên Thái Lan. Ảnh: CTV

Ước mơ thi đậu vào Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh không thành, Khưu Tấn Bửu (23 tuổi, ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) quyết tâm biến ý tưởng về hội họa của bản thân thành các tác phẩm mỹ thuật làm từ gạo. Tấn Bửu đã nghiên cứu cách làm cho hạt gạo được giữ lâu khi ghép thành tranh; đồng thời, không ngừng tìm ra những mẫu hàng mới. Đến nay, tranh gạo của Tấn Bửu đã được nhiều khách trong và ngoài nước đặt hàng. Bên cạnh đó, Tấn Bửu cũng tạo việc làm cho 7 đoàn viên thanh niên với thu nhập khoảng 2,6-3 triệu đồng/tháng. Do một số bạn làm chung còn tham gia công tác Đoàn, đi học, nên Tấn Bửu đã tạo điều kiện tốt nhất để các bạn vừa học, vừa làm. Các bạn thoải mái tinh thần  nên làm việc khá hiệu quả, có nhiều ý tưởng đột phá. Bửu đang huấn luyện một số bạn kỹ năng quản lý nhân sự, sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu kinh doanh trong thời gian tới.

Sau gần một năm rưỡi ra mắt mô hình làm tranh gạo, mới đây, Tấn Bửu đã nghiên cứu thành công việc đưa những họa tiết kết bằng hạt gạo lên túi xách và áo dài. Dự kiến, đầu tháng 1-2018, các sản phẩm này sẽ có mặt ở thị trường. Theo Tấn Bửu, các sản phẩm tranh gạo khá lý tưởng để làm quà tặng nhưng gặp nhiều hạn chế khi người mua muốn mang ra nước ngoài. Bởi bức tranh có thích thước nhỏ thì dễ mang đi, nhưng không thể hiện được hết cái hồn của tranh. Còn bức tranh quá lớn thì bất tiện trong việc vận chuyển. Vì vậy, Bửu nghĩ ra cách tạo những bức tranh mang đậm bản sắc Việt Nam trên các sản phẩm thời trang. Tấn Bửu cho biết: “Các sản phẩm được đưa ra nước ngoài sẽ góp phần giới thiệu về văn hóa Việt Nam đến bạn bè các nước. Quan trọng nhất, tôi nghĩ việc kinh doanh trong thời kỳ hội nhập cần có những đột phá, ý tưởng mới”.

Vững bước hội nhập

Theo anh Vi Nhật Bình, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, nhằm hỗ trợ sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, hội nhập quốc tế, Ban Giám hiệu trường tổ chức nhiều hoạt động, các cuộc thi sản phẩm sáng tạo, các hội nghị về lĩnh vực công nghệ thông tin; giao lưu với sinh viên đến từ các nước Hàn Quốc, Thái Lan… Hằng năm, Ban Giám hiệu trường còn chọn các sinh viên tiêu biểu tham dự các chuyến giao lưu với sinh viên ở các trường đại học tại Thái Lan. Hơn năm qua, Hội Sinh viên trường thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh, với khoảng 60 thành viên. Đây là nơi để các sinh viên rèn luyện kỹ năng tiếng Anh, giao lưu với sinh viên đến từ các nước. Anh Vi Nhật Bình cho biết: “Hội nhập tốt là một trong 5 tiêu chí xét sinh viên “5 tốt”. Do đó, Đoàn trường, Hội Sinh viên trường thường xuyên tổ chức các hoạt động để sinh viên rèn luyện”. Trong đó, Đoàn trường tập trung vào việc nâng cao khả năng tiếng Anh, hỗ trợ sinh viên thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp trên lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử. Đoàn trường cũng khuyến khích các bạn sinh viên tham các cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp để rút ra bài học bổ ích, ngày càng hoàn thiện sản phẩm để đến với người tiêu dùng...

Sau thành công của mô hình làm tranh gạo, Tấn Bửu đã nghiên cứu thành công in tranh gạo lên túi xách, áo dài.

Hội nhập quốc tế là thời cơ và cũng nhiều thách với các bạn trẻ giàu ý tưởng khởi nghiệp. Do đó, ngoài năng lực, các bạn trẻ cũng cần sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn – Hội, các ngành liên quan. Đây sẽ điều kiện giúp các bạn nâng cao kiến thức, có nhiều cơ hội khởi nghiệp. Nguyễn Xuân Vinh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, chia sẻ: “Khi tham gia vào không gian làm việc chung ở Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên thành phố, tôi đã có nhiều bạn bè và học được những điều bổ ích về khởi nghiệp. Đó không chỉ là việc áp dụng những kiến thức học được vào những sản phẩm mà còn là đổi mới tư duy, suy nghĩ ra những sản phẩm mang tính khả thi”. Khưu Tấn Bửu thì cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên thành phố đã cho Bửu mượn miễn phí một căn phòng rộng khoảng 15 m2 để làm nơi gia công các sản phẩm từ gạo. Bên cạnh đó, Thành đoàn, Quận đoàn Ninh Kiều, Đoàn phường Cái Khế cũng giúp Bửu giới thiệu sản phẩm tranh gạo đến với nhiều người. Dù bước đầu thành công, nhưng khởi nghiệp trong thời kỳ hội nhập cũng khiến Bửu gặp nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh của các mặt hàng tranh khác, như: tranh thêu chữ thập, tranh đá… “Tôi nghĩ, khi có ý tưởng, cần chia sẻ với mọi người. Bởi ý tưởng không biến thành sản phẩm sẽ không có giá trị. Vì vậy, tôi sẽ mở một cửa hàng dịch vụ cho thuê các loại quần áo được đính các họa tiết tranh gạo. Kèm theo đó là dịch vụ trang điểm, tư vấn thời trang cho phụ nữ. Nếu việc này thực hiện được sẽ giúp nhiều bạn trẻ có cơ hội nâng cao tay nghề, sử dụng hiệu quả kiến thức học được”.

Anh Huỳnh Thái Nguyên, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, cho biết: Hằng năm, Thành đoàn phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi liên quan đến sáng tạo khoa học kỹ thuật, các cuộc thi khởi nghiệp. Qua đó, giúp các đoàn viên thanh niên, học sinh phát triển tư duy sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm phục cộng đồng. Đối với việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Ban Thường vụ Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên thành phố, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên thành phố tổ chức các phiên chợ khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp nhằm tạo môi trường để các bạn trẻ làm việc nhóm, tiếp cận nhà đầu tư, nhà khoa học… Hiện nay, Thành đoàn đang hỗ trợ 3 nhóm khởi nghiệp của thanh niên với hình thức xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tham gia các chương trình khởi nghiệp, hội chợ…

Sắp tới, Thành đoàn sẽ tạo điều kiện để các bạn trẻ có những sân chơi sáng tạo về khoa học kỹ thuật, ý tưởng kinh doanh cũng như tổ chức hoạt động giao lưu với các doanh nhân trên địa bàn thành phố nhằm định hướng cho đoàn viên thanh niên trong quá trình khởi nghiệp. “Chúng tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khởi nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị cao, mang tính trí tuệ để bắt kịp với sự tiến bộ của thế giới. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng tôi nghĩ hội nhập là thời cơ để các bạn trẻ khẳng định bản thân thông qua sự dấn thân, dám biến ý tưởng thành sản phẩm và sẵn sàng bước đi trên con đường khởi nghiệp sau những lần thất bại”, anh Huỳnh Thái Nguyên cho biết.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết