27/10/2017 - 17:42

Rút ngắn khoảng cách thế hệ 

Mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái nói riêng, mâu thuẫn giữa các thế hệ nói chung, thường xảy ra trong gia đình. Sự chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông sẽ giúp hòa giải những mâu thuẫn đó.

Mâu thuẫn

Nhiều phụ huynh vì lo cho con, trở nên gay gắt, quản lý con quá chặt cũng như có xu hướng áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. Vì vậy, một số bạn trẻ chịu nhiều áp lực khi ý kiến của cha mẹ không như ý mình. N.V.T (17 tuổi, ở quận Ninh Kiều) chia sẻ: “Tôi rất thích các hoạt động văn nghệ, thể thao nhưng cha mẹ thì không. Cha mẹ chỉ muốn tôi đi học thêm để kết quả học tập thuộc nhóm dẫn đầu lớp. Mỗi lần muốn tham gia chương trình văn nghệ ở trường, tôi phải nói dối cha mẹ đi học thêm. Khi biểu diễn xong, tôi nhờ bạn bè tẩy trang thật kỹ, rồi mới về nhà”. Còn H. (học sinh lớp 12) cho biết, rất thích lĩnh vực công nghệ. Nhiều năm qua, H. và các bạn chung lớp tham gia một số cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn muốn H. trở thành bác sĩ. H. phải nghe lời cha mẹ, tập trung việc học thay vì cứ mày mò nghiên cứu. H. nói: “Là bác sĩ nên cha mẹ muốn tôi theo ngành y. Tôi từng phản ứng nhưng không có kết quả nên rốt cuộc phải làm theo lời cha mẹ”.

Học sinh Trường Phổ thông Thái Bình Dương ngồi tĩnh tâm nhớ về cha mẹ trong chương trình “Ấm áp những yêu thương”. Ảnh: CTV

Ngọc Nho (26 tuổi, nhân viên một công ty ở khu Công nghiệp Trà Nóc) cho biết: “Ở quê tôi, bà con rất quý trọng giáo viên. Do đó, cha mẹ luôn kỳ vọng tôi trở thành giáo viên. Cha mẹ rất vui khi tôi thi đậu ngành sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học An Giang”. Năm 2013, Nho tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc. Nho có trình độ tiếng Anh và tiếng Trung nên nộp hồ sơ xin làm thư ký cho một số công ty nhưng cha mẹ không đồng ý, sợ con gái xa nhà, dễ sa ngã. Vì nghe lời cha mẹ nên thời gian dài Nho gần như trầm cảm vì chỉ ở nhà nấu cơm. Mối quan hệ của Nho và gia đình cũng không êm đẹp. Sau 1 năm, Nho quyết định đến TP Cần Thơ xin việc.

Trần Văn Giang (23 tuổi, sinh viên) rất thích các hoạt động Đoàn - Hội và từ thiện xã hội. Lúc đầu, cha mẹ không ủng hộ vì sợ Giang không tập trung việc học, đi đường xa nhiều nguy hiểm... Mỗi lần đi làm từ thiện, Giang đều giấu cha mẹ. Giang nói: “Tôi từng có thời gian căng thẳng với cha mẹ. Tôi dung hòa bằng cách thuyết phục cha mẹ tin vào lựa chọn của tôi là có ích cho bản thân và xã hội”.

Trao đổi để cảm thông

Mấy năm qua, Giang đều đạt kết quả học lực khá, giỏi để cha mẹ không lo lắng. Giang chia sẻ với cha mẹ, việc đi làm tình nguyện giúp Giang có thêm nhiều bạn bè, kiến thức xã hội, kỹ năng giao tiếp…Cuối cùng, cha mẹ Giang cũng ủng hộ con tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Giang chia sẻ: “Mỗi tháng cha mẹ cho tôi 1 triệu đồng. Tôi cố gắng đi làm thêm để đỡ đần cha mẹ. Lúc rảnh rỗi, tôi về thăm nhà và thường xuyên tâm sự những khó khăn để cha mẹ hiểu mình hơn. Theo tôi, khi con cái xem cha mẹ là chỗ dựa, sẵn sàng tỏ bày niềm vui, nỗi buồn, là thành công trong xây dựng mối quan hệ gia đình”.

Sau những mâu thuẫn, Ngọc Nho dần tạo được niềm tin với cha mẹ; đồng thời cũng hiểu hơn những lo lắng của cha mẹ. Vì vậy, dù sống xa nhà nhưng cha mẹ luôn an tâm về cuộc sống của Ngọc Nho. Ngọc Nho cho biết: “Em trai tôi học ở Bình Dương nên cuối tuần tôi tranh thủ về nhà thăm cha mẹ. Dù cha mẹ nguyên tắc, khuôn khổ nhưng luôn cho tôi sự cân bằng trong cuộc sống từ những trải nghiệm của mình”.

Theo anh Phương Tấn Đạt, giáo viên kỹ năng sống Trường Phổ thông Thái Bình Dương, sự quan tâm, chia sẻ, động viên từ cha mẹ là động lực để các bạn trẻ nhận biết giá trị gia đình, biết hành xử đúng mực và thấu hiểu nhiều hơn sự vất vả của cha mẹ. Hiện nay, một số bạn sống hờ hững với gia đình, xem việc chăm lo của cha mẹ là trách nhiệm. Bên cạnh đó, nhiều bạn cảm thấy bế tắc khi thiếu sự quan tâm từ cha mẹ hoặc cha mẹ không hòa thuận. Anh Đạt kể: “Tôi từng biết một trường hợp vì cha mẹ ly hôn, có tâm lý buồn chán, bất cần đời, học hành sa sút. Tuy nhiên, khi cha qua đời, em thay đổi suy nghĩ, quý trọng gia đình hơn. Em nỗ lực học tập và học rất giỏi. Tôi nghĩ, phụ huynh cần động viên tinh thần các em trong mọi hoàn cảnh, chớ không chỉ quan tâm bằng cách chu cấp tiền bạc”.

Để giúp các học sinh nhận biết giá trị của gia đình, Trường Phổ thông Thái Bình Dương vừa tổ chức Chương trình “Ấm áp những yêu thương”. Các học sinh được nghe cha mẹ nói về sự kỳ vọng, tình yêu dành cho con cái cũng như tâm sự của các bạn về gia đình. Qua chương trình, các em dần thay đổi suy nghĩ về gia đình, yêu thương cha mẹ nhiều hơn. Anh Đạt cho biết: “Nhiều em viết về những ước mơ giản dị nhưng đôi khi rất khó tìm trong gia đình. Đó là, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian cho các em và lắng nghe các em nói. Mong muốn cha mẹ là những người bạn đồng cảm, lắng nghe, thấu hiểu là điều các em luôn nghĩ tới trong cuộc sống”.

ĐỖ VĂN

Chia sẻ bài viết