14/07/2018 - 17:00

Sẵn sàng đưa vốn vào sản xuất, đồng hành cùng nhà đầu tư 

 

Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ đã tổ chức triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành về tiền tệ và hoạt động ngân hàng của Thủ tướng Chính phủ, NHNN, đảm bảo sự ổn định, an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng trên địa bàn. NHNN Chi nhánh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tăng cường các giải pháp huy động vốn, mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên... Chia sẻ về kết quả hoạt động của ngành ngân hàng trong 6 tháng qua, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết:

Trong 6 tháng đầu năm, kết quả hoạt động của thành phố nói chung và ngành ngân hàng trên địa bàn nói riêng đều phát triển. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của thành phố tăng cao so với cùng kỳ 7,43%. Cùng đó, ngành ngân hàng hoạt động  tăng trưởng vượt bậc so với những năm gần đây. Vốn huy động đạt 69.858 tỉ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm 2018, kỳ hạn trung và dài hạn tăng cao hơn và chiếm tỷ lệ khá lớn 37,82%. Tín dụng tăng trưởng cao và đến cuối tháng 6 đạt 73.027 tỉ đồng, tăng 8,30% so với đầu năm. Tín dụng tăng trưởng tập trung ở lĩnh vực sản xuất, như cho vay nông nghiệp, cho vay lĩnh vực ưu tiên, xuất khẩu, sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo, thủy sản...  Đặc biệt, trong lĩnh vực cho vay hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách hộ đồng bào dân tộc…, tăng trưởng tín dụng rất tốt và đạt mức dư nợ khá lớn so với vùng ĐBSCL với trên 2.114 tỉ đồng.

Điều đáng quan tâm là kể từ khi ngành ngân hàng chỉ đạo quyết liệt về xử lý nợ xấu và tái cơ cấu TCTD theo Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu TCTD, các Ngân hàng, các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đều hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, không có quỹ tín dụng nào yếu kém. Nghị quyết 42 đi vào cuộc sống đã góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn chỉ còn 1,92%. Như vậy, sau nhiều năm phấn đấu kiên trì Cần Thơ là địa bàn có tỷ lệ nợ xấu thấp ở khu vực ĐBSCL. Công tác dịch vụ thu đổi ngoại hối, kiều hối, dịch vụ thanh toán trên địa bàn phát triển mạnh. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt 6 tháng đầu năm tăng cao so những năm trước và được đảm bảo an toàn. NHNN Cần Thơ đã thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn khi có quan hệ tín dụng với ngân hàng hoặc gặp khó khăn trong các vấn đề liên quan đến thị trường, ngoại hối, các vấn đề liên quan khác; tham gia các cuộc đối thoại ngân hàng, doanh nghiệp. Qua đó ngành ngân hàng và doanh nghiệp đã hiểu nhau và hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN
Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

* Ngày 10-8 sắp tới, TP Cần Thơ sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018. Ông có đánh giá gì về tiềm năng thu hút đầu tư của thành phố?

Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL, có địa giới hành chính kết nối rất gần với trung tâm các tỉnh với khoảng cách trung bình nằm trong vòng bán kính 60km. Như vậy người dân các tỉnh lân cận có nhiều lựa chọn để mua sắm, tiêu dùng tại Cần Thơ nên ngành thương mại, dịch vụ của Cần Thơ có điều kiện thuận lợi phát triển nhanh hơn và trở thành trung tâm thương mại dịch vụ của vùng. Bên cạnh đó, Cần Thơ còn là trung tâm giáo dục-đào tạo, y tế, có cảng biển, cảng hàng không, đường bộ đi các tỉnh thuận lợi, có lợi thế cạnh tranh tương đối và tuyệt đối so với các tỉnh ĐBSCL. Trong quan hệ thương mại hiện nay không còn  tính trên khoảng cách bao xa mà là mất bao lâu thời gian để kết nối giữa điểm đi và điểm đến. Do đó, với hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi, có cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, các nhà đầu tư và chuyên gia sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi chọn đến Cần Thơ đầu tư và làm việc.

* Như vậy, ngành ngân hàng sẽ làm gì để thể hiện sự đồng hành cùng các nhà đầu tư, thưa ông?

 Ngành ngân hàng thành phố hiện tập trung đông đủ và đa dạng với 48 tổ chức tín dụng, 257 điểm giao dịch ngân hàng với các dịch vụ phong phú và đa dạng. Các TCTD không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng cạnh tranh. Thời gian qua, ngành ngân hàng hỗ trợ tốt cho các hoạt động đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến với Cần Thơ. Đơn cử như sự có mặt của Chi nhánh Ngân hàng Liên doanh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài trên địa bàn TP Cần Thơ chuyên phục vụ các nhà đầu tư đến từ Hồng Công, Đài Loan... Sắp tới sẽ có thêm ngân hàng đến từ Hàn Quốc sẽ thành lập chi nhánh tại Cần Thơ để hỗ trợ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc và doanh nghiệp thành phố cũng như các hoạt động giao thương xuất nhập khẩu giữa doanh nghiệp Cần Thơ và doanh nghiệp Hàn Quốc.

Mới đây, NHNN Chi nhánh Cần Thơ cũng vừa tháp tùng Thường trực Thành ủy đến làm việc với hội sở các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn tại Hà Nội. Chuyến đi này nhằm thông tin đến các NHTM về Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ vào tháng 8 sắp tới. Các ngân hàng rất vui được dự Hội nghị và cam kết sẽ tham gia đầu tư các dự án kêu gọi đầu tư của thành phố, hỗ trợ tốt hơn về cơ chế để cung ứng vốn kịp thời, giúp dự án được triển khai nhanh chóng và thuận lợi hơn.

* Trong 6 tháng cuối năm, NHNN Chi nhánh Cần Thơ sẽ tập trung vào những hoạt động trọng tâm nào để cùng thành phố hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, thưa ông?

6 tháng cuối năm, mục tiêu phấn đấu của NHNN Chi nhánh Cần Thơ là cùng hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng. Tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên đã đặt ra ban đầu; phấn đấu tăng trưởng dư nợ đến cuối năm đạt từ 16%-18%. NHNN Chi nhánh Cần Thơ thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý ngoại hối, tăng cường thu hút kiều hối, xuất khẩu tại chỗ, thu đổi ngoại tệ phấn đấu đạt 360 triệu USD đến cuối năm. Đồng thời quyết liệt xử lý nợ xấu, bởi với tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn hiện nay là 1,92% tuy ở mức khá tốt nhưng so về số tuyệt đối là khá lớn.  

NHNN Chi nhánh Cần Thơ sẽ chỉ đạo các TCTD tập trung xử lý nợ xấu và đưa nguồn vốn này vào phát triển kinh tế; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ xấu về mức 1,5%. Phấn đấu thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD, giám sát các ngân hàng hoạt động yếu kém; phấn đấu đến cuối năm 2018, tất cả 7 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn phải đạt kết quả xếp loại từ khá trở lên, không có quỹ yếu kém. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; giám sát và chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật.

* Xin cảm ơn ông!

MINH HUYỀN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết