01/08/2012 - 21:03

Rừng ngập mặn Tây Nam bộ "kêu cứu"

chắn chống xói lở để trồng rừng ở khu vực biển Tây, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Rừng ngập mặn (RNM) ven biển Tây Nam bộ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, cung cấp sản phẩm gỗ, thủy sản... Thế nhưng, tình trạng phá rừng phục vụ nuôi trồng thủy sản, khai thác lâm sản và sử dụng đất vào những mục đích khác nhau khiến RNM đang thu hẹp về diện tích...

Chặt phá rừng tràn lan

Theo Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tổng diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp ven biển Tây Nam bộ là 120.430ha. Trong đó, đất đã trồng rừng khoảng 91.906ha, đất chưa có rừng 28.524ha. Tuy nhiên, qua khảo sát hiện trạng, RNM ven biển manh mún, không liền vùng, liền khoảnh mà chia cắt theo kiểu “da beo”. Diện tích RNM chủ yếu tập trung ở tỉnh Cà Mau (chiếm 70,2% diện tích), còn lại phân bố rải rác dọc ven biển của 7 tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang và Kiên Giang. Tình trạng chặt phá RNM để mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, xây dựng các công trình dân dụng... diễn ra phổ biến trong nhiều năm qua. Theo số liệu thống kê, từ năm 2000-2010, tổng diện tích rừng bị tàn phá khoảng 11.785ha, trong đó, rừng phòng hộ trên 4.822 ha, rừng đặc dụng 139ha và rừng sản xuất hơn 6.824ha.

Ông Nguyễn Quang Dương, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng Cục Lâm nghiệp), cho biết: “RNM hiện nay chủ yếu là rừng 1-5 năm tuổi và 10-15 năm tuổi, diện tích rừng đạt đến giai đoạn thành thục hoặc gần thành thục (trên 15 năm tuổi) chiếm tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tỉnh Cà Mau có diện tích RNM nhiều nhất so với các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL nhưng diện tích RNM ở giai đoạn gần thành thục chỉ chiếm khoảng 2% tổng diện tích RNM của tỉnh”. Theo ông Dương, ở nhiều nơi mật độ trồng rừng quá dày do người dân có xu hướng trồng co cụm trên diện tích được giao khoán để dành mặt nước nuôi trồng thủy sản, rừng lại không được phép tỉa thưa (các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xung yếu) nên cây sinh trưởng, phát triển kém, bình quân tăng trưởng chỉ đạt 5-6m3/ha/năm.

Tại một số khu vực ven biển, RNM phân bố dọc theo hệ thống đê biển không đảm bảo yêu cầu bảo vệ đê, phòng chống thiên tai. Trong tổng số gần 1.260km đê biển của vùng Tây Nam bộ hiện có 479km chưa có đai rừng phòng hộ. Nhiều đoạn bờ biển và cửa sông đang bị xói lở nghiêm trọng với tổng chiều dài hơn 310km, tập trung ở tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre... Ngoài ra, tình trạng nuôi trồng, khai thác thủy sản tự phát như: bắt sâm đất ở Bến Tre; khai thác nghêu, cá kèo, cua giống tại Sóc Trăng, Cà mau, Kiên Giang, Bến Tre... là những nguyên nhân khiến hệ sinh thái RNM bị đảo lộn, diện tích và chất lượng RNM không ngừng suy giảm.

Tăng cường quản lý liên ngành

Từ năm 1998-2010, vùng Tây Nam bộ trồng mới, trồng lại gần 18.070ha rừng phòng hộ, diện tích thành rừng đạt tỷ lệ trên 78%. Tuy nhiên, thực tiễn trồng rừng ở các địa phương trong vùng cho thấy, sóng to, nước mặn lấn sâu vào nội đồng gây xói lở nền đất dẫn đến tình trạng mất đất, mất RNM. Để khắc phục tình trạng này, một số tỉnh tiến hành trồng rừng với sự hỗ trợ của rào chắn nhưng do hạn chế đầu tư, rào chắn không được thiết kế tỉ mỉ nên rừng trồng vẫn bị thiệt hại. Mặt khác, việc lựa chọn cây trồng không phù hợp cũng tác động đến công tác trồng rừng. Cụ thể, tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, chính quyền địa phương chọn trồng cây đước nhưng do bùn lỏng nên có đến 60-90% số cây chết. Tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, RNM được trồng trên địa hình cao, đất sét, thủy triều không ngập tới được nên tỷ lệ sống rất thấp, cây cằn cỗi và chết dần...

Trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, việc quản lý, bảo vệ và phát triển RNM nhằm chống xói lở, bảo vệ đê biển rất cấp bách. Tại Hội thảo “Hiện trạng và giải pháp quản lý RNM ven biển Tây Nam bộ” do Tổng Cục Lâm nghiệp vừa tổ chức tại TP Cần Thơ, ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: “Khi xác định quy hoạch trồng và bảo vệ rừng, phải chú ý đến việc xây dựng và bảo vệ đê, thống nhất giữa quy hoạch trồng rừng và đầu tư vốn; tập trung đầu tư rừng phòng hộ bảo vệ đê biển. Quá trình trồng rừng, mỗi địa phương cần chọn một loại cây trồng (đước, mắm, bần) phù hợp điều kiện tự nhiên và từng vùng sinh thái khác nhau...”. Ngoài ra, để đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của RNM, các tỉnh cần kết hợp với xây dựng các công trình phụ trợ (kè chắn sóng, tạo bùn, giữ đất...). Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về tầm quan trọng của RNM để phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Để khắc phục tình trạng chồng chéo, không thống nhất trong công tác quản lý, bảo vệ RNM giữa các ngành liên quan và các địa phương, theo ông Nguyễn Quang Dương, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng, đối với các tỉnh có RNM tập trung (Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre) cần tiến hành rà soát các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng hiện có giao Sở NN&PTNT quản lý. Những địa phương có RNM rải rác, phân bố dọc các tuyến đê tự nhiên hoặc nhân tạo (Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang) mỗi tỉnh phải có một Ban Quản lý rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm. Trên cơ sở đó, các Ban Quản lý rừng tiến hành giao khoán cho các hộ gia đình dựa trên nguyên tắc đồng thuận quản lý và chia sẻ lợi ích từ rừng (rừng của Nhà nước, nguồn thu thủy sản của dân).

Theo ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp, các địa phương phải rà soát lại quy hoạch hệ sinh thái RNM ven biển theo tính chất liên ngành, chú trọng quy hoạch sử dụng đất để có sự thống nhất quản lý giữa lâm nghiệp, thủy lợi, đê điều, thủy sản... Tiến hành xem xét lại các cơ chế, chính sách, sớm đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý rừng. Mỗi địa phương phải có một đầu mối quản lý, đặc biệt chú ý đến các vấn đề lợi nhuận cho người dân. “Năm 2012, phải trồng bằng được 3.880ha và khoanh nuôi 2.500ha RNM ven biển. Các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, không chuyển bất cứ 1ha rừng ven biển nào nữa sang mục đích sử dụng khác”- ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Kè chắn chống xói lở để trồng rừng ở khu vực biển Tây, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Chia sẻ bài viết