07/04/2009 - 14:00

Rượu bia và hiểm họa tai nạn giao thông

Từ ngày 1-7, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi chính thức có hiệu lực. So với trước, những điểm chỉnh lý, bổ sung trong Luật đã sát gần với thực tế hơn, chế tài xử lý cũng nghiêm minh hơn, từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, xây dựng văn hóa giao thông trong xã hội. Một trong những điểm mới trong bộ luật lần này được dư luận quan tâm và đồng tình ủng hộ là quy định về định lượng và mức độ xử lý vi phạm đối với những trường hợp người điều khiển phương tiện lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

* Tai nạn và gánh nặng...

Đại diện Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Cũng như các nước đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) có xu hướng gia tăng. Qua báo cáo tình hình tai nạn thương tích định kỳ của ngành Y tế, nhìn chung tỷ suất mắc TNGT trên toàn quốc liên tục tăng trong những năm gần đây; năm 2008, tỷ lệ này đã tăng gấp 3,3 lần so với 6 năm trước. Tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông đường bộ (TNGTĐB)/100.000 dân cũng tăng nhanh ở tất cả các vùng sinh thái mà khu vực Tây Nguyên là địa bàn dẫn đầu. Tỷ lệ thuận với thực trạng tai nạn và thương tích do TNGT, tình hình sản xuất, lưu thông và tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam cũng gia tăng. Hiện tại, mức tiêu thụ bia bình quân/người/năm ở nước ta là 15,8 lít (gần bằng 2/3 so với mức tiêu thụ chung của toàn thế giới); mức tiêu thụ rượu bình quân là 3,9 lít trong khi con số này ở toàn cầu là 6 lít. So với thế giới, độ tuổi bắt đầu uống rượu ở nước ta có muộn hơn (khoảng 24 tuổi) và hiện đang có xu hướng trẻ hóa rất rõ nét. Điều tra về sức khỏe vị thành niên và thanh niên, có 69% nam giới và 28% nữ giới đã từng sử dụng rượu bia; 58% đối với nam và 30% với nữ giới đã từng say rượu.

Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN. 

Kết quả khảo sát chưa đầy đủ tại các bệnh viện trong năm 2008 cho thấy có trên 183.050 ca TNGT đến cấp cứu mà 12,6% có sử dụng rượu bia. Tỷ lệ các trường hợp TNGT có nồng độ cồn trong máu là 4,5%; nam giới luôn chiếm đa số với 97%. Điều tra tình hình TNGT liên quan đến rượu bia tại Từ Liêm (Hà Nội) và Khoái Châu (Hưng Yên) trong 2 năm 2007-2008, có 29,1% trường hợp được ghi nhận là đã sử dụng rượu bia trước khi xảy ra tai nạn; 61,4% không xác định rõ là có sử dụng hay không. Ước tính, thiệt hại về người và vật chất do TNGT ở Việt Nam mỗi năm là khoảng 885 triệu USD, chưa kể đến nguồn lực lớn của ngành y tế dành cho việc cứu chữa, phục hồi chức năng cho các nạn nhân. TNGT cũng gây nên gánh nặng cả về mặt tâm lý, xã hội và kinh tế cho các gia đình có người bị tàn tật, cho cộng đồng và xã hội.

* Có khó khi từ bỏ một thói quen cũ?

Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Thân Văn Thanh đánh giá: hiện tại, các cơ quan chức năng chưa có con số thống kê chính thức về lượng người tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới đường bộ có sử dụng rượu bia nhưng hàng năm theo tổng hợp của UB ATGT quốc gia có khoảng 10-12% người chết vì TNGT liên quan đến rượu bia. Trên thực tế con số này còn cao hơn nữa vì việc sử dụng thiết bị, phương tiện để đo nồng độ cồn trong hơi thở, máu chưa được phổ cập. Có nhiều trường hợp thiệt mạng do rượu bia nhưng vì không đo được nên cũng chưa đưa vào thống kê. Ông Thanh cho rằng, việc sử dụng rượu bia trong những dịp lễ tết, hội hè, có tin vui... là một trong những nét văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam tuy nhiên phải có điểm dừng chứ không nên lạm dụng quá mức. Đã có không ít tai nạn thương tâm xảy ra với nhiều thanh niên còn rất trẻ nhưng thiếu kiềm chế, say rượu bia, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Cùng quan điểm trên, đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng (Phó Cục trưởng - Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt) nêu ý kiến: bên cạnh những biện pháp đồng bộ khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân, tránh lạm dụng rượu bia. Với ảnh hưởng của rượu bia, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dễ bốc đồng, chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, sau đó sẽ gây ức chế não bộ làm người lái xe dễ ngủ gật trong khi điều khiển xe. Ngoài ra, rượu còn làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực; gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh tới não, ước tính sai về khoảng cách... dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và TNGT. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho rằng để hạn chế việc sử dụng rượu bia quá độ, cần mở một chiến dịch truyền thông, tuyên truyền về tác hại của lạm dụng rượu bia với quy mô và cách làm bài bản như khi vận động người dân đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Việc đội mũ bảo hiểm là bắt đầu hình thành một thói quen mới trong khi hạn chế sử dụng rượu bia lại là từ bỏ một thói quen cũ. Sẽ khó khăn hơn khi chúng ta từ bỏ một thói quen đã hình thành và theo ta suốt thời gian dài; tuy nhiên, khi có quyết tâm thì chắc chắn sẽ thực hiện được. Do vậy, tác hại của việc lạm dụng rượu bia cần được coi là chủ đề nổi bật, quan tâm tuyên truyền xuyên suốt trong năm 2009.

* Chế tài mạnh và nghiêm khắc hơn

Uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích mà pháp luật cấm sử dụng trong khi lái xe là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT và trái với các quy định của pháp luật. Những năm qua, quy định của pháp luật Việt Nam về xử lý hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ ngày càng được hoàn thiện với mức độ ngày càng nghiêm khắc hơn. Từ năm 1995 trở lại đây, Chính phủ đã 5 lần sửa đổi Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, trong đó quy định về cưỡng chế hành vi vi phạm về nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở đối với người điều khiển phương tiện cơ giới luôn được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế để tăng tính răn đe, giáo dục. Mức xử lý cũng ngày càng nghiêm khắc hơn, thể hiện ở mức xử phạt bằng tiền cao hơn; ngoài việc bị phạt hành chính, người vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn; bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe; bị tạm giữ phương tiện. Bên cạnh xử lý hành chính, nếu vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe gây TNGT mà hậu quả nghiêm trọng thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm về sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và TNGT do say rượu bia hoặc dùng các chất kích thích khác gây ra, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7) quy định rõ: nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mm/1 lít khí thở. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2001 mới chỉ đề cập tới việc hạn chế nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở của người điều khiển phương tiện, đây là bước tiến quan trọng, đưa quy định hành vi sử dụng rượu bia quá nồng độ vào điều nghiêm cấm với người phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và mức độ quy định ngày càng chặt chẽ, khắt khe hơn nhằm đảm bảo trật tự ATGT, hạn chế TNGT.

THU HƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết