05/12/2009 - 21:13

Sáng mãi phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"

Rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong những cựu chiến binh (CCB) ngày càng ngời sáng. Vượt qua những khó khăn do tuổi cao, thương tật... các cô, chú CCB vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên, không chỉ để làm giàu cho bản thân mà còn tích cực cống hiến góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp...

1. Cảm nhận của chúng tôi khi trò chuyện với chú Nguyễn Văn Sơn, hội viên CCB ở khu vực 4, phường An Thới (quận Bình Thủy) là sự mến khách, chân tình và nét chất phác của một người lính. Chú Sơn kể: “Năm 1961, tôi tham gia vào Ban Binh vận tỉnh Cà Mau, theo các cô chú làm công tác vận động binh lính bỏ súng quay về với đồng bào. Đến tháng 7-1962 tôi nhập ngũ, công tác tại Phòng Chính trị T3 (Cục Chính trị Quân khu 9 bây giờ - PV). Hòa bình lập lại, tôi tiếp tục công tác tại Cục Chính trị Quân khu, rồi chuyển sang thanh tra viên Quân khu cho đến năm 2001 mới nghỉ hưu...”.

Chú Nguyễn Văn Sơn 

Vừa rời quân ngũ, chú Sơn được đảng viên Chi bộ 2, thuộc Đảng bộ bộ phận Khu vực 4, tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Chú tâm sự: “Sau nhiều năm công tác, tôi dự định khi nghỉ hưu sẽ dành thời gian để nghỉ ngơi, nhưng rồi chẳng an tâm khi thấy công việc ở địa phương còn rất bộn bề, nên tiếp tục chung vai gánh vác cùng các đồng chí”. Nhiều đảng viên trong chi bộ kể lại, hồi ấy, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phức tạp, các tuyến hẻm của khu vực xuống cấp đi lại khó khăn. Với vai trò Bí thư, chú Sơn đã cùng tập thể Chi ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo các lực lượng tăng cường công tác tuần tra, canh gác, giữ gìn an ninh trật tự và vận động bà con nâng cấp các tuyến hẻm trong khu vực. Từ năm 2006, chú Sơn được phân công giữ nhiệm vụ Phó trưởng Khu vực 4, phụ trách công tác quốc phòng - an ninh của khu vực. Chú thường xuyên tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về Luật Nghĩa vụ Quân sự, Pháp lệnh Dân quân tự vệ, Dự bị động viên; vận động thanh niên tham gia Tiểu đội Dân quân tại chỗ và Tổ Bảo vệ dân phố của khu vực, thường xuyên tuần tra, canh gác, bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương. Những ngày lễ, tết, chú cùng các hội viên CCB khác còn tham gia tuần tra, canh gác với các lực lượng... Nhờ vậy, nhiều năm qua tình trạng trộm cắp, gây rối trật tự trên địa bàn giảm hẳn, công tác giao quân ở khu vực 4 luôn đạt chỉ tiêu trên giao...

Không chỉ gương mẫu trong công tác ở địa phương, chú Sơn còn là đảng viên, hội viên CCB tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chú Sơn tâm sự: “Trong những đức tính của Người, tôi kính phục nhất là đức hy sinh, luôn sống vì mọi người, đặt lợi ích của tập thể, cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân mình”. Học tập và làm theo tấm gương Bác, chú Sơn đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho cộng đồng bằng những việc làm có ý nghĩa: Để phục vụ bà con đi lại, học sinh đến trường dễ dàng, tháng 4-2009 vừa qua, chú Sơn đã hiến 90m2 đất để mở con đường rộng 3 mét thông từ hẻm 162/55 đến hẻm 162/48 và mua đá rải đoạn đường này giúp bà con đi lại dễ dàng. Trước đó, năm 2007, chú Sơn cũng đã hiến một phần đất cho bà con đào mương thoát nước. Việc làm của chú đã được mọi người dân cảm kích. Anh Lê Văn Dũng, một người dân sống trong hẻm 162/48, bày tỏ: “Trong thời buổi đất đai ở thành phố đang có giá trị, nghĩa cử cao đẹp của chú Sơn làm chúng tôi rất kính phục”.

Chú bộc bạch: “Dù không thể thực hiện được ý định “nghỉ ngơi”, nhưng tôi không buồn, bởi niềm hạnh phúc của chúng tôi, những người từng “lính Cụ Hồ” chính là được cống hiến vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.

2. Thời chiến tranh, chú Lê Văn Hớn (xã Giai Xuân, huyện Phong Điền) tham gia du kích xã, rồi gia nhập bộ đội. Năm 1965, chú bị thương nặng trong trận đánh đồn Tô Ma ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang... Sau chiến tranh, chú Hớn trở về địa phương với tỷ lệ thương tật đến 81%, cụt mất một tay, chấn thương cột sống, lưng bị còng xuống, đi lại khó khăn... Song, với bản lĩnh, nghị lực phi thường của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, chú đã vượt qua mọi khó khăn để vừa gầy dựng và phát triển kinh tế gia đình, vừa tham gia công tác Hội. Giờ đây, người ta nhắc đến chú Hớn vừa là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc màu da cam (NNCĐMDC) huyện tận tâm, một CCB gương mẫu.

Chú Lê Văn Hớn 

Để có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, chú thương binh Lê Văn Hớn ngày nào đã phải trải qua một thời kỳ dài lao động vất vả. Chú kể: “Sức khỏe yếu, lại bị thương tật, không thể làm việc nặng, nhưng tôi luôn nghĩ, trong chiến tranh hy sinh, gian khổ vậy mình còn vượt qua được, bây giờ lẽ nào cam chịu đói nghèo?...Thế là tôi cùng vợ trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Hễ nghe đâu có mô hình sản xuất hay, đạt hiệu quả, tôi đều tìm đến học hỏi kinh nghiệm”. Bây giờ, mảnh vườn tạp hơn 9.000m2 của gia đình đã được chú Hớn cải tạo thành vườn táo xum xuê, trĩu quả. Chú còn đào ao nuôi cá trê, trồng xen đậu, dưa để “lấy ngắn nuôi dài”, ước tổng lợi nhuận hàng năm khoảng 70-80 triệu đồng. Kinh tế gia đình khá giả, con cái đã lớn và có công việc ổn định, chú Hớn càng yên tâm, dành nhiều thời gian gắn bó với công tác Hội.

Chú Hớn trước đây nguyên là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội CCB xã Giai Xuân (giai đoạn 1995- 2006). Sau do sức khỏe yếu, nên chú xin về nhà nghỉ ngơi, tịnh dưỡng... Năm 2007, khi Hội NNCĐMDC huyện thành lập, chú lại được cơ cấu vào Ban chấp hành, giữ chức Phó Chủ tịch Hội, phụ trách địa bàn hai xã Giai Xuân và Mỹ Khánh. Chú bộc bạch: “Trong thời gian làm Chủ tịch Hội CCB xã, tôi còn nhiều điều tâm huyết chưa làm được cho anh em hội viên, nhưng vì sức khỏe ngày càng yếu, đi lại khó khăn nên đề bạt đồng chí khác còn trẻ, năng nổ lên thay. Nay được anh em tin tưởng giao phó công việc mới, tôi nghĩ mình còn cống hiến được việc gì có ích cho xã hội thì nên làm”. Giờ đây, cứ vào thứ 2, thứ 6 hàng tuần, người ta lại thấy chú Hớn vượt hơn 5 km đường bằng xe đạp ra huyện họp bàn kế hoạch quyên góp, ủng hộ nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc màu da cam hay đến nhà thăm hỏi những nạn nhân đau yếu.

Ngày trước, khi còn làm Chủ tịch Hội, chú Hớn thường xuyên đề xuất lãnh đạo; vận động hội viên đóng góp tiền bạc, công sức xây cất nhà tình nghĩa, tình thương đồng đội cho hội viên nghèo, gia đình chính sách. Chú cũng thường xuyên đến từng nhà hội viên CCB để giúp đỡ, động viên anh em vượt khó. Chú chia sẻ: “Lúc đầu, vẫn còn một số ít anh em mặc cảm với thân thể không lành lặn, nên có những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Tôi cùng các anh em CCB khác phải thường xuyên đến nhà vận động, an ủi... để những đồng chí đó tham gia vào công tác của địa phương, tích cực làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo”. Cách làm của chú Hớn được các đồng chí lãnh đạo Hội CCB xã Giai Xuân tiếp tục phát huy, nhờ vậy mà hiện nay tỷ lệ gia đình hội viên CCB nghèo ở xã Giai Xuân đã giảm hẳn, chỉ còn 5/ 135 hộ. Nhận xét về người anh, người đồng chí đã nhiều năm gắn bó, chú Lê Quang Nhanh, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Giai Xuân, cho biết: “Với bất kỳ vai trò nào, anh Hớn cũng luôn tích cực đi đầu, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ hội viên khó khăn, xứng đáng là tấm gương sáng cho anh em CCB noi theo”.

3. Đang học Trung cấp lý luận chính trị, nhưng chị Trần Ngọc Ánh, Chủ tịch Hội CCB xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, vẫn tranh thủ những ngày nghỉ để lập kế hoạch thực hiện công trình mang tên Hội năm 2010, kết hợp cùng các đoàn thể vận động bà con bắc cầu, nâng cấp lộ... Chị bộc bạch: “Trường Thắng là một xã ngoại thành, lại mới thành lập, nên đời sống bà con mình còn khó khăn, cán bộ cơ sở làm được việc gì giúp dân thì cứ nỗ lực mà làm”.

Chị Trần Ngọc Ánh 

Chị Ánh nguyên là y sĩ của Bệnh xá Tỉnh đội Cần Thơ. Năm 2001, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị xin phục viên, chuyển sinh hoạt Đảng về quê chồng ở xã Trường Thành, Ô Môn (cũ). Chỉ sau một năm về địa phương, dù kinh tế gia đình còn bấp bênh, con gái đầu lòng mới hơn 1 tuổi, nhưng chị tình nguyện tham gia công tác Hội Phụ nữ ở ấp. Năm 2006, chị Ánh được đề bạt giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo xã Trường Thành. Đầu năm 2009, khi chia tách xã Trường Thành, thành lập xã Trường Thắng, chị Ánh tình nguyện về xã mới, giữ chức vụ Chủ tịch Hội CCB. Theo nhiều cán bộ xã Trường Thắng, do mới thành lập, xã còn bộn bề khó khăn, nhất là các tuyến đường giao thông nông thôn xuống cấp nghiêm trọng. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, chị Ánh vận động các Chi hội, hội viên CCB xã phối hợp cùng các đoàn thể tích cực vận động bà con nâng cấp cầu, lộ giao thông. Chị cùng các đồng chí CCB đến từng hộ dân vận động, quyên góp tiền thực hiện nhiều công trình. Trong gần 1 năm qua, Hội CCB đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động bê tông hóa trên 10km ở các ấp Trường Bình, Trường Lợi, Trường Phú, Trường Khánh... với tổng số tiền gần 1,7 tỉ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 700 triệu và hiến đất, hoa màu. Có được lộ đẹp, chị Ánh tiếp tục đề ra kế hoạch cùng các hội viên vận động bà con làm hàng rào cây xanh, quét dọn giữ vệ sinh môi trường, phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vận động người lớn sống mẫu mực, con cháu hiếu thảo...

Chị Ánh bộc bạch: “Trong năm 2010, Hội CCB xã Trường Thắng sẽ tập trung thực hiện các công trình phúc lợi xã hội; vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, hỗ trợ hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng... Được các hội viên, nhân dân tin tưởng tôi nguyện sẽ tiếp tục cống hiến sức mình, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, quê hương Trường Thắng ngày càng phát triển”.

4. Trong nhà ông Trần Phi Hổ (Sáu Hổ), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, phía trên bàn thờ tổ tiên của gia đình là cờ Đảng, cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng. Ông Sáu Hổ nói: “Đây là cách tôi giáo dục các thế hệ cháu con trong gia đình phải luôn kính trọng, học tập gương sáng của Bác Hồ; đồng thời phải có trách nhiệm giữ gìn những thành quả cách mạng mà ông cha ta đã không tiếc máu xương có được”. Không chỉ giáo dục trong gia đình, thời gian qua, ông Sáu Hổ còn vận động trong các hội viên CCB đều treo ảnh Bác.

Chú Trần Phi Hổ 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, chàng trai Sáu Hổ đã tình nguyện gia nhập đơn vị địa phương quân của huyện Thốt Nốt. Trong một trận chiến đấu, ông bị thương, là thương binh hạng 3/4. Ông Sáu Hổ bộc bạch: “Khi phục viên trở về quê, cảnh gia đình khó khăn, với 5 đứa con trong tuổi ăn học. Tôi rất lo lắng, nhưng tôi nghĩ mình chiến thắng được kẻ thù thì phải chiến thắng được đói nghèo”. Với suy nghĩ ấy, ông đã vượt qua đau đớn hành hạ thể xác do những mảnh đạn vẫn còn nằm trong người để cùng vợ bắt tay cải tạo lại mảnh ruộng và lên một số bờ trồng chuối, mít, xoài... Bên cạnh đó, ông còn đầu tư chăn nuôi heo, mua máy suốt, xới để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Giờ đây, khi các con khôn lớn, ông tiếp tục đầu tư ghe để mua lúa về xay gạo bán... Không chỉ làm giàu cho bản thân, với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ông thường xuyên gần gũi, động viên các hội viên chí thú làm ăn, sống tiết kiệm; hỗ trợ bằng cách vận động cất nhà tình thương đồng đội, đứng ra bảo lãnh cho các hội viên vay vốn ngân hàng. Anh Phạm Hồng Kha ở ấp Bờ Bao, thị trấn Thạnh An, kể: Gia đình tôi chỉ có 2 công ruộng, phải làm thuê mới có tiền đắp đổi hàng ngày, nên đâu có tiền để tu bổ căn nhà tre lá tạm bợ. Vừa qua, nhà tôi bị bão làm tốc mái, hư hỏng nặng. Thấy vậy, các chú trong Hội CCB đã vận động các hội viên đóng góp giúp tôi sửa lại căn nhà. Trong những ngày gia đình tôi gặp khó khăn, chú Sáu Hổ là người thường xuyên đến nhà động viên tôi làm ăn, chi tiêu tiết kiệm và còn bảo lãnh cho tôi vay vốn chăn nuôi ếch... Nhờ thế mà cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn, vươn lên thoát nghèo”.

Không chỉ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ giúp nhau thoát nghèo, ông Sáu Hổ cùng các chú trong Ban chấp hành Hội CCB thị trấn còn vận động các hội viên tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, nhằm xây dựng, phát triển địa phương. Mới đây, hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Hội CCB Việt Nam, ông Sáu Hổ đã vận động gia đình hội viên CCB Phạm Ngọc Trác đóng góp 14 triệu đồng, các hội viên CCB góp thêm 7 triệu đồng cùng với 2 triệu đồng của Đảng ủy xã hỗ trợ để bắc cây cầu ở ấp Phụng Quới B dài 11m, ngang 2,5 mét. Hiện nay, các hội viên CCB của thị trấn đã và đang tiếp tục vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động góp sức cùng Nhà nước thực hiện bê tông tuyến đường ở ấp Phụng Quới A dài 3.300 mét. Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân để thực hiện theo lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, năm 2008, ông Sáu Hổ vinh dự được Thành ủy tặng Huy hiệu Bác Hồ. Ông Sáu Hổ bộc bạch: “Những phẩm chất cao quý của Bác Hồ luôn là tấm gương để tôi noi theo. Học tập và làm theo tấm gương của Bác giúp tôi có thêm ý chí, bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn”.

NHÓM PHÓNG VIÊN CHÍNH TRỊ

Chia sẻ bài viết