08/02/2010 - 10:42

Robot sẽ thông minh hơn người?

LONG CHÂU

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ máy tính cộng với thành quả hơn 50 năm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (TTNT), những năm qua, giới khoa học liên tục cho ra đời nhiều thế hệ robot thông minh. Không những có khả năng bắt chước suy nghĩ con người, biết lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp, chúng còn biết tự nạp năng lượng khi sắp hết pin, học hỏi và tự thích nghi với môi trường mới... Máy móc thậm chí có lúc thông minh hơn hẳn con người (như máy tính Deep Fritz từng lập kỳ công khi đánh bại đại kiện tướng cờ vua số 1 thế giới người Nga Vladimir Kramnik). Thành tựu này nối tiếp thành tựu khác của lĩnh vực TTNT không khỏi khiến giới khoa học lo ngại một ngày nào đó robot sẽ thông minh vượt trội hơn chúng ta.

* Thêm nhiều thành tựu đột phá

Năm qua, lần đầu tiên, làng khoa học thế giới đón nhận chuyên gia nghiên cứu với ngoại hình “khác người” có khả năng tự mày mò thử nghiệm các giả thuyết do mình lập ra mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào. Với thân hình “vạm vỡ” (chiếm diện tích 15m2), được trang bị cánh tay robot cùng một loạt trang thiết bị làm thí nghiệm như máy ướp lạnh tự động, lồng ấp, máy ly tâm..., robot Adam được phát triển hoàn chỉnh với khả năng tự suy nghĩ và hành động, và mỗi ngày có khả năng thực hiện đến 1.000 cuộc thí nghiệm. Khi mới “đầu quân” cho phòng thí nghiệm Đại học Aberystwyth (Vương quốc Anh), “khoa học gia” này đã sớm chứng tỏ năng lực khi khám phá ra 12 gien quan trọng trong tế bào men bánh mì, ước tính có cả thảy 6.000 gien (từ thập niên 1960 đến nay, giới khoa học mới chỉ khám phá chức năng 10-15% số gien). Không những lập giả thuyết về cơ chế hoạt động của các gien mới khám phá, Adam còn biết tiến hành các thí nghiệm để chứng minh giả thuyết của mình không sai.

“Đây là lần đầu tiên máy móc khám phá tri thức mới”, giáo sư Ross King, một trong những “cha đẻ” của Adam, tự hào cho biết. Theo ông, khám phá của “đồng nghiệp” này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thuốc mới điều trị các bệnh do nấm gây ra, chẳng hạn bệnh nấm bàn chân. Mặc dù thành tựu Adam đạt được tương đối đơn giản nhưng giáo sư King tin rằng các “nhà khoa học robot” trong tương lai có khả năng giải quyết các vấn đề nghiên cứu gai góc hơn. Đó cũng là nhiệm vụ ê-kíp ông đặt ra với “cô bạn đồng nghiệp” Eve sắp ra đời với “khối óc” tinh vi hơn Adam. Những robot độc lập tác nghiệp như Adam và Eve được kỳ vọng trong một hai thập niên tới sẽ trở thành trợ thủ đắc lực trong phòng thí nghiệm, hỗ trợ các nhà nghiên cứu bào chế dược phẩm mới.

Giáo sư Ross King và đồng nghiệp cùng “khoa học gia robot” Adam.
Ảnh: Aberystwyth university

Không thua kém đồng nghiệp Anh, các chuyên gia Đại học Cornell (Mỹ), năm 2009 đã cho ra đời chương trình máy tính có khả năng tìm ra các định luật vật lý cơ bản. Trong các cuộc thí nghiệm, máy tính sau khi quan sát chuyển động của quả lắc đã giải mã được các định luật về động lượng của Isaac Newton. Thành công này mở ra triển vọng một ngày không xa, máy tính có thể tìm ra các định luật tự nhiên mà khoa học chưa từng biết tới.

Ngành TTNT châu Âu năm vừa qua đã phát triển thành công máy tính thông minh cho phép xe cộ nắm bắt hành vi người ngồi sau tay lái và đưa ra tín hiệu cảnh báo khi nhận thấy có nguy cơ xảy ra tai nạn. Đây là một bước tiến nữa chuẩn bị cho sự ra đời của ô tô thông minh có khả năng tự cầm lái nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông - làm chết đến 1 triệu người mỗi năm, hầu hết được cho là do lỗi người điều khiển.

* Máy móc có thể thông minh hơn người?

Robot có thể mở cửa và biết tìm nguồn điện để tự sạc. Người máy thăm bệnh biết thấu cảm khi trò chuyện với bệnh nhân. Vi-rút máy tính tác oai tác quái không ai có thể ngăn nổi. Máy bay do thám không người lái, tuy vẫn còn do con người điều khiển từ xa, nhưng đang từng bước trở thành cỗ máy bắn giết tự chủ độc lập... Ấn tượng xen lẫn quan ngại trước sự tiến bộ vượt bậc của lĩnh vực TTNT, các nhà khoa học máy tính, chuyên gia TTNT và chế tạo robot hàng đầu thế giới cuối tháng 2-2009 đã tổ chức hội nghị kín tại California (Mỹ) để thảo luận việc có nên đặt ra giới hạn trong lĩnh vực nghiên cứu TTNT nhằm đề phòng nghịch cảnh: con người mất khả năng chi phối máy móc do chính mình tạo ra. Điều họ lo ngại là những bước tiến sắp tới có thể gây xáo trộn xã hội, thậm chí dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Trước mắt, sự phát triển không ngừng của công nghệ TTNT có thể đe dọa công ăn việc làm của con người (chẳng hạn như khi xe hơi tự lái, trợ lý cá nhân trên máy tính, robot phục vụ tại gia, robot bán hàng, robot đứng lớp... đi vào cuộc sống), cũng như buộc chúng ta học cách sống chung với những máy móc ngày càng giỏi bắt chước hành vi con người. Các chuyên gia cũng đặc biệt lưu tâm tới khả năng bọn tội phạm có thể khai thác các hệ thống TTNT ngay khi mới “ra lò”. Điều gì sẽ xảy ra khi bọn tội phạm có trong tay hệ thống tổng hợp giọng nói có thể giả giọng bất kỳ ai? Bọn chúng sẽ làm gì khi sở hữu công nghệ TTNT cho phép đánh cắp thông tin cá nhân từ điện thoại di động thông minh?

 Chuyên gia robot hàng đầu Nhật Bản Hiroshi Ishiguro (phải) và Germinoid - robot có ngoại hình giống ông như đúc. Ảnh: Daily Mail

Thế nhưng robot quân sự mới là khía cạnh đáng ngại nhất. Quân đội Mỹ là trùm đầu tư chế tạo robot chiến trường với kinh phí cho chương trình “các hệ thống chiến đấu trong tương lai” lên tới 240 tỉ USD. Lầu Năm Góc đặt mục tiêu 20 năm tới sẽ thay thế 1/3 phương tiện chiến đấu bằng robot thông minh. Không chỉ tháo gỡ bom mìn, robot sẽ đảm nhận công tác do thám, cõng xe tăng qua sa mạc, tuần tra trên biển... và chắc chắn sẽ cầm súng ra trận. Vấn đề là ai sẽ chỉ huy robot? Binh sĩ trong trạm chỉ huy cách mặt trận vài km hay robot được lập trình để tự chủ khi lâm trận?

“Chúng (chiến binh robot) không hấp tấp, không sợ sệt. Chúng không nao núng khi “đồng đội” ngã xuống. Chúng sẽ tác chiến giỏi hơn con người”, một quan chức Lầu Năm Góc khẳng định. Trên thực tế, trong những cuộc chiến gần đây, ngay cả binh sĩ tinh nhuệ cũng có thể gây ra những nhầm lẫn không thể khắc phục cho đồng đội và dân thường. Vì thế không loại trừ khả năng binh sĩ robot vì một lý do nào đó nổi loạn chĩa súng vào đồng đội và thường dân vô tội. Kế hoạch đưa robot ra chiến trường bởi vậy chẳng khác nào con dao hai lưỡi. Bởi càng hoàn chỉnh chừng nào, máy móc sẽ càng độc ác chừng ấy vì chúng vô tri, vô giác không thể nào có cảm xúc, tình cảm như con người. Thế giới này sẽ đi về đâu khi những cỗ máy giết người tự động đó rơi vào tay các thế lực xấu, phục vụ cho tham vọng phi nghĩa không có điểm dừng của chúng. Đó mới là điều đáng sợ.

* Quan hệ giữa người và robot sẽ ra sao?

Đó cũng là đề tài luận án Tiến sĩ của David Levy, chuyên gia nghiên cứu TTNT ở Anh. Ông đưa ra những dự báo gây tranh cãi về tương lai quan hệ giữa người và robot. Trong đề tài nghiên cứu “Intimate Relationship with Artificial Partners” (tạm dịch Quan hệ thân tình với đối tác nhân tạo), Levy cho rằng với các xu hướng hiện nay trong lĩnh vực TTNT, viễn cảnh con người và robot hình thành quan hệ thân tình không còn xa nữa. Một khi robot trở nên giống người hơn từ ngoại hình cho đến cử chỉ, ông tin rằng khả năng hai bên nảy sinh tình cảm, thậm chí “quan hệ” và đi đến “hôn nhân” hoàn toàn có thể xảy ra.

Robot biết tự tìm ổ định để sạc. Bây giờ là đầy tớ nhưng mai này có thể là chủ? 

Thực tế, Isaac Asimov, chuyên gia sinh hóa đồng thời là tiểu thuyết gia khoa học người Mỹ gốc Nga nổi tiếng với tác phẩm “I, Robot” đã được chuyển thể thành phim cùng tên cách đây không lâu, mới là người khám phá toàn diện mối quan hệ khả dĩ trong tương lai giữa người và máy móc thông minh. Chính ông đã đặt ra “3 quy luật” nổi tiếng trong lĩnh vực chế tạo robot nhằm bảo vệ nhân loại trong trường hợp máy móc quay lưng nổi loạn. Đó là mỗi robot phải được lập trình để không bao giờ sát hại hoặc làm tổn thương con người. Hai là chúng phải luôn phục tùng mệnh lệnh con người (trừ trường hợp việc thực hiện mệnh lệnh khiến nó vi phạm qui luật thứ nhất). Cuối cùng người máy phải biết tự bảo vệ chính mình (trừ khi làm như thế mâu thuẫn với hai qui luật trên).

Khi robot ngày càng trở nên tối tân - điển hình như “khoa học gia” Adam - chúng càng trở nên giống con người và có thể đòi “nhân quyền”, chuyên gia luật pháp Anna Russel của Đại học San Diego (Mỹ) cảnh báo. Trong bài viết đăng trên tạp chí Computer Law & Security Review tháng 11-2009, bà cho rằng một khi người máy biết nhận thức, có trí tuệ siêu đẳng, biết biểu lộ suy nghĩ và cảm xúc thì hệ thống luật pháp chắc chắn sẽ đau đầu trong việc phân biệt “công dân mình đồng da sắt” với “công dân bằng xương bằng thịt”. Russel cho rằng ngay từ bây giờ, các nước nên quyết định xem liệu có chấp nhận mối quan hệ giữa người và robot hay không? Nếu có, các nhà lập pháp nên bắt đầu suy nghĩ sẽ trao cho “công dân đặc biệt” này những quyền và nghĩa vụ gì. Còn nhớ, cách đây 3 năm, các chuyên gia Bộ Công nghệ và Thương mại Anh từng bị phê là “nông cạn” và “thiếu hiểu biết” khi đề xuất trao cho robot một số “quyền con người”, như quyền bầu cử, quyền nhận trợ cấp thu nhập, trợ cấp nhà ở và thậm chí được chăm sóc sức khỏe, nhưng ngày nay những đề xuất ấy xem ra có cơ sở...

Không ít người đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó máy móc trở nên siêu thông minh và quay ngược thống trị toàn nhân loại? Chuẩn bị cho viễn cảnh nghe tưởng chừng chỉ có trong phim khoa học giả tưởng đó, đại gia công nghệ Internet Google và Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) năm ngoái đã góp hơn 1 triệu USD thành lập Đại học Singularity do nhà công nghệ học Ray Kurzweil khởi xướng. Tọa lạc trong khuôn viên Thung lũng Silicon ở California, Đại học Singularity đã tuyển 30 sinh viên tốt nghiệp đại học cho khóa đầu khai giảng vào hè 2009 hướng tới mục tiêu trang bị kỹ năng giúp các nhà khoa học tương lai ứng phó với những bước tiến công nghệ như thế, cũng như “uốn nắn” máy móc theo hướng trợ giúp chứ không phải đẩy con người vào “thảm họa công nghệ”. Sinh viên sẽ được đào tạo các giải pháp để chắc chắn rằng công nghệ TTNT sẽ cải thiện cuộc sống nhân loại bằng cách giải quyết các vấn đề đau đầu như nghèo đói, bệnh tật, biến đổi khí hậu, năng lượng hóa thạch ngày một cạn dần, cũng như bù đắp cho những mất mát do thiên tai mà con người phải hứng chịu.

Hiện nay, nhiều khía cạnh trong cuộc sống đang được “robot hóa” nhằm mang lại lợi ích tối đa cho con người. Trước thực trạng dân số ngày càng lão hóa trong khi ngày một ít trẻ em được sinh ra, Nhật và nhiều nước khác cũng đang tính tới khả năng sử dụng robot thay thế công nhân trong các nhà máy và chăm sóc người già. Nhưng liệu có ổn không khi chúng ta phó mặc việc chăm sóc đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội cho máy móc bởi dù thông minh, tài giỏi đến đâu, chúng vẫn có thể bị lỗi lập trình hoặc hỏng hóc bất chợt? Đó là chưa nói cái người già cần không phải máy móc hiện đại biết phục vụ từ A-Z mà là tình thân và không khí ấm cúng trong gia đình. Đó chính là thứ mà cho dù có đạt trình độ siêu cấp tới đâu, robot cũng không thể nào thay thế được. Nói cách khác, robot mãi mãi chỉ là một công cụ trợ giúp, không thể nào có thể thay thế 100% con người.

Chia sẻ bài viết