19/10/2015 - 20:18

Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vùng khoang miệng

Ung thu (UT) vùng khoang miệng gồm UT: lưỡi, nướu răng, niêm mạc má, môi, khẩu cái. Trong đó UT lưỡi chiếm đa số. UT vùng khoang miệng có tỷ lệ mắc khá cao, chiếm từ 5% - 10% tổng số ca UT. Nếu phát hiện sớm, UT vùng khoang miệng có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, đáng tiếc đa số ca bệnh khi đến điều trị đều ở giai đoạn III và IV (giai đoạn muộn)…

* Đa số đến muộn

 Bác sĩ Cao Quốc Trung thăm hỏi bệnh nhân Nguyễn Đắc Toàn.

Tại Khoa Xạ, Bệnh viện Ung Bướu (BVUB) TP Cần Thơ, bệnh nhân Nguyễn Đắc Toàn, phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long đang điều trị UT lưỡi, giai đoạn IV. Khi bệnh nhân Toàn há miệng ra cho bác sĩ khám thì vùng miệng hầu như sưng, lở loét hoàn toàn. Bệnh nhân không ăn được, chỉ uống sữa, nói rất khó khăn. Vợ bệnh nhân Toàn cho biết: "Cuối năm 2014, trong miệng chồng tôi nổi mụn bằng đầu ngón tay út, ăn uống khó khăn. Tưởng bị nóng trong người, nổi đẹn, tôi mua thuốc tây cho ảnh uống nhưng bệnh không thuyên giảm. Tôi đưa ảnh đi khám 3 bệnh viện ở TP Cần Thơ, bác sĩ đều nói bị viêm loét dạ lưỡi và cho uống thuốc vẫn không có tác dụng gì. Đến khi khám ở BVUB TP Hồ Chí Minh, bác sĩ nói ảnh bị UT lưỡi và tư vấn nên mổ nhưng ảnh không chịu mà muốn về nhà trị thuốc nam. Ai chỉ uống thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tây, ảnh đều làm theo. Bệnh ngày càng tăng, ảnh chảy máu miệng rất nhiều. Gia đình đưa đến bệnh viện ở tỉnh Vĩnh Long cấp cứu và chuyển sang bệnh viện này. Bác sĩ nói bệnh ảnh ở giai đoạn cuối rồi, phải chi ảnh chịu đi khám bệnh sớm…".

Theo các bác sĩ ở BVUB TP Cần Thơ, rất nhiều trường hợp như bệnh nhân Toàn. Đa số bệnh nhân bị UT vùng khoang miệng đến bệnh viện ở giai đoạn muộn do nhiều nguyên nhân: điều kiện kinh tế khó khăn; bệnh ở giai đoạn sớm còn sức chịu đựng; sợ mổ, điều trị thuốc nam, thuốc bắc... Đến khi bệnh trở nặng, không còn sức chịu đựng mới đi bác sĩ. Hầu hết bệnh nhân bị UT vùng khoang miệng không có cảm giác đau ở giai đoạn sớm nên bệnh nhân thường chủ quan và không đi khám. Có nhiều triệu chứng để nhận biết UT khoang miệng, trong đó thường gặp nhất là những vết loét không liền ở lưỡi, sàn miệng hoặc niêm mạc má. Các vết loét này có thể đau, chảy máu nhưng ở giai đoạn sớm; có trường hợp lại không gây khó chịu gì. Bệnh này dễ nhầm lẫn với loét miệng. Theo bác sĩ Cao Quốc Trung, BVUB TP Cần Thơ: "Viêm loét miệng thông thường sẽ khỏi tự nhiên trong khoảng từ 1-2 tuần hoặc chậm nhất là một hay hai tháng vì niêm mạc miệng có tốc độ tái tạo cao. Vì thế, nếu viêm loét kéo dài thì nên nghi ngờ và đến bác sĩ chuyên khoa ung bướu để được khám, sinh thiết chẩn đoán. Ngoài ra, nếu viêm loét thông thường thì vết loét thường nong, nhỏ, mềm mại, màu sắc thường hồng hoặc đỏ, đau rát nhiều, đôi khi kèm sốt nổi hạch viêm; còn UT thường vết loét ngày càng to, sượng chắc". Việc phát hiện sớm bệnh có vai trò quan trọng quyết định sự sống còn của bệnh nhân. Bác sĩ Cao Quốc Trung, cho biết thêm: "Nếu bệnh UT vùng khoang miệng phát hiện sớm ở giai đoạn I, khả năng bệnh nhân sống thêm 5 năm và khỏi hoàn toàn có thể lên đến 60% - 90%. Nhưng nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn III), khả năng sống thêm 5 năm chỉ khoảng 30-40% và giai đoạn IV, chỉ còn 20-30%. Tuy nhiên, tỷ lệ này thay đổi theo từng cá nhân, bệnh lý kèm theo, khả năng các liệu pháp điều trị. Chưa kể nếu bệnh được phát hiện sớm, bác sĩ chỉ cần phẫu thuật cắt trọn khối u. Nếu ở giai đoạn muộn, khi phẫu thuật xong, bệnh nhân được xạ trị, hóa trị kèm theo, tốn kém nhiều mà khả năng sống thêm rất thấp".

* Cần phát hiện sớm

Việc phát hiện sớm UT vùng khoang miệng quyết định thời gian sống thêm và khả năng điều trị thành công cho bệnh nhân. Vì thế, chương trình mục tiêu quốc gia đưa UT vùng khoang miệng vào danh sách UT sàng lọc, phát hiện sớm ở cộng đồng. Trong tháng 8 và 9 - 2015, BVUB TP Cần Thơ tổ chức đoàn khám, sàng lọc, phát hiện sớm UT vùng khoang miệng cho 300 bệnh nhân huyện Vĩnh Thạnh. Kết quả, không có bệnh nhân bị UT vùng khoang miệng nhưng phát hiện nhiều tổn thương nghi ngờ ở giai đoạn tiền lâm sàng và khuyến cáo người dân đến khám ở cơ sở chuyên khoa ung bướu. Theo bác sĩ Cao Quốc Trung, người dân có thể tự phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bị UT khoang miệng khi vệ sinh răng miệng hàng ngày. Các dấu hiệu tiền lâm sàng để phát hiện sớm UT vùng khoang miệng: Niêm mạc miệng, hốc miệng thay đổi màu sắc (trắng bệch, nhợt nhạt hoặc đỏ), dày niêm mạc, khi chạm vào dễ chảy máu. Một số bệnh nhân vô tình đi khám nha khoa, phát hiện ra bệnh. Ở giai đoạn lâm sàng (giai đoạn I), có u sùi trong miệng, hốc miệng, dễ chảy máu. Ở giai đoạn II, u sùi có thể gây đau, nhai, nuốt khó khăn. Khi bệnh nhân có các dấu hiệu trên, cần đi khám tại bác sĩ chuyên khoa ung bướu hoặc bệnh viện có chuyên khoa ung bướu để được khám, điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh UT vùng khoang miệng chưa được xác định chính xác. Đây là loại trong nhóm 10 loại UT thường gặp ở nam giới, tỷ lệ mắc bệnh này ở nam cao hơn nữ. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi trên dưới 50. Tuổi càng lớn nguy cơ mắc bệnh càng cao. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: uống rượu, hút thuốc lá, ăn trầu, súc miệng bằng các loại nước súc miệng thơm, khử mùi có chứa cồn, vệ sinh răng miệng kém... Đối với những bệnh nhân lớn tuổi có các yếu tố nguy cơ, khi có dấu hiệu bất thường vùng khoang miệng, cần khám bệnh sớm để được điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết