10/02/2018 - 10:33

Sách hay ngày Tết 

Xuân Mậu Tuất 2018, Báo Cần Thơ xin giới thiệu đến độc giả một số sách hay về lịch sử, văn hóa, món ăn…  góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần trong những ngày Tết.

Sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 qua những trang sách sử

Kỷ niệm 50 năm diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhiều đầu sách viết về sự kiện này được xuất bản, góp phần giúp độc giả tìm hiểu chi tiết, cụ thể về mốc son lịch sử của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiêu biểu như: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật), “50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Những giá trị lịch sử” (NXB Hồng Ðức), “Thư mục kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968” (NXB Thanh Niên)…

Trong đó, “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học  lịch sử”  (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật) là công trình nổi bật, gồm 100 bài viết với các góc nhìn đa chiều và những phân tích, nhận định về cuộc tổng tiến công năm 1968. Các bài viết này vốn là những tham luận của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Phần nội dung thứ nhất là các bài viết tái hiện chiến dịch hào hùng, khẳng định chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phần nội dung thứ hai là những nhìn nhận, đánh giá thành quả, hạn chế trong cuộc tổng tiến công.

Tìm hiểu những giai phẩm Xuân xưa

Giai phẩm Xuân, còn gọi là Báo Xuân, là một nét văn hóa đặc biệt của báo chí Việt Nam trong dịp Tết. Năm 1918, tờ “Nam Phong tạp chí” lần đầu tiên ra mắt số đặc biệt với 126 trang nhân dịp mừng Xuân mới. Từ đó đến nay, đã tròn 1 thế kỷ, báo Xuân trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người Việt Nam.

Nhà báo Phạm Công Luận đã cất công sưu tầm, sắp xếp hình ảnh, tư liệu về những tờ báo Xuân từ xưa đến nay để biên soạn thành cuốn sách “Sài Gòn – phong vị báo Xuân xưa” (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) mang đến cho công chúng cái nhìn đặc sắc về những tờ báo Xuân đã từng hiện diện trong đời sống tinh thần của người dân miền Nam nói chung và thị dân Sài Gòn nói riêng ngày trước.

Sách gồm 3 phần: “Vài họa sĩ trong làng Báo Xuân Sài Gòn”, “Một số bài báo đặc sắc trên các giai phẩm Xuân xưa”, “Biếm họa – Minh họa – Bìa giai phẩm xuân xưa”. Qua đó, tác giả lần lượt điểm qua từng bước thăng trầm, biến đổi của thời cuộc đã tạo nên diện mạo và tính chất riêng biệt cho mỗi giai phẩm Xuân.

Ẩm thực ngày Tết

Ăn uống là một trong những vấn đề quan trong trong dịp Tết. Tác giả Mai Oanh giới thiệu đến độc giả cuốn sách “Món ngon ngày Lễ Tết” (NXB Hồng Đức). Với những bài viết cụ thể, hướng dẫn từ việc xây dựng thực đơn, lựa chọn thực phẩm cho đến khâu chế biến, tác giả giúp những người nội trợ làm nên những món ăn hợp khẩu vị để bữa tiệc ngày xuân của gia đình thêm ấm áp và ngon miệng.

Nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh cũng vừa ra mắt bộ sách mới “Nấu ngon ăn lành” gồm 2 cuốn: “20 món mặn ngon - lành và dễ nấu” và “20 món chay ngon - lành và dễ nấu”. Bộ sách chính là tâm niệm của tác giả với mong muốn truyền tải cách nấu những món ăn truyền thống Việt Nam đến mỗi gia đình Việt, để ai cũng có thể mang đến “cơm lành, canh ngọt” cho những người thương yêu; đồng thời “tiếp thị” món ăn Việt đến bạn bè quốc tế.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết