29/01/2010 - 20:26

NGÀNH THƯƠNG MẠI TP CẦN THƠ

Sẵn sàng cho Tết Canh Dần

Mặt hàng bánh kẹo phục vụ Tết 2010 đã được bày bán tại đường Nguyễn An Ninh, quận Ninh Kiều.

Cục Thống kê TP Cần Thơ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2010. Theo đó, CPI của tháng đầu năm 2010 tăng 1,23% so với tháng cuối năm 2009. Tháng 2-2010, thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, theo dự đoán của ngành chức năng, nhiều loại hàng hóa trên thị trường sẽ tiếp tục tăng giá do nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Chính vì thế, ngoài việc tăng cường theo dõi, kiểm tra việc sản xuất, mua bán hàng hóa Tết, các ngành chức năng trên địa bàn thành phố đã và đang có kế hoạch về bố trí thời gian, tiến hành chọn điểm, phân lô, tổ chức cho các tiểu thương đăng ký để bán các mặt hàng cây kiểng, dưa hấu, bánh mứt… phục vụ nhân dân mua sắm Tết.

CPI tăng nhưng sức mua hàng hóa giảm

Theo thống kê của Cục Thống kê TP Cần Thơ, tháng 1-2010, là thời điểm các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, thu mua dự trữ hàng hóa phục vụ Tết; giá nhiều loại mặt hàng ở thành phố tiếp tục được ghi nhận tăng. Cụ thể: giá đường cát tăng khoảng 1.000-1.500 đồng/kg; từ ngày 1-1, ga trong nước tăng giá bán thêm 4.000 -5.000 đồng/bình 12kg, nâng mỗi bình ga 12kg đến tay người tiêu dùng khoảng 271.000 đồng, cao nhất từ trước đến nay; các công ty, hãng sữa trong và ngoài nước đã điều chỉnh giá tăng từ 2 – 15,8%, tùy theo sản phẩm... Từ ngày 14-1, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tăng 450 đồng/lít đẩy xăng A92 lên 16.400 đồng/lít, xăng A95 lên 16.900 đồng/lít; dầu diezel cũng tăng thêm tăng 300 đồng/lít, dầu hỏa tăng 300 đồng/lít và dầu mazut (tùy loại) tăng 300-400 đồng/kg... Ngoài ra, tháng đầu năm 2010, các mặt hàng bánh kẹo trong nước và nhập khẩu, tùy theo mặt hàng đã tăng trên dưới 15 - 30%...

Chính những yếu tố tăng giá nêu trên đã tác động tăng đến hầu hết chỉ số giá các nhóm hàng hóa trong “rổ” hàng hóa chủ yếu được đưa vào tính CPI tháng 1-2010. Số liệu công bố mới đây của Cục Thống kê TP Cần Thơ, CPI tháng đầu năm 2010 tăng 1,23% so với tháng cuối năm 2009; trong đó, có đến 9/11 nhóm hàng chỉ số giá được ghi nhận tăng. Tăng cao nhất là nhóm hàng đồ uống và thuốc lá (tăng 3,07%); vị trí tăng thứ hai là nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (mức tăng 2,23%); kế đến là nhóm hàng may mặc, mũ nón và giày dép (mức tăng 2,23%); thứ tư là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng khoảng 1,53%; trong đó, hàng lương thực tăng đến 4,12% so với tháng 12-2009). Các nhóm hàng hóa khác như: thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giao thông; văn hóa, thể thao và giải trí; hàng hóa và dịch vụ khác tăng từ 0,01 – 1,45%. Đặc biệt, so với tháng 12-2009, tháng 1-2010, chỉ số giá của nhóm hàng giáo dục ổn định và nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm 0,38%.

Về tình hình tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn TP Cần Thơ trong tháng đầu năm, ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Các siêu thị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chuẩn bị dự trữ hàng hóa để phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán, đồng thời thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nhân dân. Chính vì thế, lượng hàng hóa trên thị trường dồi dào, nhiều mẫu mã mới, đẹp, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, tổng mức hàng hóa bán ra tháng 1-2010 ước thực hiện 4.943 tỉ đồng, giảm 5,6% so tháng trước; trong đó, bán lẻ ước đạt 2.220 tỉ đồng, giảm 22,5% so tháng 12-2009. Một trong những nguyên nhân chính của sự sụt giảm này, theo ông Hừng, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp... dẫn đến đời sống của đại bộ phận người dân, đặc biệt là nông dân còn nhiều khó khăn nên người tiêu dùng hiện nay đã tính toán hơn nhằm giảm chi tiêu.

Hoa kiểng phục vụ Tết đã được bày bán tại
Bến Ninh Kiều.

Chuẩn bị tập trung cho Tết

Tháng 2-2010, tháng cao điểm của việc mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ Tết Canh Dần 2010. Theo dự báo của Cục Thống kê TP Cần Thơ, giá lúa gạo, thực phẩm... sẽ tăng mạnh do nhu cầu mua sắm Tết. Ngoài ra, cũng theo ông Lê Văn Hừng, đến thời điểm hiện nay, một số mặt hàng đã tăng giá như gạo, đường cát, cá ba sa, thịt heo... nhưng mức độ tăng không lớn có thể chấp nhận được. Dự kiến vào những ngày cận Tết, giá cả các mặt hàng thiết yếu có thể tiếp tục tăng giá, nhất là các mặt hàng rượu bia, nước giải khát, bánh, mứt... Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hừng, khó có khả năng xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá vào thời điểm Tết Nguyên đán 2010. Bởi ngoài việc chuẩn bị một khối lượng hàng khá lớn phục vụ Tết của các doanh nghiệp, các loại hàng hóa trên thị trường khá phong phú, đa dạng về kiểu dáng, đảm bảo chất lượng... tạo cơ hội cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục tổ chức thêm nhiều đợt đưa hàng Việt về bán ở các vùng nông thôn, phục vụ nhân dân mua sắm Tết.

Ngoài việc chuẩn bị các nguồn hàng phục vụ Tết, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã lên kế hoạch thời gian phục vụ nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng. Theo Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), Cửa hàng thực phẩm sạch số 1 (142 Hai Bà Trưng), Cửa hàng thực phẩm sạch số 2 (23 Phan Đình Phùng) có kế hoạch trong 3 ngày giáp Tết (28,29 và 30 Tết) sẽ phục vụ suốt từ 4 giờ đến 18 giờ mỗi ngày và có thể tăng cường thêm tùy theo nhu cầu thực tế của người dân. Hoạt động của chợ cá vẫn đảm bảo theo thời gian của chợ Tân An (24/24); Shop thủy hải sản từ 20 Tết sẽ mở cửa suốt từ 6 giờ đến 18 giờ để đảm bảo cung cấp hàng sỉ và lẻ cho người tiêu dùng. Ngoài ra, từ 15 Tết, Cửa hàng Co.op mở rộng giờ phục vụ đến 22 giờ, thậm chí 23 giờ (so với ngày thường là 21 giờ đóng cửa) và Trung tâm Bách hóa mở cửa đến 20 giờ tối (so với ngày thường là 17 giờ).

Ông Lê Văn Hừng cho biết: Tháng 2-2010, là thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, ngành công thương thành phố sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện thu mua, sản xuất, chế biến và dự trữ hàng hóa phục vụ Tết. Đồng thời, ngành sẽ tăng cường phối hợp với các ngành hữu quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra ghi nhãn hàng hóa, kiểm tra xử lý vi phạm như: đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt... Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các quận, huyện và đơn vị có liên quan sắp xếp trật tự mua bán tại các chợ, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị... Ngoài hệ thống các siêu thị lớn, 102 chợ, các cửa hàng tiện ích... trên địa bàn thành phố, ngành chức năng đã tiến hành việc chọn điểm, phân lô, tổ chức cho các tiểu thương đăng ký các mặt hàng hoa kiểng, dưa hấu, bánh mứt... phục vụ nhân dân mua sắm Tết.

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết